Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhìn từ bức tranh doanh nghiệp VNR500 năm 2021

16:24 | 30/11/2021 Print
2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế đã bị “tổn thương” trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, Vietnam Report dự báo, các đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng mạnh, tạo dư địa phục hồi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực.

Trải qua gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nền kinh tế Việt Nam cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có. Sự phân hạng khá rõ rệt của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR 500 vừa công bố như hàn thử biểu thể hiện rõ tính phân hóa trong bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2021.

Tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh do dịch COVID-19

Năm 2020, mặc dù thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống mức 2,9%. Tuy nhiên, với những giải pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch thì đến quý III/2021, tăng trưởng kinh tế suy giảm kỷ lục với mức -6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 1,42% và đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986) cho đến nay.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhìn từ bức tranh doanh nghiệp VNR500 năm 2021

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy hậu quả của đợt bùng phát đại dịch COVID-19 gần đây nhất tại Việt Nam. Đợt bùng phát trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành phố đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế 9 tháng qua thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là “bệ đỡ” vững chắc cho an ninh lương thực quốc gia khi có mức tăng 2,74%, bên cạnh đó là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57% nhưng khu vực dịch vụ lại giảm 0,69%.

Số liệu nghiên cứu từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 của Vietnam Report cho thấy, tổng doanh thu của nhóm ngành nông lâm thủy sản có mức tăng đáng kể 25,7%, trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ tương ứng giảm 14,8% và 5,9% so với năm ngoái.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhìn từ bức tranh doanh nghiệp VNR500 năm 2021
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 và 2021, thực hiện bởi Vietnam Report

Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp VNR500

Cũng nằm trong tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế, xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân của các doanh nghiệp bị giảm so với Bảng xếp hạng VNR500 năm ngoái. Cụ thể, ROA bình quân của các doanh nghiệp VNR500 năm nay đạt 5,31%, giảm 0,42 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020. Chỉ số ROS bình quân cũng giảm xuống 6,15% so với mức 6,58% của năm ngoái. Ở chiều ngược lại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân tăng nhẹ từ 16,24% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 lên 16,42% trong năm nay.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhìn từ bức tranh doanh nghiệp VNR500 năm 2021
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 và 2021, thực hiện bởi Vietnam Report

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu cùng hiệu suất sinh lời trên doanh thu tốt hơn rất nhiều so với hai khu vực kinh tế còn lại là khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Điểm sáng hiếm hoi đáng ghi nhận là trong khi các chỉ số này của hai khu vực FDI và tư nhân đều cho thấy xu hướng giảm nhẹ so với năm trước, thì đối với khu vực kinh tế nhà nước, các chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng tài sản, vốn, khả năng sinh lời trên doanh thu có dấu hiệu tăng, đặc biệt chỉ số ROS có mức tăng nhiều nhất, 1,82 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng năm 2020. Điều này đã thể hiện rõ ở số lượng các tập đoàn nhà nước chiếm phần lớn trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất của Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, trong khi ông lớn FDI Samsung vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu, trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm.

Đáng chú ý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và khả năng chống chịu các cú sốc, như dịch COVID-19 vừa qua, đóng vai trò hết sức quan trọng do khu vực này có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Với các chỉ số trên có thể thấy về tổng thể, doanh nghiệp Nhà nước đạt kết quả hoạt động tốt hơn so với mức bình quân của các doanh nhiệp trong nước trong thời gian qua. Báo cáo mới đây về kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và tác động của COVID-19 của World Bank cũng chỉ ra một thực tế rằng, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng lợi một phần từ một số chính sách trong gói hỗ trợ kinh tế COVID-19 của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều có khả năng kiểm soát, nhờ dự phòng và thích ứng với khủng hoảng từ giữa năm 2020 thông qua những biện pháp về hoạt động và tài chính nhằm hạn chế tác động tiêu cực.

Theo đánh giá của World Bank, dịch bệnh COVID-19 tác động đến các doanh nghiệp nhà nước và nới rộng khoảng cách về hiệu quả hoạt động giữa các ngành, dù không đồng đều giữa các ngành. Dịch bệnh tác động đặc biệt nặng nề đến ngành vận tải và các ngành nhà hàng, khách sạn và du lịch với mức suy giảm ước tính lên tới 14 nghìn tỷ đồng, chuyển từ lợi nhuận 3,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 sang thua lỗ 11,1 nghìn tỷ đồng năm 2020, do những ngành này bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Dự báo về triển vọng của nền kinh tế quý IV

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua quý III/2021 với sự sụt giảm sản lượng ở mức kỷ lục, tuy nhiên, đà suy giảm của nền kinh tế không quá bất ngờ khi các trung tâm kinh tế lớn của quốc gia đều chịu các tác động tiêu cực từ giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh. Mặc dù vậy, quý IV/2021 đang được kỳ vọng sẽ vực dậy các động lực tăng trưởng cho sản lượng quốc gia khi mà chỉ tiêu GDP trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng được 1,42%. Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng tình hình tăng trưởng quý IV cũng như cả năm 2021 phụ thuộc nhiều vào tình hình mở cửa nền kinh tế cũng như diễn biến dịch bệnh ở cả trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, gần như chắc chắn nền kinh tế sẽ không đạt được mức tăng trưởng 6% như mục tiêu đặt ra từ cuối năm 2020. Cơ quan thống kê quốc gia đã đưa ra hai kịch bản, trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,5% và ở kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 3%.

Bên cạnh việc đẩy mạnh độ phủ vắc xin thì các gói hỗ trợ kinh tế sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu thực hiện để tạo đà cho sự phục hồi của nền kinh tế. Dự báo sẽ có các gói cứu trợ lớn được thực hiện trong thời gian tới mặc dù hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa được chính thức quyết định và công bố. Tuy nhiên, triển vọng các gói cứu trợ được thực hiện đang tạo bầu không khí lạc quan và có tính lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực kinh tế.

Dựa trên diễn biến dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, chưa thể kết thúc, các chuyên gia cho rằng khó có thể dự báo được chính xác thời gian tới có nguy cơ tiếp tục xuất hiện tiếp biến chủng nguy hiểm mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và nhiều quốc gia đã chuyển từ chiến lược “Zero COVID” sang chấp nhận “sống chung với COVID-19” để vừa có thể chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Như vậy, chiến lược thích ứng của các doanh nghiệp là chuyển sang giai đoạn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cộng đồng chấp nhận “sống chung “ với dịch bệnh.

Chuyên gia Vietnam Report khuyến nghị. trong thời gian tới đây, các kế hoạch thích ứng với tình hình “bình thường mới” cần phải được thiết lập mau lẹ, như quy trình chuyển đổi số cần đẩy mạnh tối đa để gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số, quy trình kết hợp sản xuất kinh doanh với chiến lược phòng chống dịch bệnh 5K, quy trình thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các đợt giãn cách xã hội diễn ra trên quy mô nhỏ hẹp. Như vậy, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh hoạt động sang bối cảnh “bình thường mới” với sự chuẩn bị, triển khai để “chung sống với dịch bệnh”.

Vietnam Report dự báo trong thời gian tới, các đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng mạnh khi thế giới sắp có các đợt nghỉ lễ quan trọng vào dịp cuối năm 2021 và tạo dư địa phục hồi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực may mặc, giày dép, quần áo, các đồ quà tặng hiện đang tăng tốc sản xuất trở lại. Ngành du lịch được dự báo cũng sẽ phục hồi nhanh chóng khi nền kinh tế tái mở cửa để đón khách du lịch nước ngoài. Đây sẽ là những cơ hội quý giá để hỗ trợ đẩy mạnh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy khôi phục kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng.

Chiến lược thích ứng trong thời kỳ bình thường tiếp theo

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhìn từ bức tranh doanh nghiệp VNR500 năm 2021
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 11/2021

Nhận định về các chiến lược ưu tiên trong thời kỳ bình thường tiếp theo, các doanh nghiệp VNR500 trong khảo sát mới nhất của Vietnam Report cho biết 76,3% doanh nghiệp quyết định tăng cường sử dụng công nghệ mới, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và R&D; 71,1% doanh nghiệp lựa chọn bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi; 65,8% doanh nghiệp sẽ mở rộng sang các thị trường hoặc phân khúc mới; 64,5% doanh nghiệp thực hiện cải thiện năng lực kỹ thuật số của doanh nghiệp; và 50,0% doanh nghiệp quan tâm tới việc nâng cao trách nhiệm xã hội. Nhìn chung, trong thời gian tới, các doanh nghiệp VNR500 vẫn tập trung chú trọng tới ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện, kiên định bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi và từng bước mở rộng phạm vi kinh doanh tới các thị trường tiềm năng./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư