Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững

11:10 | 15/12/2021 Print
Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, UNDP đã chia sẻ tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo, kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam" những kinh nghiệm của một người đã và đang xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đồng hành cùng DN trong lĩnh vực này trong nhiều năm qua.
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững
Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, UNDP phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo "Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” được diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay, ngày 15/12.

Theo ông Tuấn Lương, UNDP, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 và phải đối mặt với nhiều thách thức: ô nhiễm môi trường, phân biệt giàu - nghèo, vùng miền… Để giải quyết các thách thức nói trên và thực thi các mục tiêu phát triển theo COP 26, con đường tất yếu là phải hướng tới sự phát triển bền vững, nhất là đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Để cung cấp dữ liệu làm chính sách, dẫn dắt gắn kết hệ sinh thái, hướng tới phát triển bền vững gắn với đổi mới sáng tạo, hiện nay, UNDP có mạng lưới 90 phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo toàn cầu phủ 114 nước. Cùng với đó, UNDP có nhiều hoạt động thúc đẩy nỗ lực khám phá và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo mang tính bền vững, phân tích chia sẻ kiến thức cho nhà quản lý và doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra cơ sở, bằng chứng để các chủ thể cùng hành động sát thực với nhu cầu của người dân hơn, dẫn dắt, gắn kết và cộng hưởng các thành viên, nguồn lực trong hệ sinh thái ĐMST.

Trên thực tế, để vừa kết hợp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, UNDP đã đồng hành đổi mới sáng tạo khu vực công và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái, chia sẻ lan tỏa những giá trị sáng tạo, bền vững tại Việt Nam.

"Với khu vực công, UNDP đã xây dựng chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan nhà nước, trong đó có việc gắn kết những thành phần liên quan", ông Lương nói.

Trong khu vực kinh tế tư nhân, ông Lương nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, khảo sát các doanh nghiệp tạo tác động xã hội cho thấy, có 77% doanh nghiệp cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp; 76% doanh nghiệp chịu suy giảm doanh thu; 59% doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển thị trường; 41% doanh nghiệp gặp khủng hoảng trong duy trì dòng vốn.

"Vì vậy, khi đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, thì UNDP luôn phải dấn thân với họ, sâu sát với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, cũng như xây dựng một mạng lưới để cùng với họ hình thành nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", ông Lương nói.

Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững
Hội thảo được diễn ra với sự chủ trì của Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thuỷ; ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch HĐTV Quỹ Hỗ trợ DNNVV Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện UNDP kiến nghị, các giải pháp chính sách cần hỗ trợ tập trung cho những doanh nghiệp xã hội/tạo tác động xã hội để mở rộng phạm vi hiện diện của các doanh nghiệp này.

Cũng theo đại diện UNDP, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo là xu hướng tất yếu với cộng đồng doanh nghiệp trên toàn cầu ngày nay. Phát triển bền vững bản chất là đề cao giá trị chung của xã hội và tính dài hạn. Đổi mới sáng tạo là tinh thần luôn thử nghiệm, cho phép sai, tò mò tìm tòi để có phương án tốt nhất trong giải quyết vấn đề. Cả hai nội dung trên nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Để làm được đòi hỏi người thực thi phải có năng lực thực hành và không ngừng học hỏi. "Chỉ có sự cam kết thực hành thay đổi tư duy và thói quen của mỗi cá nhân, lãnh đạo, tập thể và toàn xã hội mới có thể tạo ra những bước phát triển mới cho tương lai", ông Tuấn Lương nói.

Trong quan điểm của Trưởng phòng đổi mới sáng tạo UNDP, tri thức không như của cải, cho đi là mình có nhiều hơn. Làm sao chia sẻ các bài học, xây dựng nền tảng, giảm rủi ro cho các bên đi sau. Vì vậy việc gắn kết, dẫn dắt và tạo nhiều cơ hội cho các bên trao đổi, vượt qua khó khăn là rất quan trọng để xây dựng niềm tin và sức mạnh vượt qua các thách thức hiện hữu và tìm cơ hội phát triển.

Trong kiến nghị về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Tuấn Lương đề nghị, các chính sách cần tập trung vào nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, cụ thể là gỡ khó cho doanh nghiệp. Cần hỗ trợ tập trung cho những doanh nghiệp xã hội/tạo tác động xã hội để từ đó mở rộng phạm vi hiện diện của các doanh nghiệp này. "Cần giúp các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh sáng tạo, theo hình thái kinh tế tuần hoàn, để vừa phát triển doanh nghiệp vừa có thể tham gia góp sức giải quyết các vấn đề chung của xã hội và tạo sinh kế cho nhiều thành phần", ông Tuấn Lương góp ý.

Hội thảo "Đổi mới sáng tạo, gắn kết chính sách với doanh nghiệp Việt Nam" được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sắp đi qua năm 2021. Với sự lan rộng của đại dịch Covid-19, rất nhiều chủ thể trong nền kinh tế, trong đó có hàng vạn doanh nghiệp, gặp khó khăn chưa tìm được đường ra. Thực tế này đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức như UNDP để khó khăn dần lùi về quá khứ và mở ra con đường sáng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Một số kinh nghiệm được UNDP chia sẻ tại link này:

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư