e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiến nghị nhất quán quy định chống dịch và cần sớm thực thi các giải pháp hỗ trợ phục hồi

22:25 | 08/11/2021 Print
Cần thống nhất các quy định triển khai chống dịch và các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi. Đây là các ý kiến được nhiều doanh nghiệp nêu lên tại cuộc tọa đàm định kỳ giữa các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng để cập nhật tình hình hoạt động và thảo luận các kiến nghị cần thiết với Chính phủ trên cơ sở Báo cáo khảo sát tháng 10 về tình hình doanh nghiệp - người lao động (DN-NLĐ).

Buổi tọa đàm do Thường trực Diễn đàn ViEF 2021 tổ chức trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021 vừa diễn ra cuối tuần qua.

Đồng bộ hóa các quy định triển khai chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN

Một trong những vấn đề cấp thiết được hầu hết các doanh nghiệp đề cập là việc thống nhất động bộ hóa đến các quy định triển khai chống dịch tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Theo đó, các doanh nghiệp thống nhất kiến nghị chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước cần đồng bộ hóa các quy định phòng, chống dịch và triển khai hoạt động trong bối cảnh mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Doanh nghiệp kiến nghị nhất quán quy định chống dịch và cần sớm thực thi các giải pháp hỗ trợ phục hồi
Cần đồng bộ hóa các quy định triển khai chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) cho biết, đến thời điểm này, hầu hết DN sản xuất chế biến ngành gỗ đã bắt đầu hoạt động và sản xuất trở lại. Hiệp hội và các địa phương thường xuyên có các hoạt động đối thoại để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất cho các DN. Đến nay, có khoảng 70 – 75% lao động của DN ngành gỗ đã đi làm trở lại, công suất của các DN cũng đạt tới 70 -80% so với trước dịch. Các chỉ số xuất khẩu cũng đã tăng dần từ đầu tháng 10 vừa qua. “Những chỉ số đó cho thấy, dù ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch, nhưng ngành gỗ đang hồi phục nhanh chóng”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Doanh nghiệp kiến nghị nhất quán quy định chống dịch và cần sớm thực thi các giải pháp hỗ trợ phục hồi
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến

Theo ông, mục tiêu 14,5 tỉ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho ngành gỗ năm 2021 vẫn có thể đạt được, nhưng để ngành gỗ hồi phục như trước đại dịch thì còn nhiều việc cần phải làm. “Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người lao động chậm trở lại làm việc là do độ phủ vaccine, trong khi ở một số địa phương đang có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm. Trong khi đó, công nhân ở các khu công nghiệp được tiêm vaccine, nhưng công nhân ở các tỉnh có tỷ lệ được tiêm rất thấp, nên khả năng nhiễm bệnh cao”, ông Lập nêu thực trạng.

Dẫn việc các tỉnh có chính sách khác nhau đối với người nhiễm Covid-19 và F1, F2 gây nguy cơ sụt giảm lao động nếu DN có phát sinh ca nhiễm, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, tình hình lao động của các DN có thể phải đến cuối quý 1 năm 2022 mới phục hồi được. “Lúc đó, phủ vaccine cho 100% người lao động, các giải pháp chủ động về phòng chống dịch và mở cửa, phục hồi sản xuất sẽ đồng bộ hơn. Các DN ngành gỗ kiến nghị, căn cứ Nghị quyết 128, cần có sự thống nhất cơ bản giữa Trung ương và địa phương để các DN vừa có thể lo chống dịch vừa chủ động tổ chức sản xuất”, đại diện ngành gỗ đề đạt.

Tương tự, bà Ninh Thị Ty, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ câu chuyện khó khăn của một nhà máy may có 4 F0 nhưng phải đóng cửa 3 tuần trong tình trạng ngành may đang phải chạy đua mùa thời trang cuối năm. Từ thực trạng này, bà Ty đưa ra kiến nghị xem xét các hình thức chống dịch có tính chất hỗ trợ doanh nghiệp hơn, ví dụ chỉ đóng cửa nhà máy 1 tuần, sau đó xét nghiệm để cho đi làm lại một phần theo hình thức 3 tại chỗ, và tiếp tục cho hoạt động trở lại 2 tuần sau đó nếu việc xét nghiệm đạt điều kiện.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định, chính sách giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, khiến cho nỗ lực mở cửa lại kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài trở lại vẫn chưa thể thực hiện. “Chính phủ kêu gọi và trấn an đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục, nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh vào Việt Nam được, trừ khi có suất bay và thị thực dạng “giải cứu”. Thế thì đầu tư khôi phục bằng cách gì trên thực tế?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Trong khi đó, cũng theo ông Tuấn, vào được đến nơi thì hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh hiệu quả. Lãnh đạo các địa phương đi kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng nhà đầu tư đến cổng nhiều tỉnh thì lại bị bắt đứng ngoài bằng các quy định kiểm soát và cách ly kiểu cát cứ. “Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì phải có cách mở cửa chính sách một cách nhịp nhàng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng “trên bảo dưới chưa nghe” hay chỉ nghe một nửa, lấy lý do “đặc thù” và “chống dịch” ở địa phương mình như hiện nay. Tóm lại, cần phải có một “lực lượng đặc nhiệm” của Bộ Tư pháp và Ban chỉ đạo Quốc gia chuyên rà soát và đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có và qui định chống dịch trái Nghị quyết 128 của địa phương, vừa đảm bảo chống dịch và đảm bảo khôi phục kinh tế, tái cất cánh FDI và tối đa hóa lợi thế kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng thực lực lợi thế là Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư hàng đầu nhờ đã và đang tham gia nhiều hiệp định kinh tế đa phương và song phương và nằm trong TOP những nước kinh tế mở nhất thế giới”, ông Tuấn gợi mở.

Triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho hay, mặc dù các DN trong lĩnh vực logistics không gặp vấn đề về biến động lao động, nhưng hiệu quả hoạt động của DN kém xa do với trước đây. “DN logistics đã đồng hành cùng chính quyền chống dịch trong suốt thời gian vừa qua, nhưng với chi phí chống dịch khá cao, DN trong Hiệp hội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để giúp DN có thể vượt qua giai đoạn này, bên cạnh những kiến nghị về độ phủ vaccine và nhất quán trong phòng chống dịch, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho DN, cụ thể là chính sách về tiền tệ để hỗ trợ dòng tiền cho DN. Bằng cách đó mới cứu được các DN đang gặp khó khăn, mà các khó khăn đó là do dịch bệnh chứ không phải do chủ quan của DN”, ông Nghĩa đề xuất.

Doanh nghiệp kiến nghị nhất quán quy định chống dịch và cần sớm thực thi các giải pháp hỗ trợ phục hồi
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị các chính sách hỗ trợ cần thuận lợi và thực thi nhanh chóng

Bên cạnh đó, đại diện VLA cũng đề nghị, các chính sách hỗ trợ hiện có của Chính phủ, như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, phải thuận lợi và được tiến hành nhanh chóng. “Với chính sách này, tổng số tiền hỗ trợ mà người lao động ở Công ty Delta của tôi có thể nhận được lên tới hàng tỷ đồng, một con số rất có ý nghĩa với người lao động, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được. Như vậy, chính sách có rồi nhưng thực hiện cần phải kịp thời để mang lại hiệu quả”, ông Trần Đức Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, lúc này, DN rất cần tiếp sức, nên các chính sách hỗ trợ càng sớm càng tốt, ví dụ như hạ lãi suất, giãn nợ… “Trong khi các gói lớn cần phải có thời gian để tính toán và độ trễ chính sách, thì các chính sách hỗ trợ như hạ lãi suất, giãn nợ… phải làm ngay”, ông Lập nói.

Điểm lại các khó khăn mà DN quy mô nhỏ gặp phải là nguồn vốn, nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM Chương Nguyễn cho hay, chính sách kết nối giữa TP. HCM và các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam còn khập khiễng. “DN không được tạo điều kiện lưu thông về con người và dòng tiền thì mọi hoạt động đều phải dừng lại. Chúng tôi kiến nghị chính quyền các tỉnh và cao hơn là Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề đó”, ông Chương nói. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng không thụ động ngồi chờ mà đã chia sẻ tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng doanh nghiệp của Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM để cùng nhau vượt qua dịch thời gian vừa qua bằng các hoạt động kết nối giao thương trong Hội và các Hội bạn ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Ông Chương cũng cho biết, các DN làm dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan yếu tố nước ngoài mong muốn Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện chính sách hộ chiếu vaccine. Ông cũng kiến nghị, các chính sách hỗ trợ cho DN cần phải triển khai rất tích cực vì DN không còn thời gian để chờ đợi quá lâu.

Nhiều khoản “tiền tươi, thóc thật” sẽ được dành hỗ trợ DN

Chia sẻ với các DN, Hiệp hội, Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng đồng tình cho rằng, DN đang đối mặt với khó khăn khi chính sách chống dịch giữa các địa phương chưa liền mạch, thiếu hụt lao động do dịch chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế, thiếu hụt dòng tiền… TS. Võ Trí Thành cho biết, các bộ ngành hữu trách đã trình Thủ tướng cách mở cửa dần cho các tỉnh thành và mở cửa quốc tế.

Cũng theo ông Thành, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng để hướng tới các mục tiêu: vượt khó; bắt nhịp với các đối tác thế giới; nền tảng hạ tầng, bắt nhịp tăng trưởng thế giới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi số... “Nhiều khoản trong đó là tiền tươi thóc thật”, TS. Võ Trí Thành nói và cho rằng, nguồn lực rất khó khăn nhưng hoàn toàn có thể tìm kiếm, huy động được. Quan trọng là đầu tư vào đâu cho hiệu quả, kịp thời, quyết liệt, trúng và đúng.

TS. Võ Trí Thành cho biết, để phục hồi kinh tế, có 4 “lát cắt” cơ bản. Thứ nhất, phòng chống dịch và nâng cao năng lực y tế (cơ sở, trang thiết bị...). Thứ hai, bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung, cũng cần xem xét những gói hỗ trợ theo ngành lĩnh vực dựa trên các tiêu chí lựa chọn: các ngành ấy có mức độ thiệt hại giai đoạn vừa qua như thế nào, mức độ đóng góp của ngành, lĩnh vực ấy, sức lan tỏa của ngành, lĩnh vực ấy khi phục hồi?... Thứ ba, về lao động (an sinh xã hội; nhà ở xã hội; nhà ở tư nhân), đào tạo lao động. Thứ tư, về hạ tầng, kế hoạch 5 năm đã trình Quốc hội và được thông qua, mỗi năm dành 500 - 600 nghìn tỷ đồng cho đầu tư đường nối các khu công nghiệp với các trục đường chính; hạ tầng giáo dục, y tế; hạ tầng số; công nghiệp, công nghệ số…

“Chương trình bao gồm những đánh giá tác động đối với tăng trưởng, việc làm, cũng như cân đối những rủi ro vĩ mô có thể có thể phát sinh để giảm thiểu. Tinh thần là tránh vết xe đổ của các gói trước. Tôi cho rằng chúng ta cần chương trình đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ nhanh, đủ hiệu lực để mang lại kết quả”, ông Thành nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, Thường trực Diễn đàn đã thông tin bước đầu về kết quả cuộc khảo sát DN - người lao động vừa được Ban IV và VnExpress thực hiện cuối tháng 10/2021. Theo đó, 3.800 DN tham gia khảo sát đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến các nhóm vấn đề: Đồng bộ hóa các quy định triển khai chống dịch; Lưu thông hàng hóa thông suốt; Giải quyết khó khăn về dòng tiền cho DN; Kiến nghị liên quan nguồn lao động; Mô hình sản xuất kinh doanh an toàn; Kiến nghị khác (tiêm chủng vắc xin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài, nâng cao năng lực phòng chống dịch cho DN. Dự kiến khảo sát sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ tới đây nhằm tiếp tục kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công tư quy mô quốc gia với những giải pháp đột phá cho những ngành trọng điểm, tạo lực đẩy cho sự hồi phục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức sau dịch bệnh. Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công – tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật cho giai đoạn mới./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư