Nâng cao hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh Covid-19

09:00 | 19/12/2021 Print
Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước, thì GDP tăng thêm 0,058%. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát, dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, việc phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư công trong thời gian tới là rất cần thiết.

ĐẦU TƯ CÔNG - ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CHO TĂNG TRƯỞNG

Khái niệm

Đầu tư công là đầu tư của Nhà nước, là hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn do nhà nước quản lý. Đầu tư công đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở các quốc gia. Đầu tư công được đầu tư tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội.

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước (NSNN); vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Vai trò của đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng xuất lao động; áp dụng kỹ thuật số; đô thị hóa; thì đầu tư công và phát huy hiệu quả của vốn đầu tư là động lực rất quan trọng trong bối cảnh khó khăn, nhiều bất trắc của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước. Hạ tầng kinh tế nước ta chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm.

Mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ vừa qua có chuyển biến tích cực, nhưng đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác. Giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%. Vì vậy, tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2021-2025. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước, thì GDP tăng thêm 0,058% [7].

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2020

Những kết quả đạt được

Theo tổng hợp báo cáo của 113/125 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (gọi tắt là Hệ thống thông tin), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2020 có 70.679 dự án thực hiện đầu tư; có 18.388 dự án có kế hoạch lập hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ; số dự án được thẩm định trong kỳ 19.601 dự án; số dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương trong kỳ là 23.578 dự án (29 dự án nhóm A, 996 dự án nhóm B và 22.553 dự án nhóm C). Năm 2020 có 26.732 dự án được các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (27 dự án nhóm A, 786 dự án nhóm B, 25.919 dự án nhóm C); trong số các dự án được quyết định đầu tư có 4.510 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, 66 dự án sử dụng vốn ODA, 13.160 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, 293 dự án sử dụng vốn đầu tư công khác, 8.703 dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh Covid-19
Đầu tư công đóng vai trò không chỉ là “vốn mồi", mà còn là nguồn vốn quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đầu tư công đóng vai trò không chỉ là “vốn mồi", mà còn là nguồn vốn quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 là năm kết thúc Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm 2016-2020, cũng là Kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tiên được lập theo Luật Đầu tư công năm 2014, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, đầu tư công đã có sự khác biệt rất lớn so với các năm trước, đó là từ nguồn vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 10 triệu tỷ đồng, bằng 33,5% GDP, trong đó vốn đầu tư công là 1 triệu tỷ đồng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ 10%, nhưng vốn đầu tư công được coi là nguồn vốn “mồi” quan trọng, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư xã hội vào phát triển kinh tế đất nước [5].

Riêng với năm 2020, có thể khẳng định đầu tư công là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Ví dụ như GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP. “Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công có một vai trò quan trọng trong tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết [6].

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra, lần đầu tiên sau nhiều năm (năm 2019), chúng ta đã giao một lần toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển. “Những cải cách này đã thực sự khắc phục tình trạng nhiều năm qua, đó là đầu tư công dàn trải, phân tán; chậm trễ trong bố trí và điều chuyển vốn; giảm thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng nhưng gắn liền trách nhiệm rõ ràng và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua thực hiện tốt việc hậu kiểm và ứng dụng công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết [6].

Trong năm 2020, nhiều dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn, được tập trung giải ngân và thực hiện không chỉ làm tăng tổng cầu xã hội, mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Một trong số những dự án lớn có tốc độ giải ngân nhanh là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9,96 nghìn tỷ đồng/10,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác công – tư (PPP), đã được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công hoặc tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư công. Thúc đẩy đầu tư công không chỉ đóng vai trò kích cầu trong ngắn hạn, mà còn giúp cải thiện nhịp độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia; thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời “hậu đại dịch Covid-19”.

Một số hạn chế, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả tích cực trong đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, hiện vẫn còn vướng mắc một số vấn đề, như:

Một là, đầu tư từ nguồn NSNN còn dàn trải, dẫn đến tình trạng kéo dài, chậm tiến độ, làm gia tăng chi phí đầu tư, hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng thấp. Theo thống kê, năm 2020 có 31.799 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng (trong đó, có 32 dự án nhóm A; 783 dự án nhóm B; 30.984 dự án nhóm C). Trong số các dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có 227 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả [3].

Đặc biệt, còn có 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (trong đó số dự án nhóm A là 45 dự án, nhóm B là 529 dự án, nhóm C là 1.293 dự án). Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác giải phóng mặt bằng 1.074 dự án; do thủ tục đầu tư 407 dự án; do bố trí vốn không kịp thời 219 dự án; do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu 157 dự án và do các nguyên nhân khác 591 dự án [3].

Hai là, đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn. Riêng nguồn vốn ODA, việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành, nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài; nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn; vẫn còn tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài; việc chuyển nguồn, hạch toán ghi thu - ghi chi, tạm ứng còn chậm, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, phê duyệt đơn rút vốn... [3].

Ba là, kỷ luật đầu tư công chưa nghiêm, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn chưa bám sát nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định số 2185/QĐ-TTg, ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến phải điều chỉnh lại phương án phân bổ; dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả... Cụ thể, trong năm 2020, có 3.342 dự án thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, chiếm 4,7% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là: điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư 1.284 dự án; điều chỉnh tiến độ đầu tư 1.556 dự án; điều chỉnh vốn đầu tư 1.292 dự án; điều chỉnh do các nguyên nhân khác 1.390 dự án [3].

Qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 51 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 17 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 923 dự án có thất thoát, lãng phí; trong đó các địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang có 864 dự án, Hà Tĩnh có 34 dự án, Thanh Hóa có 19 dự án... Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán [3].

Bốn là, vẫn còn tình trạng nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan trên Hệ thống thông tin, trong năm 2020, các cơ quan đã ưu tiên bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công. Tổng số vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm là 10.003 tỷ đồng. Số nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lại là 9.923 tỷ đồng. Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn gồm: Ninh Bình (5.596 tỷ đồng), Lạng Sơn (1.582,1 tỷ đồng), Phú Thọ (755 tỷ đồng), Quảng Ninh (715 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải (1.214 tỷ đồng)… [3].

ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CÔNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp, dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước; các khu vực kinh tế đều gặp khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhiều loại hình dịch vụ bị ngưng trệ và giảm sút, thì vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công rất quan trọng.

Để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; xóa bỏ cơ chế chạy dự án. Từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết. Tập trung vốn đầu tư, làm dự án nào dứt điểm dự án đó, sớm đưa dự án vào sử dụng. Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc rất nhiều dự án nhưng dự án nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được hiệu quả của vốn đầu tư.

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 đó là kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngày 23/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với quan điểm chỉ đạo: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa”.

Chính phủ đặt mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.000 dự án. Với tinh thần kiên quyết đổi mới, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư qua chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên dự kiến tổng vốn NSNN đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với giai đoạn trước sẽ là động lực và cú hích đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế từng năm và cả giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, b nhất là các dự án khởi công mới nhằm thực hiện thành công quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa. Điều này thể hiện quan điểm kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Việc cắt giảm số lượng dự án đầu tư công trung hạn là rất cần thiết nhằm xóa bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quyết định danh mục và thực hiện dự án đầu tư công từ nguồn NSNN.

Bên cạnh các giải pháp đề cập ở trên, theo tác giả, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế về đầu tư công. Thực tế, quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa qua cho thấy, một số quy định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phân cấp còn chưa triệt để. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến đầu tư công còn một số bất cập, như: kế hoạch cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mất thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền. Do đó, trong thời gian tới, cần sửa đổi và hoàn thiện những quy định còn chưa phù hợp. Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án.

Thứ hai, tăng cường kỷ luật đầu tư công. Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay; xác định rõ trách nhiệm, gắn trách nhiệm, đồng thời cũng phát huy tính chủ động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất, phê duyệt, triển khai thực hiện dự án đầu tư công; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện dự án đầu tư công.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cần theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, các cơ quan thực hiện các dự án đầu tư công cũng nhận thức được rằng, những nỗ lực quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công không thể chủ quan duy ý chí; thay vào đó, hiệu quả đầu tư phải được đặt lên hàng đầu và tiến độ giải ngân chỉ là một phần đóng góp vào hiệu quả ấy. Bài học về sự chậm trễ nhiều năm và đội vốn đầu tư của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vẫn còn nguyên giá trị. Trong chừng mực ấy, hiệu quả đầu tư công nói chung và giải ngân đầu tư công nói riêng khó được phát huy tối đa nếu không khai thông được trách nhiệm của các cơ quan tham gia các quy trình đầu tư công.

Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy các dự án liên kết vùng có thể giúp cải thiện chất lượng đầu tư công. Một mặt, các dự án này có thể tạo lan tỏa tích cực đối với các địa phương trong vùng. Mặt khác, các dự án này có thể giúp giảm thiểu sự trùng lắp, lãng phí khi các địa phương thực hiện các dự án đầu tư công tương tự nhau hoặc thiếu tính kết nối. Một yêu cầu đặt ra là phải cải thiện thể chế liên kết vùng trong thời gian tới, để vừa tăng cường vai trò tích cực hơn của các cơ quan trung ương, đồng thời phát huy tiếng nói của các địa phương trong vùng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2019). Luật Đầu tư công, số 39/2019/QH14, ngày 13/6/2019

2. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Báo cáo tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020

4. Bộ Tài chính (2021). Báo cáo số 1023/BC-ĐT về tình hình thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 lũy kế 12 tháng và tình hình triển khai, thanh toán tháng 01 kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021

5. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý IV/2020 và năm 2020, số 245/BC-TCTK, ngày 27/12/2020

6. Thúy Hiền (2021). Đầu tư công trọng điểm: “Quả đấm thép” cho tăng trưởng kinh tế, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/dau-tu-cong-trong-diem-qua-dam-thep-cho-tang-truong-kinh-te/690344.vnp

7. Nguyễn Bích Lâm (2021). Cần làm gì để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả?, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=433456

ThS. Trần Thị Ninh - Học viện Chính sách và Phát triển

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20, tháng 7/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư