Dấu hỏi về mục đích truyền thông khoa học

19:05 | 11/11/2021 Print
Trong bài viết của mình, tác giả Roger Schonfeld lập luận rằng, sự cởi mở và chính trị hóa cùng nhau đã khiến niềm tin của công chúng vào khoa học bị xói mòn. Ngành truyền thông học thuật cần một hướng đi mới.

Hoạt động truyền thông được nhìn nhận như một mảng quan trọng trong hoạt động khoa học-công nghệ. Tuy nhiên, trong môi trường hiện đại ngày nay, khi việc cá nhân tiếp cận khoa học qua mạng internet trở nên phổ biến, hoạt động truyền thông khoa học - công nghệ ở nhiều nơi dần mất đi mục đích truyền đạt kiến thức khoa học. Thay vào đó là những thông tin sai lệch, bị chính trị hóa, khiến khoa học trở nên lệch lạc trong mắt công chúng.

Dấu hỏi về mục đích truyền thông khoa học
Nguồn: Rappler.com

Khoa học là một quá trình khám phá hướng tới sự thật và đòi hỏi sự tìm tòi, tư duy phản biện, thí nghiệm, chỉnh sửa và thậm chí cạnh tranh. Nếu được thực hiện chuẩn chỉnh, cả quá trình khai phá sự thật sẽ có tính tin cậy. Có thể có một số nhà nghiên cứu và công trình vi phạm các chuẩn mực, nhưng cả quá trình sẽ vén màn sự thật.

Từng bước khai phá sự thật thông qua các quá trình chỉnh sửa và tìm lỗi là mô hình tốt khi mà các nhà khoa học thảo luận với nhau. Nhưng trong môi trường ngày nay, truy cập mở đưa các công trình khoa học vào các cuộc thảo luận của công chúng, trong khi khoa học vẫn chưa sẵn sàng để làm điều đó.

Ở các thời đại trước, ranh giới giữa truyền thông khoa học với đồng nghiệp và công chúng không mỏng manh như hiện nay. Trong hơn hai thập kỷ qua, lý do lớn nhất đằng sau xu hướng truy cập mở là công chúng có thể truy cập và bàn luận các công trình khoa học. Và khi chúng ta bắt đầu hiểu được những hệ quả sâu hơn của quá trình truy cập mở, thì chúng ta cần biết làm sao có thể giải quyết chúng có hệ thống.

Một trong những lợi ích lớn nhất của phong trào truy cập mở là mọi người có thể truy cập vào nghiên cứu đã được bình duyệt và chưa được bình duyệt. Theo đó, những mẩu trao đổi giữa các đồng nghiệp không chỉ được công khai cho người dân, mà còn được công khai cho những kẻ đang trực chờ phao các thông tin sai lệnh. Ngoài ra, hệ thống xuất bản khoa học - các biên tập viên và nhà xuất bản vừa chịu trách nhiệm điều phối công tác bình duyệt, vừa chịu trách nhiệm để công chúng có thể truy cập nghiên cứu. Như vậy, họ vừa bị bóc lột ở thượng nguồn, vừa phải vật lộn với truyền thông cho công chúng và tin giả ở hạ nguồn, điều trước đây nằm ngoài phạm vi của họ. Và nay, các nhà xuất bản còn bị chèn ép hơn vì các kết quả nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí.

Chính trị hóa

Đại dịch COVID-19 không chỉ thách thức truyền thông khoa học công khai mà còn bào mòn niềm tin của truyền thông đại chúng vào khoa học. Bằng chứng là những luồng ý kiến trái chiều xung quanh việc phát triển vắc-xin. Trong khi nhiều báo cho rằng, các khoản đầu tư công đáng kể vào nghiên cứu khoa học, bao gồm cả khoa học vắc-xin, đã cung cấp các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch thì nhiều thông tin lại phản bác những lợi ích của vắc-xin. Hệ quả của việc trái chiều trong dư luận là nhiều người vẫn do dự trong việc tiêm chủng do tiếp nhận những tin từ những nguồn không chính thống. Cần có các chiến lược để chống lại sự chia rẽ này, tạo niềm tin của công chúng vào khoa học.

Gian lận trong nghiên cứu khoa học và xuất bản

Bản thân khoa học không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Thêm vào đó, tình trạng “chạy theo thành tích khoa học” dựa trên công bố quốc tế càng làm cho những hành vi trái đạo đức khoa học và gian lận ngày càng tăng. Thậm chí có cả những “tổ chức gian lận” thao túng hồ sơ khoa học nhằm tư lợi. Điển hình có thể kể đến là những nhà xuất bản săn mồi - chấp nhận các bài báo để xuất bản - cùng với phí xuất bản cao - mà không thực hiện phản biện, thậm chí là không kiểm tra cả các vấn đề như đạo văn hoặc phê duyệt đạo đức. Cho dù cá nhân, tổ chức hay hệ thống, tất cả những điều này đều là những mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của khoa học.

Đâu là hướng đi cho các nhà xuất bản khoa học?

Mặc dù có những vấn đề không phải do lĩnh vực xuất bản gây ra, nhưng cuối cùng thì xuất bản học thuật là những người trực tiếp truyền thông khoa học, cung cấp cơ sở cho sự tin tưởng của công chúng vào khoa học.

Để cung cấp cho người dùng trải nghiệm liền mạch và có giá trị, điều này đòi hỏi các nhà xuất bản phải mở rộng suy nghĩ của mình về vi phạm bản quyền như một rủi ro kinh doanh và coi nó như một thách thức chiến lược trong việc đảm bảo một môi trường thông tin đáng tin cậy. Bên cạnh đó, việc các nhà xuất bản có thể xây dựng, cung cấp hồ sơ khoa học đáng tin cậy sẽ góp phần xây dựng lại lòng tin của công chúng đối với tổ chức khoa học cũng như giảm đáng kể các sự cố về gian lận khoa học và hành vi sai trái.

Nguyễn Thị Linh (AISDL) lược dịch

(từ bài viết của Roger Schonfeld tại https://scholarlykitchen.sspnet.org/2021/11/01/is-scientific-communication-fit-for-purpose)

Tài liệu tham khảo:

[1] Linh, N. (2021). Thủ đoạn lừa đảo mới của các “nhà xuất bản săn mồi”: Đánh cắp bài viết và thay đổi thông tin!. Retrieved 4 November 2021, from https://kinhtevadubao.vn/thu-doan-lua-dao-moi-cua-cac-nha-xuat-ban-san-moi-danh-cap-bai-viet-va-thay-doi-thong-tin-19966.html

[2] Lê, P. (2013). Gian lận trong nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều. Retrieved 9 November 2021, from https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/gian-lan-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-ngay-cang-nhieu-7056

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư