e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Quỹ Hưu trí An Thịnh: Giải pháp tài chính cho hạnh phúc tuổi già

08:00 | 29/11/2021 Print
Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2040. Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì điều kiện và và mức sống của mỗi cá nhân khi về hưu sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và hội. Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu cùng lúc: tạo sự yên tâm cho cá nhân, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm xã hội. Ông Giang Trung Kiên, Phó tổng giám đốc MB Capital cho biết, đó là những lý do chính khiến MBCapital quyết định lập Quỹ Hưu trí An Thịnh, cung cấp giải pháp tài chính cho hạnh phúc tuổi già.
Quỹ Hưu trí An Thịnh: Giải pháp tài chính cho hạnh phúc tuổi già
Ông Giang Trung Kiên, Phó tổng giám đốc MB Capital

Tuổi 15, MBCapital phát triển loại hình quỹ mới: Quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung An Thịnh. Xin ông cho biết cụ thể hơn về loại hình quỹ này?

Cùng với xu thế phát triển nền kinh tế Việt Nam, mức độ già hóa của dân số đang đặt ra gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm xã hội. Xu hướng tất yếu ở các quốc gia đang phát triển là phải hướng tới hệ thống hưu trí đa trụ cột, qua đó đáp ứng được nhu cầu khi nghỉ hưu của tầng lớp trung lưu. Ngay tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), mặc dù toàn bộ các CBNV của MB đã tham gia chính sách bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu khi về già, nhưng để đảm bảo mức sống của trung bình 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu lại luôn là mối ưu lo của không chỉ các CBNV của MB và các công ty thành viên khi hệ thống bảo hiểm xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu này.

Nắm bắt được nhu cầu và mối quan tâm đó, Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital) đã nghiên cứu tính khả thi của dự án từ những năm 2018 -2020. Trải qua gần 3 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi đã chính thức được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động quản lý quỹ Hưu trí tự nguyện bổ sung vào ngày 9/7/2021. MBCapital tự hào là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp phép thành lập quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung tại Việt Nam và cho ra mắt chương trình Hưu trí trong năm 2021. Chúng tôi cũng là công ty quản lý quỹ đầu tiên triển khai được chương trình cho một ngân hàng cổ phần với số lượng lớn CBNV tham gia.

Trong khi thế giới đã phổ biến thì tại Việt Nam, “quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung” vẫn là một khái niệm rất mới. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết và tương lai của loại hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam?

Quỹ Hưu trí tự nguyện bổ sung giúp các doanh nghiệp có thể chăm lo cho đời sống của nhân viên của mình mà không bị ảnh hưởng tới cấu trúc vốn cổ phần, tự chủ được dòng tiền đóng góp cùng CBCNV và hưởng ưu đãi thuế.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh chóng thì thu nhập và mức sống của người dân ngày càng tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê 2019, thì số người có độ tuổi trên 60 sẽ tăng lên hơn 2 lần trong 30 năm tới, tương đương với 27% dân số. Ở một góc nhìn khác, nước ta sẽ bước vào thời kì già hóa dân số vào năm 2040. Có lẽ đối với nhiều người thì độ tuổi nghỉ hưu vẫn còn khá xa xôi, nhưng chúng ta cũng cần để ý rằng, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đã tăng lên từ 68,2 vào năm 1999 lên 73,7 năm vào năm 2020. Điều đó có nghĩa là điều kiện và và mức sống khi về hưu sẽ ngày càng trở thành gánh nặng nếu chúng ta không sớm chuẩn bị cho khoảng thời gian này.

Bên cạnh đó, nước ta có số lượng lớn người lao động không có hợp đồng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tất cả đều cùng chung một mục đích là mong muốn tích lũy tài sản cho tương lai vững bền về sau. Tìm kiếm một cách tích lũy tài sản khi nghỉ hưu tốt nhất đều xuất phát từ một số điểm chung như: Đảm bảo an toàn, dễ dàng/linh hoạt khi tham gia và có khả năng sinh lời tốt. Từ các điểm chung này, chúng tôi đã thiết kế chương trình hưu trí bổ sung không những đảm bảo có thể sinh lời một cách hiệu quả nhất, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho DN mà người lao động đó cống hiến. Doanh nghiệp có thể chăm lo cho đời sống của nhân viên của mình mà không bị ảnh hưởng tới cấu trúc vốn cổ phần, tự chủ được dòng tiền đóng góp cùng CBCNV và hưởng ưu đãi thuế.

Là một trong những công ty tiên phong mở quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung, xin ông chia sẻ, đâu là những điểm khó khăn, thách thức trong việc mở rộng loại hình quỹ này tại Việt Nam?

Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là làm sao để giới thiệu và làm cho nhận thức đúng đắn về loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện này đến đông đảo người lao động và DN. Trong quá trình chúng tôi trao đổi với các khách hàng tiềm năng, vẫn còn nhiều khách hàng vẫn lo ngại các khoản phí bảo hiểm duy trì ở mức cao, hay là quan ngại về mức sinh lời từ đầu tư chưa hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi có kế hoạch để kết hợp cùng Ngân hàng MB để truyền tải thông tin rộng khắp, mà trước tiên là đến với khoảng 10 triệu khách hàng hiện có của Ngân hàng, dựa trên lợi thế công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có được sự điều chỉnh của chính sách thuế và cơ chế phân bổ tài sản thuận lợi hơn đối với loại hình quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện này. Cụ thể, tỷ lệ ưu đãi thuế thu nhập đối với người lao động và DN lần lượt là 1 triệu và 2 triệu đồng đang dần trở nên lỗi thời khi mức ưu đãi thuế này đang chiếm tỷ trọng khá thấp trên tổng thu nhập của người lao động và DN hiện nay, làm giảm tính hấp dẫn và khoan sức dân của chính sách. Đồng thời, giới hạn tối thiểu đầu tư vào trái phiếu chính phủ đang ở mức khá cao (50% tài sản quỹ) làm cho mức sinh lời cho các quỹ hưu trí trở nên kém cạnh tranh so với các quỹ có mức độ phân bổ cao vào thị trường chứng khoán đang tăng trưởng nhanh hiện nay.

Tại MBCapital, Quỹ Hưu trí An Thịnh hướng đến tệp khách hàng tiềm năng nào? Những người lao động tự do có thể tham gia quỹ theo hình thức nào, thưa ông?

Đúng như bản chất của quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung, đây là một trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội bổ trợ bên cạnh hệ thống bảo hiểm xã hội mang tính bắt buộc đối với người lao động. Hình thức tham gia quỹ Hưu trí An Thịnh rất linh hoạt cho DN và người lao động. Tuy nhiên, tính ưu việt sẽ được phát huy tối đa khi có sự đồng thuận tham gia chương trình của DN sử dụng lao động.

Do đó, khách hàng tiềm năng của chương trình hưu trí tự nguyện bổ sung sẽ là tệp khách hàng ở các doanh nghiệp mong muốn đảm bảo cuộc sống an nhàn và đầy đủ khi về hưu, chủ động được kế hoạch tài chính. Độ tuổi tham gia linh hoạt cho mọi đối tượng lao động, trên nguyên tắc cơ bản là đóng nhiều thì sẽ được hưởng nhiều hơn. Do tài sản đóng góp sẽ được đầu tư hiệu quả, nên yếu tố lãi kép sẽ được phát huy tác dụng nếu thời gian đóng góp lâu dài. Người lao động sẽ được nhận lương từ quỹ Hưu trí An Thịnh trong vòng 20 năm hoặc nhận 1 lần khi đến tuổi nghỉ hưu.

Quỹ Hưu trí An Thịnh: Giải pháp tài chính cho hạnh phúc tuổi già
Nhằm giúp nhiều người lao động tham gia, MBCapital miễn phí tham gia chương trình trong 3 năm đầu tiên

Với các doanh nghiệp có mong muốn hỗ trợ người lao động góp quỹ cho tuổi già có nguồn thu nhập ngoài lương hưu, Quỹ của MBCapital sẽ đáp ứng các nhu cầu này như thế nào? Xin ông cho biết thông tin về một số doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng sản phẩm Quỹ của MBCapital như một chế độ đãi ngộ tăng thêm cho các nhân sự?

Với mong muốn cung cấp kênh bổ trợ an sinh xã hội hữu hiệu, MBCapital đã thiết kế chương trình với nhiều tính linh hoạt và ưu đãi cho người lao động tham gia. Cụ thể, chúng tôi thành lập 2 quỹ riêng biệt nhằm đáp ứng khẩu vị rủi ro của người lao động khác nhau, với khác biệt chủ yếu đến từ việc phân bổ giữa tài sản có thu nhập cố định. Chúng tôi cũng lên kế hoạch số hóa chương trình hưu trí An Thịnh để khách hàng có thể dễ dàng theo dõi mức đóng góp và tài sản sinh lời của mình ngay trên App di động của Ngân hàng MB và hệ thống giao dịch trực tuyến MBCapital Online. Đồng thời, nhằm giới thiệu được tới nhiều người lao động tham gia, chúng tôi miễn phí tham gia chương trình trong 3 năm đầu tiên.

Chương trình hưu trí An Thịnh được ký kết hợp đồng tham gia chương trình đầu tiên với Ngân hàng MB, nhằm bổ sung thêm một kênh thu nhập cho các CBNV của Ngân hàng khi nghỉ hưu. MB là ngân hàng tiên phong trong việc cung cấp cơ chế đãi ngộ hấp dẫn, giữ chân và thu hút nhân tài cho ngân hàng, qua đó làm giảm chi phí tuyển dụng nhân sự mới. Các doanh nghiệp đã kí kết hợp đồng tham gia chương trình Hưu trí An Thịnh đều có chung mục tiêu là mong muốn chăm lo cuộc sống khi nghỉ hưu của người lao động ngay từ khi còn đang công tác; và mức đóng góp chủ động đã mang lại cho CBNV động lực làm việc cao hơn nhiều so với các chương trình ưu đãi khác như Bảo hiểm nhân thọ hay ESOP.

Xin ông chia sẻ về hiệu quả hoạt động của các quỹ MBCapital đang quản lý và dự báo bức tranh tương lai của quỹ, của TTCK Việt Nam?

Chương trình hưu trí An Thịnh ra mắt vào đầu tháng 9/2021 và thực hiện phân bổ đầu tư toàn bộ tài sản đóng góp vào các tài sản sinh lời an toàn và hiệu quả của MBCapital. Dự kiến đến hết năm 2021, mức sinh lời của Quỹ An Khang và Thịnh Vượng cao hơn từ 1,5%-3% so với lãi suất gửi tiết kiệm cùng kì hạn. Đồng thời, với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19, chúng tôi tin tưởng rằng các Quỹ An Khang và Thịnh Vượng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng của thị trường tài chính trong nhiều năm tới./.

Dấu chân bền bỉ của VSD trên hành trình 25 năm xây dựng TTCK Việt Nam Dấu chân bền bỉ của VSD trên hành trình 25 năm xây dựng TTCK Việt Nam
Ngành quản lý quỹ xây mục tiêu phát triển đến năm 2030 Ngành quản lý quỹ xây mục tiêu phát triển đến năm 2030
Dấu mốc xây dựng khung pháp lý, phát triển ngành chứng khoán Việt Nam Dấu mốc xây dựng khung pháp lý, phát triển ngành chứng khoán Việt Nam

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư