Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

11:41 | 09/11/2021 Print
Cùng với tình hình thu hút đầu tư và phát triển của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua các KCN đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các KCN cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ môi trường trong các KCN và đang dần được khắc phục. Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có buổi trao đổi cởi mở với ông Nguyễn Xuân Phương-Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc về thực trạng và giải pháp quản lý hiệu quả môi trường hiện nay trong các KCN Tỉnh.
Hướng phát triển bền vững trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Thưa ông, được biết ngay từ đầu thành lập các KCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương xây dựng các KCN tập trung theo hướng bền vững. Đến nay các KCN của Tỉnh đã và đang xây dựng thành công các KCN theo định hướng phát triển của Tỉnh. Xin ông cho biết đôi nét về kết quả triển khai công tác bảo vệ môi trường trong các KCN thời gian qua?

Ông Nguyễn Xuân Phương: Sự hình thành và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Tỉnh thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn người lao động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các KCN cũng gây ảnh hưởng không nhỏ về môi trường, đòi hỏi các KCN cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN.

Với quan điểm Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường” của tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ khi bắt đầu thành lập các KCN, Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển các KCN phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững trong các KCN.

Trong những năm qua, ngoài việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN hiện đại và đồng bộ, Ban Quản lý các KCN Tỉnh (Ban Quản lý) đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong các KCN.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó có 09 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đi vào hoạt động có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.

Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường KCN được thiết kế đồng bộ và tuân theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy định, quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan. Diện tích cây xanh trong KCN đảm bảo theo quy định. Các KCN đã thành lập bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp.

Song song với việc đôn đốc, giám sát chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trong KCN; thời gian qua, Ban Quản lý luôn quan tâm và tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng KCN. Bên cạnh đó, Ban Quản lý thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, công tác phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường trong KCN, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KCN.

Nhìn chung, ý thức bảo vệ môi trường của chủ doanh nghiệp và người lao động ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp KCN đều chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cơ bản không có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường KCN.

Tại các KCN, nhiệm vụ thu hút đầu tư luôn được các Ban Quản lý và chủ đầu tư hạ tầng KCN quan tâm đẩy mạnh, Song để đảm bảo môi trường phát triển bền vững trong KCN, vì vậy Ban Quản lý tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, không gây ô nhiêm môi trường; đồng thời kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp đầu tư dự án quy mô lớn (hàng trăm triệu USD) có ý định đầu tư vào các KCN Tỉnh nhưng đã bị từ chối tiếp nhận vì dự án đầu tư không đảm bảo yếu tố an toàn trong công tác môi trường theo quy định.

PV: Xin ông cho biết một số hoạt động cụ thể của Ban Quản lý trong công tác quản lý môi trường thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Xuân Phương: Trong 09 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý đã tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động Môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường cho 01 dự án; tham gia Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động Môi trường của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho 38 dự án; đề xuất UBND Tỉnh xem xét ngành nghề dự kiến đầu tư, hạn chế doanh nghiệp tái chế phế liệu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đầu vào; đôn đốc các doanh nghiệp trong KCN thực hiện Kế hoạch trồng cây phân tán năm 2021.

Tổng hợp tính toán các chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội thu thập thông tin, dữ liệu về nguồn phát sinh khí thải tại doanh nghiệp trong các KCN từ tháng 01/2021 đến hết tháng 12/2021 để thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, thiết lập bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc”.

Thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến nước thải công nghiệp tại các KCN, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường KCN.

Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 231/UBND-NN4 ngày 13/01/2021 của UBND Tỉnh; Chỉ đạo các doanh nghiệp xử lý rác thải y tế theo Thông tư Liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư 40/2018/TT-BYT ngày 07/12/2018 của Bộ Y tế quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm, Thông tư số 37/2019/TT-BYT ngày 25/9/2017 của Bộ Y tế quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm.

PV: Trong quá trình triển khai hoạt động quản lý môi trường trong các KCN Tỉnh, Ban Quản lý có gặp khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

Hướng phát triển bền vững trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Tỉnh lấy mẫu nước thải tại Công ty TNHH Shindoh Vina, KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Xuân Phương: Hiện nay, các KCN trên địa bàn Tỉnh tập trung nhiều dự án sản xuất kinh doanh đa dạng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau với quy mô lớn nên đã phát sinh lượng chất thải rắn, nước thải công nghiệp và khí thải quá mức cho phép, dẫn đến công tác quản lý môi trường thường xuyên quá tải.

Theo quy định thì Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường theo cơ chế ủy quyền. Điểm đ khoản 3 Điều 63 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và KKT có quy định: Các bộ, ngành UBND cấp tỉnh và cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cho Ban quản lý KCN thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trong KCN; tiếp nhận đăng ký và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư thuộc diện phải đăng ký trong khu công nghiệp; thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp. Khoản 2 Điều 52 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban quản lý các KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 63 Nghị định này và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong KCN, KKT theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn. Mặt khác, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường quy định Ban Quản lý không thuộc cơ quan chuyên môn bảo vệ môi trường. Do đó, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc không được ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ theo điểm đ khoản 3 Điều 63 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Trong thời gian qua, Ban Quản lý chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KCN do đó đã hạn chế vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về KCN.

Hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp trong các KCN chưa có ý thức tự giác cao trong công tác bảo vệ môi trường do việc đầu tư cho công tác này đã làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào KCN, khi lập ĐTM (đánh giá tác động môi trường) hay cam kết bảo vệ môi trường chưa nắm hết được các nội dung quy định, chưa nhận thức được hết vai trò của ĐTM hay cam kết bảo vệ môi trường nên khi triển khai thực hiện dự án còn nhiều thiếu sót.

PV: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong các KCN, theo ông, Ban Quản lý cần phải thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Phương: Để đảm bảo môi trường an toàn và phát triển bền vững trong các KCN, cần phải có sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực môi trường để cơ chế phân cấp, ủy quyền phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước

Trước hết, UBND Tỉnh cần có cơ chế phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp, gắn trách nhiệm cụ thể với từng đơn vị chuyên môn. Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ các cấp làm công tác quản lý nhà nước về môi trường, các lãnh đạo doanh nghiệp và cá nhân liên quan về quy trình, thủ tục, trách nhiệm thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cần rà soát quy hoạch các KCN để đảm bảo các quy hoạch KCN đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Quá trình lập quy hoạch các KCN tiếp theo phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đề xuất các giải pháp giảm thiểu và bảo vệ môi trường. Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với thực tế và phù hợp với địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN. Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt quy chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN. Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng quy định.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, đặc biệt trong vấn đề đồng thuận ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; không phê duyệt, cấp phép xây dựng các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm.

Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các KCN trên địa bàn Tỉnh; phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các KCN, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong các KCN, động viên kịp thời các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Bích Hòa (thực hiện)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư