e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

18:01 | 26/11/2021 Print
Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan” do Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp tổ chức đã diễn ra sáng nay 26/11 tại Hà Nội.

Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của hơn 200 doanh nghiệp, 30 hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan trung ương và địa phương tham dự tại Hội trường và hàng nghìn doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.

Cải thiện về cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh thủ tục đầu tư xây dựng là những lĩnh vực thủ tục hành chính có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan”

Với tầm quan trọng đặc biệt đó, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng, cải thiện về căn bản tính minh bạch về pháp lý, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư xây dựng.

Bên cạnh điều chỉnh khung khổ pháp lý, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương cũng có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” đã giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành, địa phương cần “giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường.” Ở cấp địa phương, những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành trong những năm qua đã thúc đẩy các chương trình cải cách nhằm đơn giản hóa một số quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính. Nhờ đó, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã dần giảm xuống, doanh nghiệp gia nhập thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh dễ dàng hơn.

Còn nhiều khó khăn trong các thủ tục liên ngành

Tuy nhiên, theo đánh giá của VCCI cũng như các doanh nghiệp, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro pháp lý. Từ thực tế đó, VCCI đã chủ trì thực hiện báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường.

Tại Hội nghị, kết quả báo cáo được VCCI công bố đúc rút từ phản hồi của gần 10.200 doanh nghiệp, trong đó thông qua trải nghiệm trực tiếp của gần 2000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất. Trên cơ sở này, báo cáo đánh giá được khá toàn diện mức độ thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng, từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

Cụ thể, theo ông Phạm Tấn Công, báo cáo cho thấy dù cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng dư địa cho cải thiện vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và các ngành có liên quan. Các doanh nghiệp phản ánh vẫn còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan. Qua đó, báo cáo giúp nhận diện một số “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ cấp phép xây dựng hiện tại. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cố gắng đưa ra ước lượng về chi phí thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng, từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể tiếp tục cải thiện các thủ tục theo hướng đơn giản và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo môi trường minh bạch và cạnh tranh trong đầu tư trên lĩnh vực xây dựng.

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp gỡ vướng thủ tục hành chính

Tại phiên đối thoại, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đã nêu lên những khó khăn vướng mắc và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan. Hiệp hội nhà thầu xây dựng VACC khẩn thiết đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng trong bối cảnh bị chủ đầu tư chậm thanh toán thường xuyên khiến dòng tiền tắc nghẽn. VACC cho biết thậm chí có nhà thầu hiện đang bị chủ đầu tư nợ tới vài nghìn tỷ đồng khiến tài chính vô cùng khó khăn, nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản, lún sâu nợ nần.

Doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng
Chủ tịch VACC kiến nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng

Trước tình cảnh này, đại diện VACC đưa ra kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các Chủ đầu tư. Đối với thủ tục thanh quyết toán cho nhà thầu bằng nguồn vốn ngân sách cần điều chỉnh đơn giản hóa các thủ tục và có quy định cụ thể về thời gian phải giải quyết cho từng bước. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định trong bối cảnh đơn giá vật liệu chung tăng quá 3% để gỡ khó cho các nhà thầu.

Đại diện Công ty Fecon đề nghị chính phủ sớm ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, đảm bảo cho nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỷ lệ tham gia cho các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, cần thiết kế cơ chế đảm bảo để phù hợp yêu cầu của các Tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án theo thông lệ quốc tế. Đồng thời có các cơ chế đảm bảo các yếu tố liên quan đến chủ quyền để hạn chế các rủi ro cho dự án đầu tư, như các vấn đề sở hữu đất đai, sở hữu sử dụng mặt biển, các dự án hạ tầng dùng chung… Đối với các dự án hạ tầng đô thị, đại diện Fecon kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt trong phê duyệt ngân sách chi tiêu công, đặc biệt là ngân sách đầu tư hạ tầng.

Liên quan đến việc cải thiện thủ tục cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh loại hình bất động sản du lịch, cụ thể hóa việc cấp Giấy chứng nhận về quyền sở hữu cho các chủ sở hữu bất động sản, từ đó giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tham gia đầu tư cũng như hạn chế được các tranh chấp khiếu kiện của khách hàng đầu tư về sau. Bên cạnh đó, đại diện Hưng Thịnh khuyến nghị pháp luật cũng cần hoàn thiện các quy định đảm bảo việc vận hành, quản lý loại hình bất động sản này.

Dư địa cải cách còn rất lớn

Tiếp nhận các ý kiến từ các doanh nghiệp và hiệp hội tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ, thể hiện mong muốn phục vụ, cầu thị và luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đối với Bộ Xây dựng.

Doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

“Qua nhiều lần tổ chức đối thoại trước, tiếp nhận phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, thống kê cho thấy riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.

Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022, hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021, 2022.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, xong người đứng đầu ngành xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận việc cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của Ngành vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa. “Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định qua phiên đối thoại, Bộ Xây dựng mong muốn nhận được những đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trên thực tế, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư