NAPAS vinh danh Techcombank, Vietcombank, MBBank, Vietinbank

16:26 | 21/12/2021 Print
Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) vừa vinh danh các ngân hàng thành viên tiêu biểu gồm Techcombank, Vietcombank, MBBank, Vietinbank, do có nhiều đóng góp cho hoạt động của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
NAPAS vinh danh Techcombank, Vietcombank, MBBank, Vietinbank
Đại diện Ngân hàng MB nhận vinh danh tại sự kiện

Trong khuôn khổ sự kiện, NAPAS chia sẻ với các ngân hàng thành viên kế hoạch và các dự án chiến lược sẽ được triển khai trong năm 2022 tầm nhìn đến 2025 và vinh danh những đóng góp của ngân hàng thành viên với các danh hiệu: Ngân hàng xuất sắc nhất thuộc về Techcombank; Ngân hàng tiêu biểu thuộc về Vietcombank, MB và VietinBank. Bên cạnh đó, NAPAS còn ghi nhận sự đóp góp của các ngân hàng trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Đây là các ngân hàng đạt mức tăng trưởng cao về tổng số lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch tất cả các dịch vụ xử lý qua hệ thống chuyển mạch NAPAS cũng như có đóng góp lớn cho hệ thống và mạng lưới NAPAS.

Danh sách các ngân hàng được vinh danh năm 2021

Ngân hàng xuất sắc năm 2021/Bank of the year 2021: Techcombank

Ngân hàng tiêu biểu năm 2021/ Outstanding Performance Bank 2021: Vietcombank, MB và VietinBank

Ngân hàng tiêu biểu về số lượng giao dịch của các dịch vụ/Outstanding Bank in Service Transaction: Vietcombank, Techcombank, MB, CIMB, ABB, ACB và VPBank.

Ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả đầu tư và phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ/Bank with The Best Acceptance Network: Agribank, ACB, BIDV, SeABank.

Ngân hàng có tập khách hàng năng động nhất/Outstanding Bank in Customer's Card Usage: Woori, VCCB.

Ngân hàng dẫn đầu về chuyển dịch cơ cấu thanh toán/Outstanding Bank in Payment Transition: Techcombank, SeABank, SHBVN, Agribank.

Ngân hàng nổi bật trong các dịch vụ tiềm năng/Outstanding Bank in Potential Services: VietinBank, MB, VietinBank, Agribank, MB.

Ngân hàng năng động nhất trong việc hợp tác triển khai các dự án với NAPAS/Dynamic Bank: BIDV, Sacombank, TPB, PGB.

Trong năm 2021, dù trải qua một năm nhiều biến động với những ảnh hưởng to lớn do đại dịch COVID-19 bùng phát với các biến thể mới ở nhiều quốc gia và tác động đến nền kinh tế toàn cầu nhưng lại là cú hích tạo nên sự bùng nổ của thương mại điện tử và các phương thức thanh toán mới.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giãn cách xã hội, song song với công tác phòng chống dịch, NAPAS vẫn bảo đảm duy trì vận hành hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử liên tục, ổn định, an toàn, góp phần đem lại hiệu quả của hoạt động thanh toán bán lẻ cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân và hoạt động kinh tế.

Tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng tương ứng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.

Số lượng khách hàng phục vụ trong năm 2021 tăng trưởng hơn 80% so với năm 2020. Tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021, phản ánh sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2021 ghi nhận nhiều dự án, sản phẩm mới đã được các tổ chức thành viên và NAPAS phối hợp cung cấp ra thị trường. Cụ thể là, cung cấp ra thị trường sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, sản phẩm thẻ chip đa ứng dụng tích hợp thanh toán trong giao thông, mở rộng kết nối hạ tầng thanh toán trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Quốc gia với 63 bộ, ngành, địa phương và 40 ngân hàng: Mở rộng thành viên kết nối với hệ thống bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH); chính thức kết nối chuyển mạch các giao dịch nội địa của thẻ quốc tế.

Cùng với đó, Việt Nam chính thức có thương hiệu VietQR ứng dụng chuẩn chung trong thanh toán QR code - là nền tảng để kết nối liên thông thanh toán giữa các ngân hàng và mở rộng kết nối thanh toán xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, tiếp nối các chương trình giảm phí trong năm 2020 và các năm trước, trong năm 2021, NAPAS đã thực hiện các đợt miễn, giảm phí lên đến hơn 1.200 tỷ đồng; triển khai chương trình hỗ trợ các ngân hàng chuyển đổi thẻ chip. Tổng số thẻ và thiết bị ATM, POS chuyển đổi trong năm 2021 của các tổ chức thành viên NAPAS đạt tỉ lệ tương ứng là 32%, 89% và 96%.

Trong năm 2021, NAPAS đã phối hợp các ngân hàng, đối tác triển khai 20 chương trình marketing, ưu đãi cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông triển khai các chương trình góp phần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi tiêu dùng, qua đó thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước nhiều biến động của kinh tế trong nước và quốc tế, NAPAS đã cùng các ngân hàng thành viên đồng hành, sát cánh vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn do dịch bệnh gây ra trong năm 2021, không ngừng mở rộng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới ứng dụng công nghệ hiện đại, đem lại sự tiện lợi, an toàn và trải nghiệm cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện, hướng đến mục tiêu chung “Vì một xã hội không tiền mặt”.

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư