e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Khu công nghiệp - Khu kinh tế

Thế và lực mới cho đầu tư phát triển KKT và KCN tỉnh Kon Tum

21:04 | 16/12/2021 Print
Lũy kế đến nay có 110 dự án dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN tỉnh Kon Tum, với tổng số vốn đăng ký đạt 4.151,209 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 2.016,770 tỷ đồng.

Thế và lực mới cho đầu tư phát triển KKT và KCN tỉnh Kon Tum
Quốc môn Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum (Ban Quản lý) được UBND tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ quản lý và phát triển KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y (KKT) và các KCN trên địa bàn. Thời gian qua, Ban Quản lý đã tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào KKT và các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh công tác hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh, Ban Quản lý cũng đã tăng cường công tác kết nối nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Mặt khác, Ban Quản lý luôn quan tâm đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực quản lý và xúc tiến đầu tư. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về hoạt động xúc tiến đầu tư cho cán bộ công chức, viên chức trong Tổ hỗ trợ đầu tư của Ban Quản lý; Ban Quản lý đã bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm công tác tốt để hướng dẫn, hỗ trợ và giúp nhà đầu tư trong quá trình lập và triển khai các thủ tục đầu tư vào KKT, KCN. Sau thời gian đầu đi vào hoạt động, Tổ hỗ trợ đầu tư của Ban Quản lý đã hỗ trợ kịp thời và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh trong KKT và các KCN Tỉnh, được các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư trong KKT và các KCN của Tỉnh.

Trong công tác công tác cải cách hành chính, Ban quan tâm chú trọng đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho công chức để không ngừng nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; tập trung rà soát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng số lượng thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến tại Ban Quản lý (đến nay 100% thủ tục hành chính của Ban Quản lý KKT Tỉnh đạt cung cấp dịch vụ công mức độ 4).

Đồng thời Ban thường xuyên hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, khai thác các tiện ích cung cấp tại cổng thông tin điện tử, xử lý nhanh, kịp thời các phản ánh của người dân trên cổng/trang thông tin điện tử…

Trong năm 2021 mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở khắp cả nước và trên thế giới, nhưng Ban Quản lý đã linh hoạt trong điều hành hoạt động thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư. Theo đó, phương châm hoạt động của Ban là chuyển từ tinh thần đồng hành cùng nhà đầu tư sang tinh thần chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị dự án đầu tư nhằm tăng tốc thu hút đầu tư, triển khai các dự án trên địa bàn. Do đó, năm 2021 Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào KKT và các KCN trên địa bàn.

Giữ vững đà tăng trưởng và phát triển

Thế và lực mới cho đầu tư phát triển KKT và KCN tỉnh Kon Tum
Đoàn công tác của tỉnh Kon Tum kiểm tra tình hình hoạt động tại KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Với những cố gắng lớn trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, năm 2021 tại KKT và các KCN Tỉnh đã có 07 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 703,366 tỷ đồng; 05 dự án dự án điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; 03 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư; 01 dự án hiệu đính giấy chứng nhận đầu tư.

Lũy kế đến nay, số dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư tại KKT và các KCN Tỉnh là 110 dự án với tổng số vốn đăng ký 4.151,209 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện đạt 2.016,770 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, song với sự cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý KKT Tỉnh cùng cơ quan, đơn vị, các ngành chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nên tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y vẫn tăng so với năm 2020; đồng thời các chỉ tiêu như: Thu ngân sách; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu; các khoản thu phí, lệ phí, giá dịch vụ; phương tiện, hàng hóa…. đều tăng mạnh so với năm 2020, qua đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Thế và lực mới cho đầu tư phát triển KKT và KCN tỉnh Kon Tum
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN tỉnh Kon Tum

Một số chỉ tiêu cụ thể mà các doanh nghiệp KKT và các KCN Kon Tum đạt được trong năm 2021 đó là:

Hành khách xuất nhập cảnh đạt 38.222 lượt; phương tiện xuất nhập cảnh đạt 19.689 lượt; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 250.075.424,1 USD, tăng 24,82 % so với cùng kỳ 2020; các khoản thu nộp ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ) đạt 272,1 tỷ đồng, tăng 43,11 % so với cùng kỳ 2020.

Tổng số phí, lệ phí, giá dịch vụ thu được từ đầu năm đến ngày 15/11/2021 là 19,1 tỷ đồng, tăng 77,75 % so với cùng kỳ 2020 (tương đương tăng 8,3 tỷ đồng), trong đó: Giá kiểm dịch y tế: 2.282.612.725 tỷ đồng, tăng 15,39 % so với cùng kỳ; phí kiểm dịch thực vật: 436.853.000 đồng, tăng 67,73 % so với cùng kỳ; phí hạ tầng cửa khẩu: 16.742.335.000 đồng, tăng 97,61% so với cùng kỳ.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Bờ Y cũng đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong KKT và các KCN. Ban đã phát huy cao vai trò, nhiệm vụ chủ trì phối hợp và duy trì các hoạt động của các ngành công tác tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Phối hợp các ngành chức năng tại cửa khẩu triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu; tiếp nhận, kiểm tra, giám sát y tế đối với hành khách nhập cảnh, bàn giao người nhập cảnh cho cơ quan có thẩm quyền đưa đón đi cách ly tập trung theo quy định. Do đó, dịch bệnh trong KKT và các KCN đã được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất kinh doanh trong KKT và các KCN tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển.

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển KKT và KCN

Thế và lực mới cho đầu tư phát triển KKT và KCN tỉnh Kon Tum
Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác của Tỉnh tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum, dự kiến KKT và các KCN tỉnh Kon Tum sẽ được quy hoạch đến năm 2030 như sau:

KKT tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y: nằm ở ngã ba Đông Dương,trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam- Lào-Campuchia, là KKT động lực, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ; phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực, nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện về địa lý - chính trị - kinh tế - xã hội; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

KCN Sao Mai 150 ha gắn với Khu đô thị - dịch vụ 60 ha tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, cạnh đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố Kon Tum về phía Nam khoảng 8 Km. Đang xây dựng hạ tầng và đã có nhà máy xử lý nước thải.

KCN Hòa Bình 60 ha, nằm tại phường Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, cạnh đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm TP Kon Tum về phía Nam 2 Km, đã hoàn thành hệ thống hạ tầng và nhà máy xử lý nước thải.

KCN Đăk Tô: Qui mô quy hoạch 146,76 ha tại thị trấn Đăk Tô, cách trung tâm thành phố Kon Tum về hướng Bắc khoảng 40 Km, đang kêu gọi đầu tư hạ tầng.

KCN sản xuất, chế biến dược liệu tập trung: Dự kiến quy hoạch tại xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, qui mô khoảng 200 ha. Cách trung tâm thành phố Kon Tum về phía Bắc khoảng 45 Km. Hiện đang lập thủ tục bổ sung quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN.

Theo quy hoạch, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN tỉnh Kon Tum có vai trò hết sức quan trọng, Mục tiêu chung là phát triển công nghiệp theo hướng tập trung từng khu vực, từng ngành nghề cụ thể nhằm tận dụng và khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại địa phương, tận dụng cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, công nghiệp dịch vụ từng khu vực này phát triển; tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại trong toàn vùng. Đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế -xã hội trong khu vực các KCN, KKT nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung./.

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư