e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

4 điểm cần làm rõ với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông

17:08 | 10/12/2021 Print
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề xuất làm rõ 4 nội dung liên quan đến đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Khả năng ngân hàng “bơm” vốn cho Dự án rất thấp

Tiếp tục Phiên họp thứ 6, sáng nay (ngày 10/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, theo Văn phòng Quốc hội.

Trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, với tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần (gồm 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công). Trong quá trình thực hiện, do khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư, huy động vốn tín dụng, mặt khác với mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công..., góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội, UBTVQH chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công.

4 điểm cần làm rõ với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục. Ảnh: QH

Trình bày kết quả thẩm tra sơ bộ Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy tuy việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư Dự án, nhưng quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80km/h. Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau. Do vậy, đề nghị trong giai đoạn này cần cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe, với mặt đường 24,75m, đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Để triển khai Dự án đúng tiến độ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư Dự án. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần có báo cáo tiếp thu giải trình, thống nhất giữa hồ sơ trình và thẩm tra đối với Dự án...

Về hình thức đầu tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng, mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Với những bất cập nêu trên chưa được khắc phục, thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tiến độ cho Dự án là có cơ sở. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho rất nhiều các dự án giao thông đường bộ sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Dự án. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch, đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT.

4 điểm cần làm rõ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, có 4 nội dung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo thêm.

4 điểm cần làm rõ với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Để đảm bảo tính khả thi của Dự án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ 4 điểm. Ảnh: QH

Thứ nhất, cần làm rõ việc Dự án này sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục được trong thời gian qua, vì trong Tờ trình hiện nay chưa rõ điểm này.

Thứ hai, Dự án hiện đã bổ sung, điều chỉnh 10 tuyến, chiều dài mạng tăng từ 6.411 km lên 9.014 km, cơ quan chủ trì có khẳng định được việc đã bao quát tính tổng thể dự án, đã bảo đảm sự hợp lý, khoa học, đồng bộ, hiệu quả của các hướng tuyến đã chọn, sự kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc khác trong mạng lưới chưa?

Thứ ba, đối với các tuyến vành đai, trục hướng tâm các đô thị lớn, các trục ngang kết nối các cửa khẩu với cảng biển; các tuyến kết nối với nhà ga, cảng hàng không, các trung tâm logistics... là những yếu tố để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn phương án về phạm vi, quy mô đầu tư, giải phòng mặt bằng, tái định cư, hình thức đầu tư, thời gian thực hiện dự án. Chính phủ dự kiến 3 năm để khởi công và 3 năm để thi công. Như vậy, tính hiệu quả của dự án cần xem lại và điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ tư, nước ta có hệ thống sông ngòi, biển dày đặc, vận tải đường thủy được nhiều với số lượng lớn, chi phí đầu tư hợp lý. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nên quan tâm song song mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy cần được phát triển đồng bộ, để kết nối đan xen trong vùng, liên vùng trong nước và quốc tế…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp bất thường sắp tới./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư