e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ!

17:55 | 06/11/2021 Print
Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững, diễn ra ngày 5/11.

Nhằm tập hợp tri thức của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức có quan tâm để thảo luận chuyên sâu về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia, xây dựng sự đồng thuận quốc gia trong quá trình phát triển không ai bị bỏ lại phía sau, ngày 05/11/2021, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNDP và Đại học Fullbright Việt Nam (FUV) tổ chức Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững.

Phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ!
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Đặng Xuân Quang phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Đặng Xuân Quang cho rằng, kinh tế Việt Nam và toàn cầu đã bị tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, Covid-19 không còn được coi là sự gián đoạn đơn thuần mà đã và đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế cũng như hành vi đầu tư, sản xuất, tiết kiệm, tiêu dùng, tác động tiêu cực đến các động lực kinh tế trong ngắn và trung hạn. Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa trong thời gian tới với nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chương trình giúp tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, trong đó có đầu tư công cũng như định hướng đến các ngành, các vùng động lực, tăng trưởng, phục hồi sản xuất.

“Chủ đề của Diễn đàn rất phù hợp, thiết thực với bối cảnh hiện nay. Đây là dịp để các đại biểu thảo luận về những cơ hội của nền kinh tế Việt Nam, những tác động rủi ro từ bên ngoài và bên trong; nguồn tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Đặng Xuân Quang khẳng định.

Quyền Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Terence Jones cho rằng, Diễn đàn là dịp để tập hợp ý kiến của các bên liên quan, phân tích về các chính sách của Việt Nam và bối cảnh toàn cầu, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó của Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

“UNDP đang phối hợp với một số bộ, ngành của Việt Nam thực hiện nghiên cứu để đánh giá tác động của dịch Covid-19 và mong muốn thúc đẩy một số khía cạnh trong quá trình ứng phó với dịch để phục hồi kinh tế”, ông Terence Jones cho biết.

Phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ!
Các đại biểu tham gia Diễn đàn tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Do Covid-19, tăng trưởng của Việt Nam bị ảnh hưởng cả trong dài hạn

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành (NCIF) đánh giá, năm 2021, Việt Nam thực sự đối mặt với COVID-19 ở một quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020.

Theo đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chia làm hai giai đoạn rõ rệt. Trong quý I và quý II, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh từ nền tảng bị ảnh hưởng vừa phải trong quý II/2020 và sự phục hồi của cầu tiêu dùng từ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước cũng như các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, các gói an sinh và hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp của Chính phủ. GDP tăng trưởng 6,61% so với mức cùng kỳ 0,39% của năm 2020. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp, xuất khẩu và thu hút đầu tư đều đạt khá.

Kể từ quý III/2021, nền kinh tế đảo chiều với nhiều điểm tối, phần lớn do tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong nước khi các đầu tàu kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản xuất công nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng trong nước đứt gãy, tiêu dùng dân cư suy giảm, xuất khẩu tăng chậm (2,51%). Tỷ lệ sử dụng lao động bị sụt giảm ở hầu hết các ngành vốn là động lực cho xuất khẩu.

Trên 90% doanh nghiệp khai báo bị ảnh hưởng, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa, tạm thời dừng hoạt động tăng đột biến (14,1%), tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn phải đóng cửa cũng tăng lên cho thấy COVID-19 đã ảnh hưởng khá sâu và sức chống chịu của đại đa số doanh nghiệp là rất mỏng.

“Không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, COVID-19 trong giai đoạn 2020-2021 cho thấy khả năng ảnh hưởng tới một số yếu tố dài hạn của tăng trưởng”, ông Thắng chỉ rõ.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới tiềm năng tăng, cấu trúc lao động thay đổi do dịch chuyển giữa các ngành, vốn đầu tư sụt giảm do đầu tư công không thể giải ngân đúng tiến độ, đầu tư tư nhân và FDI đều tăng chậm. Đường tiềm năng tăng trưởng có xu hướng đi xuống từ mức trung bình 7,3% xuống còn 2,5%.

Đánh giá về triển vọng phục hồi trong quý IV/2021, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, tăng trưởng thời gian tới sẽ đối mặt với 6 yếu tố bất định.

“Đó là rủi ro biến động giá cả từ thế giới, sự leo thang của chi phí logistics và định hình chuỗi ngày càng gia tăng, sự chuyển dịch các dòng vốn trong nước, nguy cơ nợ xấu, áp lực ngân sách và phục hồi lao động”, ông Thắng nói.

Theo nhóm nghiên cứu của NCIF, kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, tăng trưởng GDP quý IV/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, GDP năm 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.

Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của NCIF dự báo, tăng trưởng GDP vào khoảng 5,8% (kịch bản cơ sở), và có thể cán mốc 6,7% nếu các yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế. Về lạm phát, NCIF dự báo, năm 2021 sẽ dao động từ 2 – 2,5% và năm 2022 có thể lên tới 4%.

Phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ!
TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, tăng trưởng thời gian tới sẽ đối mặt với 6 yếu tố bất định

Tài chính cho phục hồi và tăng trưởng

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhận định, trong 2 năm 2020-2021, Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng thấp nhất trong Đổi mới. Dự báo năm 2021, tăng trưởng GDP chỉ từ 2,0-2,5%. Một trong những lý do là quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam khá nhỏ, thấp hơn trung bình thế giới nhiều. Liều lượng chi ngân sách thấp, chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ.

“Dù năm 2021 thực hiện chính sách hỗ trợ tốt hơn, nhưng việc thực thi vẫn thiếu quyết liệt và chậm, tỷ lệ tiếp cận được của người thụ hưởng khá thấp. Đặc biệt, tiến trình cải cách có phần chùng xuống”, ông Thành lưu ý.

Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương

Năm 2021 thực hiện chính sách hỗ trợ tốt hơn, nhưng việc thực thi vẫn thiếu quyết liệt và chậm, tỷ lệ tiếp cận được của người thụ hưởng khá thấp. Đặc biệt, tiến trình cải cách có phần chùng xuống.

Góp ý cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, vị chuyên gia này cho rằng, Chương trình này cần có quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, có trọng điểm là những ngành, lĩnh vực có mức độ thiệt hại lớn; có đóng góp trực tiếp và lan tỏa khi phục hồi.

Về nguồn lực, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có thể sử dụng nhiều nguồn. “Chúng ta có thể tăng chi, bội chi ngân sách và vay; tiết kiệm, cụ thể là chi thường xuyên; sử dụng một phần dự trữ ngoại hối; tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp…

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Tiền để thực hiện là khó, nhưng không phải khó nhất, mà quan trọng là tiền vào đâu”.

Ông lưu ý vấn đề thực thi. Theo ông, cần có sự đồng hành thực sự của Chính phủ - Quốc hội, đặc biệt cần cải thiện nút thắt pháp lý trong thực hiện Chương trình; cần có sự đồng hành của các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương cộng với các giải pháp quản trị rủi ro. Theo đó, cần đánh giá tác động; báo cáo thường xuyên; đảm bảo ổn định và cân đối vĩ mô về tổng thể, nhất là trong trung hạn.

Góp ý vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, thứ nhất, Chương trình phải mang tính tổng thể và gắn kết với kế hoạch 5 năm, với chương trình cải cách, chương trình tái cơ cấu, chương trình phòng chống dịch.

Thứ hai, Chương trình phải được xây dựng trên cơ cở có một đánh giá sát hơn về thực trạng đối với lao động, việc làm với những ngành nghề khác nhau.

Lưu ý về tính khả thi, vị chuyên gia này cho rằng, tính mục tiêu, đối tượng chưa rõ. “Hiện đang tập trung vào 2 đối tượng là người dân và doanh nghiệp, có một khoảng trống đó là khối đơn vị sự nghiệp công. Y tế cần là trụ cột cực kỳ quan trọng trong thời gian tới. Kinh tế xanh là gì, ưu tiên đầu tư là gì? Gắn với phục hồi xanh thế nào”, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ.

Thứ ba, theo ông Lực, chúng ta phải có kế hoạch để chốt chương trình, hết 2025 có triển khai nữa không. Chúng ta cần có nền tảng thế nào để phục hồi tốt hơn, như: chính sách thuế, chính sách tài khóa.

“Thứ tư, cần có đánh giá tác động về cán cân lớn của nền kinh tế: nợ công, đầu tư công… Thứ năm, phải phối hợp chính sách, chứ không phải chỉ là chính sách tiền tệ. Cuối cùng, phải thiết kế chính sách sát hơn”, TS. Cấn Văn Lực góp ý.

“Đẩy nhanh cơ cấu lại, thoái vốn DNNN; cải cách thủ tục hành chính để giải tỏa ách tắc hiện tại, gần 2.000 dự án bất động sản bị ách tắc, nếu giải quyết được chúng ta sẽ có nguồn lực không nhỏ. Nguồn lực tư nhân vướng nhất là PPP, luật có rồi, cần triển khai và làm thế nào làm đúng cam kết”, TS. Lực đề xuất về nguồn lực của Chương trình.

Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, giải pháp quan trọng là làm sao tạo động lực để cán bộ nhà nước dám xả thân

“Vượt nguy tận cơ”

Trong ngắn hạn, theo TS. Trần Toàn Thắng, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra.

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương, tuy nhiên cần chú ý về chi phí thực hiện chính sách, cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.

Trong dài hạn, ông Thắng lưu ý, cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt cần coi Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước. Các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số là cần thiết. Đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

“Trên bàn của chúng ta đã có đầy đủ cải cách từ thể chế, tái cấu trúc, chuyển đổi số… vấn đề là phải đi sâu vào cái đang làm. TS. Võ Trí Thành nói và đề xuất

Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững

Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP nhận định, phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ.

chọn slogan “Vượt nguy tận cơ” trong bối cảnh hiện nay. Ông Thành nhấn mạnh tới việc đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới. Trong đó, về khung khổ pháp lý, cần tạo dựng thị trường nhân tố sản xuất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, vượt trội (dữ liệu, thúc đẩy start up, thu hút nhân tài, các trung tâm sáng tạo…); hoàn thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh, chế tài hợp đồng kinh doanh và xử lý tranh chấp…; mô hình kinh doanh mới.

“Cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và động lực khuyến khích để cán bộ có thể dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước”, ông Thành đặc biệt lưu ý.

Đồng tình với TS. Võ Trí Thành, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng cho rằng, giải pháp quan trọng là làm sao tạo động lực để cán bộ nhà nước dám xả thân, làm sao tháo được chỗ này.

Bởi theo ông Phú, có rất nhiều cuộc họp tháo gỡ, nhưng bản chất vẫn không xử lý được. Nguyên nhân là do cán bộ an toàn, không dám sáng tạo, không dám đổi mới.

Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP nhận định, phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ. “Việc thu hẹp tiêu dùng tư nhân sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng kể và tăng trưởng GDP chậm hơn mức cần thiết. Sự hồi phục sẽ chậm hơn mức cần thiết bởi vì sự sụt giảm cầu sẽ dẫn đến phá sản. Vay mượn trong nước sẽ không gây ra lạm phát trong giai đoạn cầu yếu”, cố vấn UNDP lưu ý.

Trên cơ sở nghiên cứu của mình, ông Jonathan Pincus đề xuất, Việt Nam cần cải tổ lại tổ chức hiện có (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và tạo ra tổ chức mới để làm tăng cung tín dụng dài hạn tài trợ cho cơ sở hạ tầng và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về năng lực cạnh tranh để thúc đẩy tài chính cho phát triển, vị chuyên gia này lưu ý, nếu các công ty của Việt Nam không thể cạnh tranh trong nước và quốc tế, đầu tư và tiết kiệm trong nước sẽ không tăng.

Ông Jonathan Pincus cũng chỉ rõ, cần hạn chế cho vay quá nhiều đối với tài sản và cổ phiếu; một cú phanh hiệu quả đối với dòng vốn trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng quá mức; thâm hụt chi tiêu khi cầu nội địa đang giảm xuống./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư