Hiện tượng Đô la hóa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

11:19 | 20/12/2021 Print
Những năm qua, mặc dù lạm phát đã được kiểm soát và có xu hướng ổn định ở mức thấp, nhưng Đô la hóa vẫn còn là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Trong một môi trường kinh tế còn tình trạng Đô la hóa, thì việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng gặp nhiều khó khăn. Bài viết phân tích thực trạng Đô la hóa ở Việt Nam, tác động của nó đến việc điều hành chính sách, từ đó đề xuất một số giải pháp phù hợp.

HIỆN TƯỢNG ĐÔ LA HÓA

Theo Chính phủ (2007), khi ngoại tệ được sử dụng rộng rãi trong một quốc gia để thay thế một hay nhiều chức năng của nội tệ thì nền kinh tế đó gọi là bị Đô la hóa. Mức độ Đô la hóa thể hiện qua mức độ sử dụng ngoại tệ để thay thế các chức năng của nội tệ, bao gồm:

- Đô la hóa thay thế tài sản: đánh giá về phương diện này, người ta thường sử dụng tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi tỷ lệ này trên 30% là bị Đô la hóa trầm trọng.

- Đô la hóa phương tiện thanh toán: là mức độ sử dụng ngoại tệ trong thanh toán. Tuy nhiên, các thanh toán bất hợp pháp bằng ngoại tệ rất khó đánh giá và đây là hiện tượng khá phổ biến đối với những nền kinh tế tiền mặt như Việt Nam.

Hiện tượng Đô la hóa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Đô la hóa vẫn là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam

- Đô la hóa định giá, niêm yết giá: đó là việc niêm yết, quảng cáo và định giá bằng ngoại tệ. Đô la hóa về phương diện này thường là bất hợp pháp nên cũng khó xác định, nhưng đây lại là vấn đề cơ bản của hiện tượng Đô la hóa.

Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng Đô la hóa là sự yếu kém của nền kinh tế, lạm phát cao dẫn đến sự mất giá liên tục làm giảm niềm tin vào đồng nội tệ. Bên cạnh đó là lợi ích kinh tế thấp và sự bất tiện khi sử dụng đồng nội tệ (về mệnh giá, về hệ thống thanh toán, về khả năng chuyển đổi ra ngoại tệ...). Một nguyên nhân khác xuất phát từ các chính sách tạo điều kiện cho Đô la hóa gia tăng (như: huy động, cho vay, thu thuế, thanh toán... bằng ngoại tệ).

Hiện tượng Đô la hóa có tác động tích cực và tiêu cực đan xen. Xét về khía cạnh tích cực, Đô la hóa thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo chiều sâu và thúc đẩy chu chuyển hàng hóa quốc tế: khi được định giá bằng ngoại tệ, hàng hóa và dịch vụ trong nước phải đạt tới chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt đối với những nền kinh tế mở. Do không còn rủi ro tỷ giá, các nhà sản suất trong nước có thể xác định được chính xác hiệu quả kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa và hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới. Mặt khác, Đô la hóa còn làm giảm chi phí sử dụng vốn: ngoại tệ mạnh và ổn định thường có lãi suất thấp hơn nhiều so với đồng nội tệ yếu. Trong điều kiện tỷ giá tương đối ổn định, việc sử dụng vốn ngoại tệ có thể đem lại hiệu quả tài chính cao. Đô la hóa còn là phương tiện hữu hiệu để bảo hộ người dân khi có lạm phát.

Về mặt tiêu cực, nếu lạm dụng, để kéo dài với mức độ cao, thì Đô la hóa sẽ gây tác hại ở thời kỳ sau, đặc biệt khi đồng nội tệ đã phục hồi và nền kinh tế đang phát triển. Cụ thể, Đô la hóa làm mất chủ quyền về tiền tệ, làm giảm vị thế độc tôn của đồng bản tệ, làm cho thị trường ngoại hối kém phát triển do các quan hệ vay - trả bằng ngoại tệ lấn át các quan hệ mua - bán ngoại tệ. Khi đó, các ngân hàng thương mại khó mua được ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán và ngân hàng trung ương cũng khó tăng được dự trữ ngoại hối. Qua các ảnh hưởng trên, Đô la hóa còn làm giảm khả năng chuyển đổi của đồng tiền, tạo điều kiện cho buôn lậu phát triển, phá hoại sản xuất trong nước. Nhà nước không những thất thu về thuế mà còn mất cả nguồn thu từ việc phát hành đồng nội tệ. Về dài hạn, Đô la hóa có những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt trong giai đoạn mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế do nó làm giảm chất lượng hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, giảm hiệu quả của chính sách tỷ giá, tạo ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng vì ngân hàng trung ương không thực hiện được vai trò “Người cho vay cuối cùng” của mình.

THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM

Hiện tượng nền kinh tế Việt Nam sử dụng rộng rãi đồng Đô la trong giao dịch, buôn bán... bắt đầu được chú ý đến từ năm 1988 khi các ngân hàng được phép nhận tiền gửi bằng đồng Đô la. Năm 1991, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2) lên đến 41,2%, việc thanh toán bằng ngoại tệ hợp pháp và bất hợp pháp tương đối nhiều, việc định giá bằng ngoại tệ và vàng (kể cả đối với các giao dịch nhỏ) trong dân cư khá phổ biến. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của lạm phát phi mã giai đoạn trước (đến năm 1991 lạm phát vẫn còn tới 67,5%). Hơn nữa, người dân ưa thích sử dụng ngoại tệ còn do lợi ích thực tế của việc sử dụng trong cất trữ, vận chuyển, thanh toán vì mệnh giá VND quá nhỏ, hệ thống thanh toán lại kém phát triển. Đến giai đoạn 1993-1996, khi lạm phát chỉ ở mức trên dưới 10%, tỷ giá biến động ít, việc nắm giữ VND đã tỏ ra có lợi hơn, nên mức độ Đô la hóa giảm mạnh, tỷ lệ FCD/M2 năm 1997 còn 22,9%. Đồng thời, Chính phủ cũng bắt đầu hạn chế việc thanh toán bằng ngoại tệ, xóa bỏ các điểm bán hàng thu ngoại tệ, tăng cường các bàn đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, thị trường ngoại tệ tự do, yết giá và thanh toán ngoại tệ trong dân cư vẫn chưa kiểm soát được do thói quen và các hoạt động kinh tế ngầm, cũng như sự bất tiện khi sử dụng VND chưa được giải quyết cơ bản (Thủ tướng Chính phủ, 2007). Tiếp đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã khiến cho đồng tiền Việt Nam giảm giá trị và Việt Nam lại tiếp tục chịu sức ép của tình trạng Đô la hóa.

Cho tới giai đoạn 2011-2019, tỷ lệ đồng Đô la được gửi vào các ngân hàng có xu hướng giảm đáng kể từ 19,5% trong năm 2011 xuống còn 8,09% vào năm 2019 (Hình 1). Đây là xu hướng tích cực, cho thấy tình trạng Đô la hóa tài sản nợ trong hệ thống ngân hàng thương mại đang được kiềm chế một cách có hiệu quả. Người dân đã có niềm tin vào đồng tiền nội địa nhiều hơn.

Hiện tượng Đô la hóa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Nếu căn cứ vào số liệu ở Hình 1, theo phân loại của IMF, Việt Nam thuộc diện có hiện tượng Đô la hóa không chính thức tương tự như: Nga, một số nước Đông Âu khác và hầu hết các nước thuộc Mỹ Latinh. Tuy vậy, ở Việt Nam, bên cạnh Đô la hóa thay thế tài sản còn có Đô la hóa phương tiện thanh toán và Đô la hóa niêm yết, chưa kể đến một số lượng ngoại tệ dưới hình thức cất trữ trong dân chúng chưa đưa vào lưu thông. Do đó, theo nhận định của các chuyên gia, tình hình Đô la hóa ở Việt Nam khá trầm trọng.

Hiện nay, các kênh ngoại tệ được chuyển vào Việt Nam gồm có:

Thứ nhất, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP. Trong giai đoạn 2011-2019, hàng năm, tỷ lệ kiều hối chuyển về so với GDP chiếm 6,3%-6,8% GDP, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1%-2% GDP). Quy mô kiều hối cũng liên tục gia tăng qua các năm. Năm 2011, Việt Nam nhận dòng kiều hối với giá trị 8,6 tỷ USD, con số này tăng lên 16 tỷ USD năm 2018 (tương đương với lượng FDI và gấp 9,7 lần khối lượng ODA cùng năm) và đạt 17 tỷ USD năm 2019 (Hình 2).

Hiện tượng Đô la hóa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Các khoản kiều hối sau khi đi qua hệ thống ngân hàng nếu không được khuyến khích chuyển thành nội tệ sẽ phát tán trong dân cư dưới hình thức ngoại tệ và làm tăng khả năng Đô la hóa nền kinh tế.

Thứ hai, số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng (Hình 3) trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Khách du lịch mang theo ngoại tệ và chi tiêu bằng ngoại tệ tiền mặt rất lớn tại các cơ sở kinh doanh tư nhân. Khách du lịch cũng có hoạt động đổi tiền tại các quầy đổi tiền, nhưng thông thường, chi tiêu đến đâu họ đổi tiền đến đó và khi việc đổi tiền không mấy thuận lợi do địa bàn, đường sá, họ thỏa thuận với người bán để thanh toán bằng Đô la.

Hiện tượng Đô la hóa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Thứ ba, tiền lương và thu nhập của người Việt Nam làm việc trong các dự án liên doanh, dự án 100% vốn nước ngoài, dự án quốc tế, cơ quan nước ngoài ở Việt Nam… được trả bằng ngoại tệ.

Thứ tư, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống, làm ăn, học tập... ngày càng tăng, chi tiêu ngoại tệ tiền mặt rất lớn, nhất là tiền thuê nhà của các hộ gia đình người Việt Nam và chi trả các dịch vụ khác.

Thứ năm, tiền viện trợ không hoàn lại, tiền của các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức từ thiện quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài... Bên cạnh đó là nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, chính phủ các nước.

Thứ sáu, ngoại tệ từ các hoạt động buôn lậu và một số nguồn ngoại tệ qua các hoạt động kinh tế ngầm khác. Đây là kênh ngoại tệ mà Nhà nước không thể kiểm soát được, có thể gây lũng đoạn nền kinh tế, đó là chưa kể tới nền kinh tế nước ta là nền kinh tế tiền mặt, các tổ chức phi pháp nước ngoài có thể bơm Đô la vào nền kinh tế Việt Nam cho các hoạt động rửa tiền.

Thứ bảy, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá cũng thu hút một lượng ngoại tệ lớn vào nền kinh tế. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối tháng 12/2020, cả nước có 33.070 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% vốn đăng ký còn hiệu lực. Đặc biệt, bất chấp bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt con số 28,53 tỷ USD.

Ngoài ra, Việt Nam còn thu được một lượng ngoại tệ lớn từ hoạt động xuất khẩu.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề Đô la hóa là rất rõ ràng: xóa bỏ Đô la hóa trong nền kinh tế nước ta phải được thực hiện từng bước, từng khâu thích ứng với từng giai đoạn đổi mới, phát triển của đất nước, phải bằng nhiều giải pháp vừa kinh tế, vừa hành chính kết hợp với giáo dục pháp luật, điều chỉnh tâm lý xã hội trong lộ trình thực thi nhiều cơ chế kinh tế nghiệp vụ ngân hàng cụ thể nối tiếp nhau, để nâng vị thế của đồng tiền Việt Nam trong các chức năng, thuộc tính của tiền tệ. Việc xóa bỏ Đô la hóa không có nghĩa là xóa bỏ toàn bộ, phủ định tất cả các vấn đề, mà chúng ta cần hiểu theo hướng cố gắng khai thác mặt lợi, thu hút vốn Đô la trong dân vào hệ thống ngân hàng, từ đó đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh doanh tiền tệ vốn đang hội nhập với thị trường tiền tệ quốc tế.

Như đã phân tích, các kênh ngoại tệ được chuyển vào Việt Nam rất đa dạng. Do vậy, để phát huy mặc tích cực và khắc phục tác động tiêu cực của tình trạng Đô la hóa, cần chú ý thực hiện các giải pháp sau:

Một là, thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị VND

Tiếp tục cơ cấu ổn định mệnh giá VND. Tăng cường, nâng cao chất lượng dịch vụ, các tiện ích ngân hàng, đặc biệt là hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng thẻ, kể cả thẻ tín dụng quốc tế.

Bên cạnh đó, sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để tác động đến điều kiện thị trường nhằm làm cho VND hấp dẫn hơn Đô la, chính sách lãi suất phải nhằm mục đích tạo ra và duy trì được một chênh lệch lãi suất dương giữa tiền gửi VND và USD, qua đó hạn chế xu hướng chuyển đổi từ VND sang Đô la. Để người dân có niềm tin vào VND, ở tầm vĩ mô, cần ổn định và phát triển kinh tế bền vững, duy trì tỷ lệ lạm phát thấp. Bên cạnh đó, thu hẹp đối tượng được phép vay ngoại tệ so với hiện nay, trừ trường hợp cho vay để nhập khẩu máy móc, công nghệ, nguyên liệu, bán thành phẩm... phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, việc cho vay ngoại tệ với những dự án thực chất chỉ cần VND không chỉ làm tăng mức độ Đô la hóa, mà còn gây rủi ro cho tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết quảng cáo bán hàng bằng ngoại tệ và dần dần tiến tới cấm việc bán hàng và dịch vụ trong nước niêm yết giá và thu bằng ngoại tệ đối với tất cả mọi đối tượng trong nền kinh tế. Điều này muốn thực hiện được đòi hỏi phải có sự phối hợp của tất cả các bộ, ban, ngành.

Về lâu dài, cần nâng cao tỷ lệ dự trữ đối với tài khoản tiền gửi bằng Đô la, cũng như làm giảm hiện tượng Đô la hóa dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng. Ở Việt Nam chưa hoàn toàn tự do hóa tài chính, do đó Việt Nam cần tận dụng thời gian này để giảm Đô la hóa xã hội, phát triển kinh tế và thiết lập dự trữ ngoại hối đủ mạnh. Với nguồn vốn ngoại tệ huy động được, các tổ chức tài chính ngân hàng tiến hành cho vay đầu tư có hiệu quả cho các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, cũng như của các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh xuất khẩu hiệu quả, điều này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và tạo số đông việc làm cho người lao động.

Hai là, thực hiện các biện pháp chống Đô la hóa mang tính thị trường

Chính phủ cần tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt; phát triển các thị trường tài chính trong nước nhằm đa dạng hóa các danh mục đầu tư, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tăng cường các quy định và các biện pháp giám sát thận trọng, như: dự trữ bắt buộc bằng đồng ngoại tệ phải cao hơn đồng nội tệ đáng kể để các ngân hàng thương mại có sự cân nhắc trong hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ; chỉ cho vay ngoại tệ ở một số hạng mục nhất định, tiến tới chấm dứt hoạt động cho vay và huy động ngoại tệ - đây là một biện pháp mang tính dài hạn với một lộ trình thích hợp và nhất quán. Đồng thời, cần giảm tỷ lệ cho vay trên tài sản đối với các khoản vay bằng ngoại tệ; giảm quy định về trạng thái ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại nhằm làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Ba là, tạo môi trường đầu tư trong nước có khả năng hấp thụ được số vốn ngoại tệ hiện có trong dân

Cần thúc đẩy phát triển môi trường kinh tế vĩ mô, tạo môi trường cạnh tranh thực sự giữa các thành phần kinh tế trong cả sản xuất, thương mại, dịch vụ và kể cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế vào các lĩnh vực: dầu khí, cầu đường, điện lực, thủy điện, bưu chính viễn thông, cơ sở hạ tầng công cộng…

Phát triển các công cụ tài chính phái sinh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường ngoại tệ một cách công khai, dễ dàng nhằm dịch vụ hóa cao độ các nghiệp vụ hối đoái, bình thường hóa vai trò ảnh hưởng của ngoại tệ. Hiện nay, việc kinh doanh phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn chỉ thực hiện đối với các doanh nghiệp, còn đối với người dân việc kinh doanh ngoại tệ yêu cầu số tiền kinh doanh khá lớn (100.000 USD), do đó chưa thực sự tạo nên kênh đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư. Việc phát triển các công cụ tài chính phái sinh giúp tạo thêm kênh đầu tư cho người dân và các doanh nghiệp, họ vừa kinh doanh kiếm lợi nhuận, vừa có thể phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Bốn là, các biện pháp mang tính hành chính

Việc ban hành các biện pháp hành chính cần đi đôi với các biện pháp thị trường nhằm tránh những “cú sốc” đối với thị trường. Các biện pháp hành chính có thể đem lại hiệu quả, bao gồm:

- Tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm soát mọi hành vi vi phạm việc sử dụng đồng ngoại tệ trong thanh toán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam; hạn chế đến mức tối đa việc lưu thông và sử dụng đồng Đô la, niêm yết giá bằng Đô la trên thị trường Việt Nam. Nhất quán chủ trương quản lý lưu hành ngoại tệ theo phương châm: "Trên đất nước Việt Nam chỉ chi trả bằng VND".

- Ngăn chặn và giảm dần các hoạt động kinh tế ngầm, kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu, tình trạng bán hàng thu ngoại tệ trong nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2007). Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg, ngày 04/7/2007 phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng Đô la hóa trong nền kinh tế

2. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012-2020). Báo cáo thường niên các năm từ 2011 đến 2019

4. Tổng cục thống kê (2012-2020). Niên giám thống kê các năm từ 2011 đến 2019, Nxb Thống kê

5. Nguyễn Đức Độ (2011). Vàng hóa, Đô la hóa và hiệu quả của các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Tạp chí Tài chính, số 2

6. Nguyễn Thị Hồng (2011). Đô la hóa và điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 5

7. ADB (2010). Dealing with multiple currencies in transitional economies, the scope for regional cooperation in Cambodia, The Lao People's Democratic Republic, and Viet Nam

8. World Bank (2020). Personal remittances, received (current US$) – Vietnam, retrieved from https://data.worldbank.org/indicator/BX.TRF.PWKR.CD.DT?locations=VN.

ThS. Trần Hoàng Minh - Học viện Chính sách và Phát triển

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư