e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Quy hoạch đất đai, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp

22:44 | 03/11/2021 Print
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội về nhiều chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ.

Cần xem xét điều chỉnh nhiều chỉ tiêu

“Theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tiêu quy hoạch loại đất bãi thải, xử lý chất thải đến năm 2030 là 18,17 nghìn ha (tăng 10 nghìn ha so với năm 2020). Chỉ tiêu này có một số điểm bất hợp lý…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội Long An) nhìn nhận, khi Quốc hội thảo luận về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), theo Văn phòng Quốc hội.

Quy hoạch đất đai, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp
Đại biểu Quốc hội Long An Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ rà soát để giảm diện tích đất bãi thải. Ảnh: Quốc hội

Ông Nguyễn Tuấn Anh phân tích, trong thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường như: các bãi thải tro xỉ nhiệt điện than, bãi thải mỏ khai thác than… Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ. Việc tăng chỉ tiêu này hiện không rõ là do tăng diện tích đất cho bãi thải hay diện tích đất cho xử lý chất thải. Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Do vậy, đề nghị các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này...

“Kiến nghị Chính phủ rà soát chỉ tiêu trên theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải, các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý. Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải để làm rõ hơn nội dung này…”, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.

Một chỉ tiêu nữa theo ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chưa phù hợp là chỉ tiêu diện tích đất khu công nghệ cao. Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu này được quy hoạch đến năm 2025 là 4,14 nghìn ha, chỉ tăng rất ít (510 ha) so với năm 2020, chiếm 0,01% trong cơ cấu các loại đất và không tăng trong giai đoạn 2025-2030. Chỉ tiêu này chưa phù hợp với cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý đã nêu trong Tờ trình số 490/TTr-CP ngày 28/10/2021 của Chính phủ. Do đó, kiến nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh diện tích lớn hơn đối với chỉ tiêu đất khu công nghệ cao, đáp ứng định hướng phát triển đất nước đến năm 2030.

Liên quan đến chỉ tiêu đất nông nghiệp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (TP Cần Thơ), đồng tình với giữ nguyên diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu đến năm 2030, xu hướng công nghiệp hóa và phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất là tất yếu, nên việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, toàn diện hơn, nhất là việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp…

Bộ trưởng giải trình gì?

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến những tồn tại, cũng như đề xuất giải pháp trong thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải nguyên nhân là đầu tư công vào lĩnh vực này rất ít, xã hội hóa cũng rất ít. Hiện chưa có tính toán chính xác đối với bãi thải, nên đòi hỏi thời gian tới sẽ thay đổi công nghệ để không cần bố trí quá nhiều đất dành cho bãi thải…

Quy hoạch đất đai, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu quy hoạch sử dụng đất chỉ đứng một mình, không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa, thì không thể quản lý đất đai hiệu quả. Ảnh: Quốc hội
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu quy hoạch sử dụng đất chỉ đứng một mình, không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa, thì không thể quản lý đất đai hiệu quả. Do đó, nếu tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc thì sẽ cản trở việc sử dụng nguồn lực đất đai...

Liên quan đến đất lúa, theo ông Hà không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà đất lúa còn đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, phải hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi thì không lấy lại được. Bởi vậy trong Quy hoạch lần này vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta. Đất trồng lúa chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau…

Về chỉ tiêu đất khu công nghiệp (KCN), trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội hiện nhiều KCN không đạt tỷ lệ lấp đầy, nhưng giai đoạn tới lại gia tăng đất KCN, ông Hà cho biết, đất KCN vào thời điểm quy hoạch tiên lượng sẽ có sự phát triển rất cao. Dự báo làn sóng đầu tư sẽ có chuyển dịch, nhưng trên thực tế điều này chưa xảy ra. Hơn nữa vào cuối nhiệm kỳ rơi vào khủng hoảng do Covid-19. Trong KCN chỉ thu hút FDI, còn ngoài KCN và doanh nghiệp của Việt Nam dựa trên sự thỏa thuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài KCN. Điều này cho thấy cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ở các KCN chưa thực sự thuận lợi, chưa tạo môi trường pháp lý tốt để tiếp cận bình đẳng nguồn lực đất đai…

Ông Hà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch như về: căn cứ pháp lý; định hướng quy hoạch 6 vùng; thể chế đối với quản lý trong quá trình xây dựng quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả quy hoạch và các chế tài xử lý vi phạm…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư