Kinh tế xanh - Xu hướng tất yếu của phát triển bền vững và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

09:00 | 03/11/2021 Print
Hiện nay, “kinh tế xanh” đã trở thành bước ngoặt cho tiến trình khôi phục và phát triển kinh tế toàn cầu và cũng là xu thế tất yếu cho việc thúc đẩy phát triển bền vững tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đứng trước xu thế này, Việt Nam đã bước đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, quá trình phát triển kinh tế xanh hiện nay đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết triệt để.

KINH TẾ XANH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Kinh tế xanh (Green Economy)

Mô hình “kinh tế xanh” xuất hiện gắn với bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng trở nên rõ ràng và trở thành một mối nguy cơ gia tăng đe dọa phá vỡ tiến trình phát triển bền vững. Hiện tại, có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh từ rộng đến hẹp theo nội hàm của cụm từ này. Tuy nhiên, cho đến nay, định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) được coi là đầy đủ nhất: “Nền kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội” [9]. Theo đó, kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường sinh thái. Các chuyên gia của UNEP cũng khẳng định việc xây dựng nền kinh tế xanh không mâu thuẫn với phát triển kinh tế, ngược lại, nó có thể tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, tạo ra các việc làm mới phù hợp với bối cảnh mới.

Xu hướng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

Kinh tế xanh - Xu hướng tất yếu của phát triển bền vững và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường sinh thái

Nền kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã có những bước tiến nhất định và đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,8%/năm. Năm 2020 là một năm nhiều biến động, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng với con số tăng trưởng kinh tế nêu trên, có thể thấy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, phải khẳng định rằng, kinh tế càng phát triển thì những tác động của nó đến môi trường và xã hội cũng lớn hơn. Cụ thể, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã có những tác động xấu đến môi trường, như: tài nguyên thiên nhiên suy giảm, lượng phát thải CO2 tăng lên.

Ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính trong 4 lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp và chất thải vào năm 2020 là 466 triệu tấn CO2 tương đương và vào năm 2030 tăng lên 760,5 triệu tấn CO2 tương đương [4]. Thêm vào đó, Việt Nam hiện đang đối mặt với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và một số thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước. Trước những hệ quả trên của mô hình kinh tế nâu với xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chú trọng chuyển dịch từ mô hình kinh tế nâu sang kinh tế xanh.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế cũng được thể hiện qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với các nhiệm vụ chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Hiện nay, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là chiến lược quốc gia toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững.

Cùng với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 24/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thực tiễn cho thấy, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh, đồng thời tiếp nối xu hướng sử dụng năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thông qua việc ban hành Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống; Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tư liệu sản xuất và thiết bị tiêu dùng. Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo, như: các dự án sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện ở các tỉnh Nam Trung Bộ; các dự án năng lượng gió với nhiều nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Ninh Thuận; các dự án năng lượng sinh khối, như: nhà máy điện sinh học tại Phú Thọ, nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại Bình Phước, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại Cần Thơ. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đáng kể trong thời gian qua đã giúp hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng được cải thiện, góp phần tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển xã hội ít các bon.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng cũng có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh. Nhiều chương trình đã được ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, như: quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các loại nông sản chủ lực (như: rau quả, chè, lúa, cà phê), các quy trình tưới tiết kiệm nước cho lúa, cho các loại cây trồng cạn; chương trình khí sinh học trong ngành chăn nuôi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả năng lượng trong đánh bắt thủy sản; kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng; triển khai quản lý tổng hợp chất thải rắn; phát triển đô thị xanh hay kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng.

Ngoài ra, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được thể hiện ở việc thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng, thải bỏ sản phẩm cũng đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam. Hoạt động xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững cũng đã được hiện thực thông qua nhiều dự án, như: dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) nhằm nâng cao năng lực quản lý và xử lý rác thải hiệu quả; các dự án đô thị xanh ở rất nhiều các đô thị trên toàn quốc, nổi bật phải kể đến là Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ.

Những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế xanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam vẫn đang cho thấy những hạn chế cần phải giải quyết, đó là:

Một là, thói quen sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao. Trong khi đó, các vấn đề lý luận và nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ, do đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân để từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt. Nếu không có sự nhận thức đầy đủ về vấn đề kinh tế xanh thì tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, khi đó sẽ khó thực hiện phát triển kinh tế xanh.

Hai là, các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có, mà mới dừng lại ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung nhiều vào tăng trưởng xanh. Vì vậy, việc rà soát lại cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết.

Ba là, công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: năng lượng hạt nhân, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt... chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia. Trong khi đó, kinh tế xanh hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường. Để làm được điều này thì công nghệ tiên tiến là một trong những điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới.

Bốn là, vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu. Mặc dù, Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo, nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển còn quá thấp, sinh kế của người dân ở các vùng nông thôn và miền núi còn nhiều khó khăn. Nguồn tài chính phục vụ cho phát triển nền kinh tế xanh ở nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính nhà nước, mà chưa phát huy được nguồn tài chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai “nền kinh tế xanh”.

Năm là, Việt Nam là một trong những quốc gia được cho là chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến GDP, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, thể hiện rõ nhất ở ngành nông nghiệp với tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học, rừng và các hệ sinh thái đất ngập nước… Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải, du lịch, thương mại, năng lượng và nhiều hoạt động kinh tế khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chính vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam.

ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN “KINH TẾ XANH” HIỆU QUẢ

Trước những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, để thực hiện lộ trình xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh một cách hiệu quả trong thời gian tới, cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, thực hiện tuyên truyền, giáo dục định hướng giúp thay đổi nhận thức của xã hội từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội từ cấp lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, thay đổi quan niệm và nhận thức về nền kinh tế xanh, qua đó nâng cao ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng nói riêng và trong phát triển kinh tế nói chung.

Thứ hai, thiết lập các khung chính sách hỗ trợ và khuôn khổ pháp lý phù hợp cho phát triển kinh tế xanh. Các khung chính sách bao gồm các biện pháp tài chính và cải cách chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế thông qua thương mại, viện trợ, phát triển thị trường. Khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh được thiết kế phù hợp có thể xác định quyền và tạo động lực định hướng hoạt động kinh tế xanh, cũng như loại bỏ rào cản đối với các khoản đầu tư xanh và điều tiết những hành vi thiếu bền vững có hại, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn tối thiểu hoặc ngăn cấm hoàn toàn một số hoạt động.

Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển khoa học, công nghệ; đặc biệt đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu với quốc tế trong các lĩnh vực ngành nghề phục vụ cho phát triển kinh tế xanh, như: sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng.

Thứ tư, đối với vấn đề nguồn vốn, cần hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ và thu hút đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, chính phủ các nước phát triển; đồng thời cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ để tránh sử dụng sai mục đích hoặc lạm dụng việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài.

Thứ năm, cần có chiến lược hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng những mặt tích cực của biến đổi khí hậu, biến những thách thức thành cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên. Cùng với đó, trong quy hoạch và xây dựng chính sách cần phải kết hợp với yếu tố biến đổi khí hậu để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng phù hợp với thực tiễn đang và sẽ diễn ra.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề chuyển giao công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh thành công của các nước tiên phong để rút ra bài học, từ đó đề ra chương trình hành động phù hợp với những đặc trưng kinh tế và điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 889/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014). Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

6. Nguyễn Thị Thu Hoài (2019). Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 9/2020

7. ICC (2012). ICC Green Economy Roadmap –Eexecutive summary, retrived from https://iccwbo.org/content/uploads/sites/3/2012/08/Green-Economy-Roadmap-Executive-Summary.pdf

8. OECD (2011). Towards Green Growth, retrived from http://sostenibilidadyprogreso.org/files/entradas/towards-green-growth.pdf

9. UNEP (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, United Nations Environment Programme

ThS. Nguyễn Trần Thái Dương

ThS. Nguyễn Thị Thảo,

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 23, xuất bản tháng 8/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư