e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

G7 họp khẩn về biến thể Omicron, các nước lớn đồng loạt lên tiếng

08:41 | 01/12/2021 Print
Các Bộ trưởng Y tế G7 nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa từ một biến thể mới và theo đánh giá ban đầu, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm cao.
G7 họp khẩn về biến thể Omicron

Chủ tịch EC nhận định, thế giới đang chạy đua chống biến thể Omicron

Các Bộ trưởng Y tế G7 nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa từ một biến thể mới và theo đánh giá ban đầu, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy cần phải hành động khẩn cấp

Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định, biến thể Omicron phát hiện đầu tiên tại Nam Phi có khả năng lây nhiễm cao và đòi hỏi “hành động khẩn cấp".

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến ngày 29/11 về tình hình dịch bệnh hiện nay, các Bộ trưởng Y tế G7 nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa từ một biến thể mới và theo đánh giá ban đầu, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy cần phải hành động khẩn cấp.

Các Bộ trưởng Y tế G7 cũng thừa nhận vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến quyền tiếp cận các loại vaccine ngừa COVID-19 và sẽ thúc đẩy các cam kết tài trợ của những thành viên trong khối. Theo kế hoạch, các các Bộ trưởng Y tế G7 sẽ nhóm họp lần nữa vào tháng 12 tới.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại trước diễn biến dịch bệnh do biến thể Omicron buộc nhiều nước phải áp đặt lệnh hạn chế đi lại với các quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi. Ông kêu gọi chính phủ các nước cân nhắc quy định xét nghiệm lại đối với các du khách, đồng thời áp dụng các biện pháp thích hợp và thực sự hiệu quả nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, qua đó tạo điều kiện cho các hoạt động đi lại và kinh tế.

Ông nhấn mạnh người dân châu Phi không thể bị "đổ lỗi" về tỷ lệ tiêm tiêm chủng thấp và các quốc gia lục địa này không nên phải hứng chịu hậu quả từ hoạt động chia sẻ thông tin y tế và khoa học với thế giới.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa có thông báo chính thức áp dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh để phòng ngừa sự xâm nhập biến thế Omicron, hiện có nguy cơ làm bùng phát làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng. Theo đó, từ 0h ngày 30/11, Nhật Bản sẽ ngừng nhận đơn xem xét áp dụng các biện pháp nới lỏng hạn chế hành vi đối với những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời những người nhập cảnh vào Nhật Bản sau thời điểm 0h ngày 1/12 sẽ không còn thuộc diện nới lỏng hạn chế hành vi.

Tại Mỹ, ngày 29/11, Tổng thống Joe Biden đã tìm cách trấn an người dân Mỹ bằng tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới sẵn sàng đối phó với biến thể mới Omicron của virus SARS-Cov2. Tổng thống Biden cũng thông báo Nhà Trắng đang phối hợp với các công ty dược phẩm như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson phát triển những kế hoạch khẩn cấp dành cho các loại vaccine hoặc mũi tiêm tăng cường, nếu cần, để đối phó với biến thể Omicron.

Tại Anh, các chính trị gia và nhà khoa học đang lo ngại về sự lan rộng toàn cầu của biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi vào ngày 24/11. Theo đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 29/11đã triệu tập cuộc họp khẩn với các Bộ trưởng Y tế nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để thảo luận về cách ứng phó tốt nhất với biến thể đang lây lan nhanh chóng. Các cố vấn khoa học của Chính phủ Anh ngày 29/11 khuyến nghị chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 của nước này cần được mở rộng cho tất cả người trưởng thành.

Tại Đức, nhiều chính trị gia hàng đầu đã kêu gọi áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để phòng chống tình trạng bùng phát dịch bệnh mạnh như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục tăng cao và những lo ngại sau sự xuất hiện của biến thể mới Omicron...

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, thế giới đang chạy đua để có thể hiểu biết hơn về biến thể Omicron và nếu cần có thể điều chỉnh vaccine để chống lại biến thể mới này. Bà nêu rõ, việc tìm hiểu về Omicron cần có thêm thời gian, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm phòng, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Chủ tịch EC, bản hợp đồng mà EC ký với BioNTech/Pfizer mùa Hè vừa qua cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine bao gồm một điều khoản trong trường hợp xuất hiện biến thể mới có thể vô hiệu vaccine. Theo điều khoản này, nếu xuất hiện biến thể có thể "qua mặt" vaccine, BioNTech/Pfizer có thể điều chỉnh lại vaccine trong vòng 100 ngày.

Biến thể COVID-19 có tên Omicron với khả năng đột biến mạnh, đang lan rộng toàn cầu, khiến nhiều nước đóng cửa biên giới, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời làm gia tăng thêm những quan ngại trong cuộc chiến chống đại dịch vốn kéo dài gần 2 năm qua./.

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư