Quản lý hiệu quả lao động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

18:11 | 31/10/2021 Print
Việc phát triển các KCN nhanh chóng tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua dẫn đến nhu cầu về nguồn lao động tại các doanh nghiệp KCN ngày một lớn, đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN trong Tỉnh. Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc về công tác quản lý lao động trong các KCN và những giải pháp cho vấn đề này.
Quản lý hiệu quả lao động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Thưa ông, được biết thời gian qua các KCN trên địa bàn Tỉnh có nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong các KCN ngày một tăng. Như vậy công tác quản lý lao động tại các KCN chắc chắn sẽ không đơn giản. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Vũ Kim Thành: Đúng vậy, thời gian qua, việc tăng tốc thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) Tỉnh đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng cũng đặt ra những đòi hỏi về hiệu quả công tác quản lý về lao động của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Hiện nay lao động đang làm việc trong các KCN Tỉnh có trên 100 nghìn người. Với tốc độ phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh nhanh chóng như hiện nay thì nhu cầu sử dụng lao động trong các KCN Tỉnh sẽ ngày càng tăng cao. Vì vậy công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển giữa các doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, số lượng lao động ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn Tỉnh tương đối lớn (khoảng 27.000 người), trong khi đó khu nhà ở công nhân trên địa bàn Tỉnh chưa có, người lao động đi về hàng ngày cũng như người lao động ở trọ tại các khu nhà trọ tư nhân là chủ yếu, nên việc kiểm soát dịch bệnh đối với lực lượng lao động ngoài tỉnh hết sức khó khăn, phức tạp.

Cùng với đó, việc tuyển dụng lao động mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do doanh nghiệp tạm dừng việc tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, kể cả những tỉnh chưa có dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phòng chống dịch.

Thẳng thắn nhìn nhận thực tế, hiện nay trình độ, tay nghề của người lao động trong các KCN Tỉnh còn thấp; số lao động chưa qua đào tào và tỷ lệ lao động nữ còn chiếm tỷ lệ cao, một số doanh nghiệp và một số người lao động vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh đúng các quy định của pháp luật nhà nước nói chung và pháp luật về lao động nói riêng…

Đây thực sự là một “bài toán” khó đòi hỏi Ban Quản lý cần phải giải quyết một cách thấu đáo, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời giúp các doanh nghiệp ổn định nhân lực cho sản xuất, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống, sinh hoạt cho người lao động…

PV: Xin ông cho biết Ban Quản lý đã triển khai những hoạt động và giải pháp thiết thực gì để giải quyết hiệu quả công tác quản lý lao động trong các KCN?

Quản lý hiệu quả lao động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công ty Jahwa Vina tại KCN Vĩnh Phúc

Ông Vũ Kim Thành: Trước hết, Ban Quản lý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách phúc lợi cho người lao động; đề xuất Tỉnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hoá, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của người lao động; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; thực hiện tốt công tác phòng, chống Covid-19 trong các KCN, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và sử dụng lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý lao động; …

Đồng thời đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, phát huy sang kiến, cải tiến kỹ thuật tới các doanh nghiệp và người lao động KCN để tạo đà khuyến khích doanh nghiệp và người lao động hăng say phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất.

Với các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong công tác quản lý lao động, nhìn chung, chất lượng lao động trong các KCN từng bước được cải thiện và nâng cao. Các doanh nghiệp trong KCN chấp hành đúng, đầy đủ chế độ cho người lao động, các vướng mắc trong quan hệ lao động được giải quyết thỏa đáng.

Một số hoạt động được Ban Quản lý triển khai hiệu quả trong 09 tháng đầu năm 2021 là:

Cấp/cấp lại 687 Giấy phép lao động; chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 201 lượt doanh nghiệp; tiếp nhận 96 nội quy lao động; 33 thỏa ước lao động tập thể và 25 hồ sơ thẩm định làm thêm giờ.

Triển khai ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Quản lý và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ; tổng hợp báo cáo nhanh UBND Tỉnh về tình hình người lao động về quê ăn Tết để tham mưu lãnh đạo và có phương án sau khi công nhân trở lại làm việc sau Tết; tổng hợp người nước ngoài xin ưu tiên nhập cảnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Y tế, Công an tỉnh và báo cáo đề xuất UBND Tỉnh đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh-Bộ Công an cho phép người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao (205 doanh nghiệp với 772 người nước ngoài); đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc giám sát y tế, các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tham gia Đoàn giám sát của Tỉnh hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động do đại dịch Covid-19. Cùng với đó là hoạt động thống kê, theo dõi, quản lý người lao động trong nước và nước ngoài đang làm việc tại đang làm việc tại doanh nghiệp trong KCN, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; phối hợp với các tổ công tác liên ngành của UBND Tỉnh rà soát toàn bộ người lao động ngoại tỉnh làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội; người nước ngoài làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng không tạm trú tại Tỉnh phục vụ công tác phòng chống dịch; hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, ổn định.

Những cố gắng trên đã góp phần giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN trong 09 tháng đầu năm 2021 đi vào ổn định (dù trong hoàn cảnh phải thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19). Theo đó, 09 tháng đầu năm 2021, các KCN đã có thêm 19 dự án FDI đi vào hoạt động SXKD. Các dự án mới thu hút thêm 11.604 lao động làm việc trong các KCN.

Tính đến 15/9/2021, có 331 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN Tỉnh (287 dự án FDI và 44 dự án DDI), chiếm 82% tổng số dự án đầu tư. Phần lớn các doanh nghiệp FDI vượt qua được khó khăn, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ tiêu kinh tế tăng 3-7% so với cùng kỳ năm 2020.

PV: Trong thời gian tới, công tác quản lý lao động tiếp tục được Ban Quản lý thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Kim Thành: Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ngày một diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy đi kèm, đòi hỏi Ban Quản lý phải hết sức cố gắng nỗ lực, phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý lao động trong các KCN nói riêng.

Theo đó, những tháng cuối năm 2021 Ban Quản lý tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, biến động của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, có giá trị và đóng góp lớn cho ngân sách. Đối với những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết, Ban Quản lý sẽ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết cho doanh nghiệp.

Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động.

Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, văn bản, pháp luật; thường xuyên đổi mới cách thức quản lý lao động để đạt hiệu quả tốt nhất, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.

Báo cáo kiến nghị UBND Tỉnh xây dựng nhà ở và các thiết chế xã hội cho người lao động động. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội, tránh xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.

PV: Xin chân thành cảm ơn Ông!

Cảnh Hưng (thực hiện)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư