e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo?

23:20 | 12/12/2021 Print
Việt Nam là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất hơn 40% sản phẩm điện thoại của Samsung trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, đây là một thành công trong chiến lược tăng trưởng của Việt Nam, nhưng vấn đề cốt lõi WB nêu ra với Việt Nam là: Làm thế nào để các doanh nghiệp nội địa có cơ hội vươn lên, phát triển và vươn tầm quốc tế? Chìa khóa để thực thi khát vọng này, theo WB, là phải xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp Việt Nam: Dư địa đổi mới sáng tạo còn rộng

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo?
Theo WB, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhu cầu bức thiết thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đổi mới sáng tạo được hiểu là việc giới thiệu và áp dụng các sản phẩm, công nghệ, quy trình kinh doanh, mô hình kinh doanh và ý tưởng mới trên thị trường, cũng như việc phát minh ra ý tưởng mới. Áp dụng và phổ biến tri thức, công nghệ mới mang lại rất nhiều lợi ích tiềm năng, đòi hỏi các chính phủ, trong đó có Việt Nam, cần nỗ lực đầu tư tương xứng để hiện thực hoá những lợi ích này.

Tại Việt Nam, WB nhận định, sự cần thiết của mô hình tăng trưởng theo định hướng đổi mới sáng tạo và năng suất Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm qua. Tăng trưởng được duy trì ở mức cao, bình quân 7% kể từ năm 1988 đã dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Nhờ mở cửa thương mại và đầu tư, Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tạo ra nhiều việc làm trong phân khúc thâm dụng lao động theo định hướng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhu cầu bức thiết cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các chương trình nghị sự phát triển quốc gia, cũng như tại từng doanh nghiệp. Việc ứng dụng và truyền bá các ý tưởng mới, các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cơ hội nâng cao năng suất và khả năng thích ứng cho mỗi doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch tiếp tục lan rộng ra toàn cầu.

Cũng theo WB, các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty “siêu ứng dụng”8 như ZaloPay, Momo mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy, nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của các doanh nghiệp.

WB lạc quan cho rằng, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát về áp dụng công nghệ (năm 2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung tại Việt Nam - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.

Từ chối hoặc bỏ quên đổi mới sáng tạo sẽ bị bỏ lại phía sau

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo?
Năm 2011, Kodak tuyên bố phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với các công ty công nghệ khác

PGS.TS. Trần Ngọc Ca, thành viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia nhận định, trong thế giới ngày càng biến đổi không ngừng, đổi mới sáng tạo là chìa khóa, là cơ sở của tính cạnh tranh và sự an ninh của doanh nghiệp hoặc nền kinh tế. “Từ chối đổi mới sáng tạo hoặc cố tình bỏ quên đổi mới sáng tạo hoặc chậm chân trong đổi mới sáng tạo đều dẫn đến việc bị bỏ lại phía sau, hoặc thậm chí phá sản”.

Trên thế giới có không ít câu chuyện điển hình cho nhận định trên. Blackberry là một ví dụ. Năm 2007, Hãng này chiếm một nửa thị phần điện thoại tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tháng 6/2007, Iphone ra đời. Chỉ vì Blackberry không chú ý đến sự xuất hiện này, nên đã “nhường” cơ hội cho Apple và Samsung. Từ đó, Blackberry từ vị trí thống lĩnh thị trường điện thoại đã nhanh chóng rơi xuống mức thấp nhất, chỉ còn 0,8% thị phần thị trường.

Xerox có câu chuyện tương tự khi bỏ qua cuộc cách mạng PC. Xerox tạo ra sáng chế về PC tại Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto (PARC), nhưng không tiến hành thương mại hóa. Thời đó, Hãng chỉ tập trung vào công nghệ photo copy vì đang đem lại nhiều lợi nhuận. Rồi doanh nhân Steve Job đã học được công nghệ PC, tạo ra Macintosh và Apple, phát triển trên toàn cầu, bỏ xa những gì Xerox tạo nên.

Cho đến nay, nhiều người vẫn tiếc nuối cho sự biến mất của loại máy ảnh Kodak, nhưng đó là sự biến mất tất yếu do sự chậm chân trong tư duy của người sáng lập. Năm 1975, Steve Sasson sáng chế ra máy ảnh công nghệ số Kodak, nhưng Hãng chủ động không thương mại hóa vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh đang tồn tại và thống trị trên thị trường. Năm 2011, Kodak tuyên bố phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với các công ty công nghệ khác trong lĩnh vực ảnh công nghệ số.

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo?

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo?

Hội thảo có các diễn giả chính gồm:

+ Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

+ Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;

+ Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

+ Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát;

+ Ông Ngô Long Giang, Giám đốc khối Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB;

+ Bà Nguyễn Thy Nga, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-startup;

+ Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Vietinbank Capital;

+ Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, UNDP;

+ Ông Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ;

+ PGS.TS Trần Ngọc Ca, Chuyên gia cao cấp, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (tham dự theo hình thức trực tuyến).

Tại Việt Nam, sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình và thực hiện hội nhập quốc tế, trong đó có Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Sở hữu trí tuệ… Một số nỗ lực khác gần đây như việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub)… Tất cả đều nhằm hỗ trợ nền tảng đổi mới sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trên bình diện quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của WIPO những năm gần đây được cải thiện, tăng 10 bậc từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi WIPO cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết một thực tế là, phần lớn doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo mới chỉ thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu phát triển. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết họ không có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các hình thức hỗ trợ của Nhà nước là một trong những rào cản chính khiến các doanh nghiệp không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Các yếu tố khác như tài chính, sở hữu trí tuệ, thông tin, cơ sở hạ tầng… chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.

Đầu năm 2021, bằng việc tổ chức Triển lãm quốc tế về đổi mới, sáng tạo Việt Nam và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Năm 2021 cũng là năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiều hoạt động kết nối các tổ chức, các doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước vào công cuộc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là nỗ lực kết nối mạng lưới trí thức, doanh nhân tại châu Âu; phối hợp với USAID tổ chức Chương trình “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp”, thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số 2021-2030… Những nỗ lực này dần hình thành nên sức mạnh kết nối, tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp học hỏi, đổi mới tư duy, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay thị trường để gia tăng hiệu quả trên thương trường.

Đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi tháng, nước ta chứng kiến có hàng chục nghìn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, chờ giải thể hoặc phá sản. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp chính sách cùng nỗ lực từ chính doanh nghiệp phải mạnh mẽ hơn nữa, sự kết nối cũng phải mạnh mẽ hơn nữa để vượt qua thách thức hiện hữu và tìm con đường phát triển dài hạn.

Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 15/12/2021 nhằm tạo kết nối để chính sách và các doanh nghiệp gần nhau hơn, thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Hội thảo được tổ chức với sự tài trợ Vàng của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS), tài trợ Bạc bởi Đạm Phú Mỹ, cùng hai doanh nghiệp hỗ trợ là Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Công ty Chứng khoán MB.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ban đọc quan tâm xin đăng ký tại đây:

ĐĂNG KÝ HỘI THẢO ĐỔI MỚI SÁNG TẠO: KẾT NỐI CHÍNH SÁCH VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM (google.com)

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư