Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2021: Mở rộng kết nối, góp sức phát triển Việt Nam

09:23 | 22/11/2021 Print
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình đóng góp cho Việt Nam, cho quê hương, từ việc kết nối trong cộng đồng người Việt đến những kết nối với các đối tác, bạn bè quốc tế, đem lại những kết quả thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023.

Ngày 20/11/2021, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2021 (Vietnam Summit in Japan 2021) với chủ đề “Chuyển mình: Giá trị mới - Cách thức mới” được tổ chức trực tiếp tại Tokyo, Nhật Bản và trực tuyến đến các điểm cầu. Diễn đàn được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và sự phối hợp tổ chức của Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng Chuyên gia người đi làm Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nhật (VJOIN). Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình đóng góp cho quê hương

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam cần khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững trong thập niên tiếp theo. Trong quá trình đó, cần phát huy tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Nước ta cũng được hưởng lợi từ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà đầu tư tìm kiếm các thị trường đầu tư mới tại Đông Nam Á nhờ những lợi thế về lao động, cơ chế chính sách cởi mở và thể chế ngày càng hoàn thiện phù hợp với xu thế phát triển mới.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 khởi sắc khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, nước ta đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, già hóa dân số,… và cũng đứng trước nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu và vẫn chưa kết thúc. Sự lây lan của vi-rút vẫn có thể làm gián đoạn nền kinh tế một lần nữa nếu khả năng miễn dịch suy giảm và các biến thể mới có thể vượt trội khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra quan điểm chỉ đạo: “có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 của Việt Nam xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Chiến lược cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ “Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Như vậy, Việt Nam cần khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững trong thập niên tiếp theo. Đặc biệt, trong quá trình đó, cần phát huy tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên để Việt Nam có thể nắm bắt được những cơ hội mới, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành 3 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Xây dựng Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tháng 10/2019; Phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao để thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018 nhằm quy tụ trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn cầu tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cho đến nay, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, với 5 Mạng lưới thành phần tại Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu với hơn 1.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Định hình những giá trị mới, cách thức tư duy phát triển mới trong bối cảnh xã hội giữa và sau COVID-19

Với hơn 30 diễn giả uy tín, gần 50 khách mời là các nhân sĩ trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước, 1.000 khán giả là đại diện các thành phần cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và các hội trí thức các nước trên thế giới tham dự Diễn đàn chia sẻ và thảo luận về những thách thức Việt Nam hiện đang phải đối mặt, định hình những giá trị mới, những cách thức tư duy phát triển mới trong bối cảnh xã hội giữa và sau COVID-19. Kết nối các cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản, bao gồm: Cộng đồng nhà khoa học và chuyên gia Cộng đồng người đi làm, chuyên gia Cộng đồng thanh niên và sinh viên Cộng đồng doanh nhân. Tạo cơ hội để trí thức Việt Nam tại Nhật Bản kết nối với các ban ngành chính phủ, các trí thức, doanh nhân trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy hợp tác và phát triển.

Đại diện Ban Chủ tịch Diễn đàn tri thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2021 Trịnh Thành Luân cho biết, có khoảng 448 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật trong đó ước tính có hơn một nửa là thành phần trí thức. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại diện Ban Chủ tịch Diễn đàn tri thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2021 Trịnh Thành Luân cho biết, theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến đầu năm 2021, có khoảng 448 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật trong đó ước tính có hơn một nửa là thành phần trí thức, bao gồm các học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Với một cộng đồng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, Ban Chủ tịch Vietnam Summit in Japan 2021 mong muốn tạo nên một diễn đàn quy tụ trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với mục tiêu lâu dài là xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Trên tinh thần đó, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 với sự tham gia của hơn 60 diễn giả khách mời là những chuyên gia uy tín từ nhiều lĩnh vực và hơn 900 người tham dự trong 10 phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “Make in Vietnam - Cơ hội và Thách thức”. Thông qua Diễn đàn, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã có thêm nhiều góc nhìn về vấn đề và cơ hội mà mình đang đối mặt, các đoàn thể người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Ban Tổ chức có thêm định hướng hoạt động mới, đặc biệt là sự ra đời của Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Năm 2021, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ hai diễn ra trong bối cảnh thế giới gặp vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả các nước trên thế giới. Đại dịch làm cho nhiều mối liên kết, nhiều giá trị bị mất đi. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, đại dịch đã mở ra nhiều cơ hội mới, nắm bắt và tận dụng những yếu tố này để chuyển mình đang là vấn đề vô cùng cấp thiết của từng cá nhân nói riêng và cả đất nước nói chung.

Tìm ra con đường chuyển mình và phát triển đúng đắn nhất cho Đất nước

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI
Cộng đồng trí thức, chuyên gia Việt Nam có trình độ cao ngày càng lớn với khoảng 1.000 người, trong đó nhiều người đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam hoan nghênh và đánh giá cao quyết tâm của các thành viên cộng đồng tri thức đã cùng nhau tham dự Diễn đàn. Chúc mừng AVIJ, VANJ, VPJ, VYSA và VJOIN đã nỗ lực vượt qua thách thức bằng trí tuệ và tâm huyết để tổ chức sự kiện lớn nhất của cộng đồng tri thức Việt Nam tại Nhật Bản là Vietnam Summit in Japan 2021. Với gần 500 nghìn người, Cộng đồng người Việt Nam đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, trở thành cầu nối hữu nghị cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Cộng đồng trí thức, chuyên gia Việt Nam có trình độ cao ngày càng lớn với khoảng 1.000 người, trong đó nhiều người đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, y tế, giữ các vị trí như Giáo sư, Phó Giáo sư, trưởng các nghiên cứu… Cùng với lực lượng các trí thức trẻ, doanh nhân trẻ khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá cao Cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã luôn nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua với nhiều hoạt động được tổ chức đa dạng, hiệu quả từ chương trình cấp học bổng cho hơn 2.000 du học sinh gặp khó khăn đến các hoạt động hội thảo, trao đổi khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, ngày hội việc làm cho sinh viên.

“Sau mưa là trời hửng nắng, sau cơn bão tàn phá là chồi non nảy lộc, mùa màng phát triển, sau khủng hoảng là sự hồi sinh mới, sau rủi ro là điều may mắn sẽ tới, đại dịch sẽ là phép thử cho trí tuệ của người Việt Nam, là cơ hội để những ý tưởng, phát minh vĩ đại ra đời”. Diễn đàn rất cần sự chung tay chia sẻ của các nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nhân, giữa nhà nước vào toàn xã hội nhằm chuyển “Nguy” thành “Cơ”, đóng góp ý kiến thiết thực phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Cùng nhau chúng ta sẽ hiện thực hóa ước mơ xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh và to đẹp hơn, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh.

Công bố Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản

Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản giới thiệu về những nghiên cứu khoa học, những ứng dụng công nghệ mới của Nhật Bản, mở ra cơ hội về khả năng “bắt kịp” thực tiễn quốc tế.

Tại Diễn đàn công bố Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản giới thiệu về những nghiên cứu khoa học, những ứng dụng công nghệ mới của Nhật Bản, mở ra cơ hội về khả năng “bắt kịp” thực tiễn quốc tế. Đây chính là một trong những kết quả và đóng góp đáng ghi nhận của Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nhật. Trong những năm gần đây, cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia tại các công ty hàng đầu ở Nhật, doanh nhân khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực và số lượng lớn sinh viên. Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng trí thức người Việt tại Nhật Bản trong việc đoàn kết, tập hợp và thúc đẩy những kết nối cụ thể trong hai năm qua thông qua Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình đóng góp cho Việt Nam, cho quê hương, từ việc kết nối trong cộng đồng người Việt đến những kết nối với các đối tác, bạn bè quốc tế, đem lại những kết quả thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023. Cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tích cực phối hợp với các Đại sứ quán, các hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại các nước để tuyển chọn, quy tụ được những cá nhân xuất sắc tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.

Cộng đồng trí thức người Việt tại Nhật Bản là một phần không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc. Giai đoạn hiện nay là thời điểm Việt Nam tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm có nhiều thách thức lớn. Để vượt qua những khó khăn và tận dụng được những thành tựu công nghệ mới, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp công sức trí tuệ để phát triển của đổi mới sáng tạo nước nhà, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 - nhân dịp Kỷ niệm 100 năm đất nước ta giành độc lập.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Diễn đàn được diễn ra trong 02 ngày 20-21/11/2021, với phiên tọa đàm toàn thể thảo luận xoay quanh chủ đề “Việt Nam chuyển mình: Giá trị mới - cách thức mới” có sự tham dự của Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, nguyên Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương; Giám đốc Mitsubishi Việt Nam Funayama Tetsu; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu.

8 phiên Tọa đàm đặc biệt về các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Chuyên đề Phụ nữ, Công nghệ, Doanh nghiệp, Năng lượng mới, E-Learning, Nông nghiệp với các chủ đề tương ứng là Góc nhìn y sinh: Làm thế nào để sống chung với COVID-19 trong trạng thái Bình thường mới; Chuyển mình sau COVID: Hành trang cần có cho sinh viên; Phụ nữ và Nhịp điệu mới; Smart City/ICT cho tương lai; Chuyển đổi số - Chìa khóa của SME trong Bình thường mới; Hệ thống năng lượng mới và sáng tạo cho phát triển bền vững; COVID-19 - Hố sâu hay là bước đệm để “cải tiến”; Phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho đồng bằng sông Cửu Long./.

Thúy Quyên

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư