Hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa

08:00 | 13/12/2021 Print
Ả-rập Xê-út là đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông. Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út không ngừng được thúc đẩy, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, rất cần những giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong tương lai.

THỰC TRẠNG QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VÀ Ả-RẬP XÊ-ÚT

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã được chú trọng phát triển. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước năm 2017 đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm còn 1,431 tỷ USD năm 2018 trước khi tăng lên 1,534 tỷ USD năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng năm 2020, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước không sụt giảm, mà còn tăng nhẹ lên mức 1,549 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út đạt 351,402 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,198 tỷ USD (Hình).

Cơ cấu mặt hàng trao đổi thương mại giữa hai nước tương đối phù hợp, có tính chất bổ sung cho nhau. Nếu như Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, như: điện thoại di động, sản phẩm dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…, thì Ả-rập Xê-út xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất và sản phẩm hóa chất, phân bón các loại...

Hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa

Đánh giá về cán cân thương mại giữa hai nước, thì Việt Nam đang nhập siêu khá lớn. Nguyên nhân là do Việt Nam nhập khẩu số lượng và giá trị lớn các mặt hàng từ Ả-rập Xê-út. Trước tình hình đó, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa tăng trưởng mạnh như kỳ vọng. Nguyên nhân là do thị trường Ả-rập Xê-út có yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất khắt khe. Điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm với nhóm hàng nông sản của Ả-rập Xê-út rất cao, trong khi chất lượng hàng hóa nông sản của nước ta còn chưa cao. Trước đó, tháng 01/2018, Ả-rập Xê-út áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra thực tế của Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Ả-rập Xê-út (SFDA) đến Việt Nam làm việc và kết luận một số cơ sở sản xuất, chế biến tôm và cá tra của Việt Nam không đảm bảo được các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Phải đến hơn 2 năm sau đó, khi doanh nghiệp Việt Nam tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại, ngày 8/9/2020, Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Việt Nam có công hàm gửi các cơ quan chức năng phía Việt Nam thông báo ý kiến của SFDA cho phép 12 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường Ả-rập Xê-út (Thu Phương, 2020).

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đầu tư

Trong lĩnh vực đầu tư, một số tập đoàn lớn của Ả-rập Xê-út, như: Kingdom Holdings, Thép Zamil… đã có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp của Ả-rập Xê-út đa phần có năng lực tài chính mạnh, tuy nhiên, đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất ít, mặc dù Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2020, Ả-rập-Xê-út có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,37 triệu USD, đứng thứ 89/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020).

Hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa
Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út không ngừng được thúc đẩy, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực lao động

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út từ tháng 8/2003, nhưng đến cuối năm 2006, từ khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại thị trường này, thì việc đưa lao động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út mới thực sự phát triển. Tính đến hết năm 2019, có khoảng 10.000 người Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, dịch vụ... Trong đó, giúp việc gia đình là lĩnh vực thu hút nhiều lao động xuất khẩu của Việt Nam nhất với khoảng hơn 8.000 người (Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2020). Từ năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên hoạt động xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang thị trường này phải tạm ngừng. Hiện nay, xuất khẩu lao động sang thị trường Ả-rập Xê-út đang gặp những trở ngại nhất định. Trở ngại này không chỉ tới từ khoảng cách địa lý xa xôi giữa hai quốc gia, mà còn tới từ sự khác biệt về văn hóa, phong tục - tập quán, khí hậu, ngôn ngữ... Thời gian qua, vấn đề tranh chấp phát sinh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực giúp việc gia đình. Các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động giúp việc gia đình mà cơ quan chức năng phải can thiệp chủ yếu là lao động trốn chủ, một số phản ánh bị chủ sử dụng bỏ rơi, bị ép làm việc nhiều giờ làm việc trong ngày; bị chậm trả lương hoặc không thích nghi với môi trường làm việc, không đảm bảo sức khỏe… Hơn nữa, chất lượng lao động của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, nhiều người lao động sau khi sang Ả-rập Xê-út làm việc đã không đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực du lịch

Là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất trên thế giới, nhu cầu du lịch của người dân Ả-rập Xê-út khá nhiều. Trước năm 2020, mỗi năm quốc gia này có khoảng 10 triệu người đi du lịch nước ngoài. Tuy vậy, khách du lịch Ả-rập Xê-út ưa thích điểm đến là các nước khu vực Nam Á, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia... Năm 2019, chỉ có trên 600 lượt khách du lịch Ả-rập Xê-út vào Việt Nam, một con số khá khiêm tốn mặc dù nước ta có lợi thế rất lớn về du lịch (Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, 2019). Có thể thấy, Việt Nam chưa được biết đến nhiều tại thị trường này. Một trong những nguyên nhân là do công tác quảng bá về đất nước, con người và du lịch Việt Nam cho người dân Ả-rập Xê-út chưa được thực hiện tốt và hiệu quả.

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội

Bên cạnh những hợp tác về kinh tế, Ả-rập Xê-út còn là quốc gia có sự hỗ trợ phát triển cho văn hóa, xã hội của Việt Nam. Quỹ Phát triển kinh tế Ả-rập Xê-út (Saudi Fund) đã và đang có một số dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nông thôn tại một số địa phương ở nước ta. Quốc gia này cũng có chương trình hỗ trợ Việt Nam thông qua tín dụng ưu đãi của Quỹ Phát triển kinh tế Ả-rập Xê-út cho các địa phương nghèo. Ngoài ra, quốc gia này cũng tài trợ, ủng hộ cho người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, đại dịch Covid-19.

Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út cũng được tăng cường tổ chức. Trong tháng 02/2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út lần đầu tiên tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Ả-rập Xê-út với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm văn hóa thế giới Quốc vương Abdulaziz.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Nhìn chung, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã có nhiều kết quả tốt, tuy nhiên quan hệ hợp tác còn khiêm tốn so với tiềm năng. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, giảm tình trạng nhập siêu trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út. Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng còn khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường Ả-rập Xê-út, như: hoa quả nhiệt đới, cà phê, chè, thủy sản…

Trong đó, cần cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Ả-rập Xê-út và các quy định, quy trình cấp chứng chỉ đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Đồng thời, tăng cường kiểm soát về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau, thực hiện khảo sát thị trường để tìm kiếm cơ hội trao đổi thương mại. Tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp trong nước khai thác thông tin qua các kênh hiện có là Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Thương vụ và Đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng ở mỗi nước.

Hai là, đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư. Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần thúc đẩy hỗ trợ về thông tin môi trường đầu tư, tạo cầu nối kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út về đầu tư trong các lĩnh vực: năng lượng, điện, dầu khí, hóa chất, dệt may, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng, các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp...

Ba là, thúc đẩy xuất khẩu lao động trong dài hạn. Ngoài xuất khẩu lao động phổ thông, trong dài hạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu nhằm tăng cường đưa các lao động có tay nghề cao, như: y tá, điều dưỡng viên, kỹ sư, chuyên gia sang thị trường Ả-rập Xê-út.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cần tăng cường phối hợp với phía Ả-rập Xê-út để quản lý chặt chẽ lao động. Thắt chặt việc kiểm tra thẩm định hợp đồng cung ứng lao động trước khi đưa lao động sang làm việc. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở Ả-rập Xê-út, đặc biệt là lao động giúp việc gia đình và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, thông tin rộng rãi về thị trường lao động Ả-rập Xê-út, các quy định và điều kiện làm việc, sinh hoạt… ở Ả-rập Xê-út để người lao động hiểu và nhận thức đúng về thị trường này.

Bốn là, tăng cường thúc đẩy du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Ngoại giao cần phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan trong thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa của Việt Nam với người dân Ả-rập Xê-út. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tổ chức các hội thảo, xúc tiến du lịch giữa hai quốc gia nhằm ghi nhận các nhu cầu, nguyện vọng du lịch của du khách Ả-rập Xê-út. Qua đó, giải đáp đầy đủ các thắc mắc của các doanh nghiệp nước bạn về du lịch tại Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp lữ hành của nước bạn trong xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út có thể thực hiện phát ấn phẩm du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, cẩm nang Travelling Tips do Đại sứ quán, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam biên soạn. Đại sứ quán cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trực tiếp sang khảo sát môi trường du lịch.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục xem xét đề nghị, mong muốn Việt Nam áp dụng chính sách miễn visa cho công dân của Ả-rập Xê-út.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, xã hội. Tiếp tục kiến nghị Quỹ Phát triển kinh tế Ả-rập Xê-út xem xét tiếp tục cung cấp các khoản vay ưu đãi, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Các hoạt động về giao lưu văn hóa, thể dục thể thao cần được đẩy mạnh triển khai khi dịch bệnh được kiểm soát. Hai nước có thể thực hiện trao đổi, giao lưu các đoàn văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quan hệ Quốc tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020). Hồ sơ thị trường Ả-rập Xê-út, tháng 3/2020

2. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020

3. Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020). Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và định hướng năm 2020

4. Tổng cục Hải quan (2018-2021). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và các năm 2017-2020

5. Trịnh Thị Lan Anh (2021). Thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 8, tháng 3/2021

6. Thu Phương (2020). Thủy sản Việt Nam được xuất khẩu trở lại vào Ả rập Xê út, truy cập từ https://congthuong.vn/thuy-san-viet-nam-duoc-xuat-khau-tro-lai-vao-a-rap-xe-ut-143774.html

7. Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út (2019). Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến du lịch tại Ả Rập Saudi, truy cập từ https://congthuong.vn/co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-xuc-tien-du-lich-tai-a-rap-saudi-130867.html

Trịnh Thị Lan Anh - Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư