e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Con đường tất yếu để phục hồi và phát triển

19:02 | 15/12/2021 Print
Tại Hội thảo đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo đang diễn ra, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ rõ, chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Con đường tất yếu để phục hồi và phát triển
Bà Bùi Thu Thủy cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thu Thủy cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số với các hoạt động, như: số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Bà Bùi Thu Thủy cho biết, chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố đinh và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực

Tuy nhiên, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cụ thể là, tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ đạt 22%. Trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.

Cùng với đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số, như: chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các doanh nghiệp còn thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Con đường tất yếu để phục hồi và phát triển
Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp

Bà Bùi Thu Thủy, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Cụ thể là những cơ hội về sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số/online tăng mạnh. Cùng với đó là sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường với 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, doanh thu là 135 tỷ USD, tăng trưởng 10%. Đặc biệt là các giải pháp và hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, bà Bùi Thu Thủy cho biết, chuyển đổi số cũng mang đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đó là những thách thức trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; kết nối giữa các giải pháp trên thị trường; tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khiêm tốn. Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, thì các chỉ tiêu khác (thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số) tại Việt Nam còn thấp; Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số đang được xây dựng, hình thành; và sự gia tăng các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng.

Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Con đường tất yếu để phục hồi và phát triển
Hội thảo nhằm kết nối các hỗ trợ đổi mới sáng tạo từ nền tảng chính sách đến doanh nghiệp Việt Nam

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Bùi Thu Thủy cho biết, ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số Cổng thông tin Chương trình tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn; xây dựng Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng public trên Cổng thông tin, qua đó, doanh nghiệp có thể tự đánh giá để xác định doanh nghiệp mình đang ở mức độ nào so với các doanh nghiệp trong ngành; Công bố tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam để cung cấp kiến thức, doanh nghiệp tham khảo lộ trình, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ để tự triển khai chuyển đổi số; Công bố rộng rãi trên Cổng thông tin Chương trình và qua hệ thống đăng ký doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành phố.

Hình thành và tổ chức điều phối Mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi sổ cho DN; Xây dựng video Hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam được công bố và phổ biến rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp (hơn 100.000 lượt tiếp cận); Tổ chức khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số ; Triển khai hỗ trợ tối thiểu 100 DN là thành công điển hình

Bà Bùi Thu Thủy tin rằng, những giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số dễ dàng và thuận lợi hơn./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư