Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga: Tác động từ FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu

08:00 | 10/12/2021 Print
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) được ký kết năm 2015 và chính thức có hiệu lực vào năm 2016 đã mở ra nhiều cơ hội đối với xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng của Việt Nam sang Liên bang Nga. Bài viết phân tích thực trạng, cơ hội và thách thức từ FTA Việt Nam – EAEU đối với xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga, qua đó đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM SANG LIÊN BANG NGA

Nông sản là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2014-2016 khi FTA Việt Nam – EAEU chưa hoặc vừa mới có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga không biến động nhiều. Từ năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga đạt 543,7 triệu USD, tương ứng với mức tăng trưởng 37,16% so với năm 2016. Trong năm 2018 và 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 13%/năm (Hình).

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga: Tác động từ FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu

Các mặt hàng nông sản chủ lực mà Việt Nam xuất sang Liên bang Nga trong thời gian qua bao gồm: cao su, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, chè, hạt tiêu và gạo. Trong đó, hạt điều, hạt tiêu và cà phê là ba mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nông sản của Liên bang Nga với tỷ trọng lần lượt là 88,4%, 72,33% và 22,94% năm 2019. Các mặt hàng có tỷ trọng tăng đều và ổn định là hạt tiêu, cà phê và hạt điều. Cao su, hàng rau quả và chè có tỷ trọng tăng nhưng còn thấp. Riêng mặt hàng gạo có tỷ trọng biến động nhất trong cơ cấu nhập khẩu của Liên bang Nga trong giai đoạn 2014-2019 (Bảng).

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga: Tác động từ FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu

TÁC ĐỘNG CỦA FTA VIỆT NAM – EAEU ĐẾN XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM SANG LIÊN BANG NGA

Cơ hội

Với dân số đông, trên 144 triệu người (World Bank, 2021), Liên bang Nga là thị trường hấp dẫn với nhiều quốc gia xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là nền kinh tế phát triển trong khu vực, người dân có mức thu nhập khá cao, nên đòi hỏi hàng hoá nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể thấy, FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga, cụ thể:

Thứ nhất, FTA Việt Nam – EAEU đã tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường Liên bang Nga. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu được coi như một chiến lược dài hạn giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà những lợi thế cạnh tranh, như: giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đang dần bị thu hẹp, không có tính bền vững, trong khi những yếu tố: thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển và thời gian.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga: Tác động từ FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu
Nông sản là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga.

Thứ hai, Nga là một thị trường lớn và hiện vẫn tương đối đóng với hàng hóa nước ngoài (vì mức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga còn cao). Trong khi đó, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của EAEU cho đến thời điểm này. Vì vậy, FTA Việt Nam – EAEU sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt hơn so với các quốc gia khác khi xuất khẩu vào Nga.

Thứ ba, FTA Việt Nam – EAEU thúc đẩy tiếp cận thị trường từ việc tận dụng kinh nghiệm và mối quan hệ qua mạng lưới người Việt tại Liên bang Nga. Do yếu tố lịch sử và trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, cộng đồng người Việt Nam đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga đã nhiều thập kỷ. Cộng đồng người Việt tại Nga là “cầu nối” để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nga. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Nga là những người quảng bá tích cực nhất cho các mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam.

Thách thức

Bên cạnh cơ hội mang lại, FTA Việt Nam – EAEU cũng đặt ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga, đó là:

(i) FTA Việt Nam – EAEU đặt ra yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại khá phức tạp. Các rào cản phi thuế, như: quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch chất lượng mà EAEU đang áp dụng đối với hàng nông sản của Việt Nam (gạo, rau, quả) tương đối chặt chẽ, thậm chí chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, dẫn đến việc hàng hóa khó thâm nhập vào thị trường. Trong khi đó, việc trao đổi thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Cơ quan liên bang về giám sát thú y và kiểm dịch thực vật Liên bang Nga thường chậm trễ; cơ chế trao đổi thông tin về cảnh báo an toàn thực phẩm, cập nhật danh sách được phép xuất khẩu, quy định danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn… của Liên bang Nga chưa minh bạch và kịp thời.

(ii) Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sản phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt (về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển) với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự tại EAEU nói chung và Liên bang Nga nói riêng, như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…

(iii) Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn gặp khó khăn về cơ chế thanh toán, cũng như các quy định phòng vệ thương mại của Liên bang Nga. Hiện nay. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai bên chủ yếu sử dụng đường hàng hải, thời gian vận tải thường chiếm khoảng 25-50 ngày, do đó làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam (hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo tuyến đường xuyên Nga từ Đông sang Tây, nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ…). Ngoài tập quán thanh toán T/T (chuyển tiền bằng điện) hoặc D/P (giao tiền thì giao chứng từ) trả chậm (ứng trước 10%-20%, sau khi giao hàng nhận chứng từ gốc, thì trả 80%-90% còn lại), trong thời gian qua, phần lớn các khách hàng EAEU và Nga cũng đề nghị thanh toán theo hình thức trả chậm từ 6 tháng đến 01 năm. Việc thanh toán bằng đồng USD gặp khó khăn do biến động tỷ giá giữa đồng Rúp của Liên bang Nga và đồng USD của Hoa Kỳ (Doãn Thị Mai Hương, 2017).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để tận dụng FTA Việt Nam - EAEU nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga trong thời gian tới, tác giả đề xuất thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng hàng nông sản, cũng như mẫu mã, kiểu dáng. Để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải chú ý ngay từ khâu lựa chọn giống cho tới quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản. Doanh nghiệp xuất khẩu cần hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống mới cho các nhà sản xuất để họ có đủ điều kiện tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống kho, nhà máy chế biến với trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến nhằm từng bước tiến tới xuất khẩu hàng tinh thay cho hàng thô vào thị trường Liên bang Nga. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, các phòng kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm nông sản.

Về kiểm soát chất lượng hàng nông sản, đối với mỗi lô hàng xuất khẩu, các công ty thương mại ngoài việc thực hiện đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản xuất khẩu theo quy định, cũng cần phải bổ sung hợp đồng mua bán lô hàng giữa chủ hàng và cơ sở sản xuất lô hàng, trong đó thể hiện rõ trách nhiệm đối với việc thực hiện các biện pháp xử lý của cơ quan kiểm tra trong trường hợp lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo hoặc cơ quan kiểm tra phát hiện vi phạm quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc giấy tờ ủy quyền của chủ hàng.

Để có thể triển khai một cách đồng bộ, nhà quản lý doanh nghiệp phải nhanh chóng nâng cao nhận thức cho nông dân và người lao động. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nội bộ doanh nghiệp, trình bày rõ thực trạng sản xuất, triển khai công việc hiện tại trong công ty, như: tình hình sử dụng hóa chất, ô nhiễm sinh thái, phân tích những cái lợi nhỏ bé trước mắt và mức độ thiệt hại nặng nề lâu dài của các hành động vi phạm, đề ra các biện pháp xử lý nghiêm ngặt răn đe, đồng thời cũng nên đưa ra giải pháp quản lý và kỹ thuật hạn chế ô nhiễm trong sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Hai là, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và khai thác tối đa lợi thế dành cho mặt hàng nông sản từ các quy định trong FTA Việt Nam - EAEU. Muốn tận dụng tốt những cơ hội của FTA Việt Nam - EAEU đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ tất cả các quy tắc, quy định của Hiệp định có liên quan tới hàng nông sản, bao gồm các nội dung có liên quan tới những cam kết về cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ, tính hiệu lực, pháp lý…

Chỉ khi nắm rõ các quy định và hiểu được các nguyên tắc trong FTA Việt Nam – EAEU, các doanh nghiệp mới có thể tiến hành lập kế hoạch, chiến lược, sản xuất, chế biến, đóng gói và xuất khẩu sản phẩm nông sản vào thị trường Liên bang Nga sao cho đảm bảo tận dụng được tối đa những lợi thế mà Hiệp định mang lại.

Ba là, nâng cao tính cộng đồng giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản trong nước. Những năm gần đây, giữa doanh nghiệp và nông dân thường có hiện tượng phá vỡ hợp đồng. Khi giá cả thị trường giảm xuống, thì doanh nghiệp không muốn mua hàng, ngược lại, khi giá cả thị trường tăng lên, thì nông dân lại giữ hàng không bán. Tầm nhìn hạn chế như vậy đã gây ra không ít thiệt thòi cho quá trình sản xuất của người dân và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp. Để khắc phục vấn đề này, các hộ nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hợp tác tự nguyện thông qua các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, cử ra ban đại diện để làm việc với doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Ban quản lý và người dân phải tính toán chi phí và xác định giá thành sản xuất trước mỗi vụ thu hoạch. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tính toán chi phí, giá thành, trên cơ sở đó thống nhất với nông dân trong việc phân chia lợi nhuận. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành nghiên cứu, xây dựng cơ chế, văn bản pháp quy, công khai thông tin nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý tự nguyện hợp tác với nhau, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2020). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2019, Nxb Công Thương

2. Tổng cục Hải quan (2016-2020). Niên giám thống kê hải quan về hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam tư năm 2016 đến năm 2020, Nxb Tài chính

3. Ban Quan hệ Quốc tế - VCCI (2017). Hồ sơ thị trường Liên bang Nga, truy cập từ https://vcci.com.vn/uploads/HSTT_LB_Nga__2018.pdf

4. Doãn Thị Mai Hương (2017). Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Liên bang Nga, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/giai-phap-day-manh-xuat-khau-hang-thuy-san-viet-nam-sang-lien-bang-nga-127275.html

5. World Bank (2021). Population, total - Russian Federation, retrieved from https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.TOTL?locations=RU

Trần Huy Đức - Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư