Khu vực kinh tế tư nhân: Thực trạng và giải pháp

16:59 | 21/12/2021 Print
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với sự đổi mới chính sách kinh tế, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế hình thành, trong đó có những tập đoàn lớn vươn tầm khu vực. Tuy nhiên, khu vực KTTN nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bài viết phân tích thực trạng phát triển của khu vực KTTN trong thời gian qua, từ đó đề ra một số giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế này trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Về số lượng doanh nghiệp (DN)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2018, số lượng các cơ sở kinh doanh trong khu vực KTTN (gồm các DN của tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể) là khoảng 700 nghìn DN. Trong giai đoạn 2011-2018, trung bình mỗi năm số cơ sở kinh doanh tăng 3,4%. Xét riêng khu vực DN, tỷ trọng số lượng DN ngoài nhà nước (tư nhân) chiếm khoảng 96%-97% trong tổng số DN ở giai đoạn 2010-2018 và tỷ trọng này vẫn được duy trì năm 2019 chiếm khoảng 96,88%. Trong khi đó, số lượng hộ kinh doanh cá thể tăng từ hơn 4,12 triệu năm 2010 lên trên 5,14 triệu năm 2019, trung bình tăng 3,25%/năm trong cả giai đoạn.

Bảng 1: Cơ cấu DN trong nền kinh tế giai đoạn 2010-2019

Đơn vị tính: %

2010

2015

2016

2017

2018

2019

DN nhà nước

1,18

0,64

0,53

0,44

0,37

0,31

DN ngoài nhà nước

96,23

96,66

96,70

96,67

96,86

96,88

DN có vốn ĐTNN

2,59

2,70

2,77

2,89

2,77

2,81

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về lao động

Xét riêng khu vực DN, so sánh với 2 loại hình DN khác (Bảng 2), thì lao động trong DN ngoài nhà nước có sự gia tăng về số lượng, năm sau cao hơn năm trước và loại hình DN này luôn luôn giữ vai trò đầu tàu về tạo việc làm và sử dụng nhiều lao động trong cộng đồng DN ở nước ta. Điểm khác biệt đáng chú ý là lao động trong DN nhà nước đang trong xu hướng giảm, trong khi lao động trong 2 loại hình DN còn lại có xu hướng tăng.

Bảng 2: Lao động trong các loại hình DN

Đơn vị tính: Nghìn người

2010

2015

2016

2017

2018

2019

DN nhà nước

1.602,7

1.371,6

1.285,9

1.201,1

1.126,7

1.107,6

DN ngoài nhà nước

5.983

7.712,5

8.572,4

8.807,2

8.977,2

9.075,3

DN có vốn ĐTNN

2.156,1

3.772,7

4.154,0

4.510,0

4.714,0

4.968,7

Tổng

9.741,8

12.856,8

14.012,3

14.518,3

14.817,9

15.151,6

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Số liệu Bảng 2 cũng cho thấy, lao động trong cộng đồng DN ở nước ta ngày một đông hơn, trong đó, lao động trong DN ngoài nhà nước năm 2019 chiếm gần 60% tổng số lao động trong cộng đồng DN cùng năm.

Bảng 3: Lao động trong DN ngoài nhà nước phân theo loại hình DN

Đơn vị tính: Nghìn người

2010

2015

2016

2017

2018

2019

DN tư nhân

631,0

470,2

472,5

393,5

323,4

301,8

Công ty hợp danh

1,0

4,5

6,2

5,3

5,3

6,8

Công ty TNHH

3.086,9

4.103,7

4.608,9

4.840,8

4.943,9

4.992,1

Công ty cổ phần(1)

2.264,1

3.134,1

3.484,9

3.567,6

3.704,6

3.774,6

Tổng

5.983

7.712,5

8.572,5

8.807,2

8.977,2

9.075,3

(1) Công ty cổ phần bao gồm không có vốn nhà nước và có tỷ lệ vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về lao động trong nội bộ DN ngoài nhà nước (Bảng 3) cho thấy, lao động tại công ty TNHH có số lượng lao động đông nhất (4.992,1 nghìn lao động năm 2019), giữ vị trí thứ hai là công ty cổ phần (3.774,6 nghìn lao động). Điểm đáng quan ngại về lao động trong DN ngoài nhà nước là lao động trong DN tư nhân có xu hướng giảm mạnh, từ 631 nghìn lao động năm 2010 đã giảm xuống còn 301,8 nghìn lao động trong năm 2019.

Như vậy, xét về cơ cấu lao động trong DN ngoài nhà nước năm 2019 chia theo loại hình DN, thì lao động trong công ty TNHH chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 55% và lao động trong công ty cổ phần đứng ở vị trí thứ hai, chiếm gần 42% tổng số lao động trong DN ngoài nhà nước. Điều này cho thấy, hai loại hình DN này không chỉ đang phát triển phổ biến ở nước ta, mà quan trọng hơn là đang thu hút thêm nhiều lao động.

Về năng suất lao động (NSLĐ), thu nhập của người lao động

Thống kê cho thấy, trong 3 khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực có vốn ĐTNN luôn dẫn đầu về mức NSLĐ, tiếp đến là khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm: khu vực KTTN và khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế cá thể) có mức NSLĐ thấp nhất. Cụ thể, năm 2018, NSLĐ của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đạt 225,12 triệu đồng/lao động, gấp khoảng 1,3 lần khu vực nhà nước và gấp 6,9 lần khu vực ngoài nhà nước [3].

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước được đánh giá có NSLĐ thấp nhất, tuy nhiên khu vực kinh tế tập thể lại có mức NSLĐ khá cao. Số lao động làm việc trong khu vực này cũng giảm mạnh từ 364.127,7 lao động năm 2010 xuống còn 81.362 lao động năm 2018. Khu vực KTTN có mức NSLĐ đạt 44,58 triệu đồng/lao động, thấp hơn khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn ĐTNN, nhưng cao hơn so với khu vực kinh tế cá thể và mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế [4].

MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Khu vực kinh tế tư nhân: Thực trạng và giải pháp
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Khu vực KTTN ở nước ta ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của KTTN đang có xu hướng giảm, chưa đáp ứng được vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện, khu vực kinh tế này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của KTTN ở nước ta hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo. Mặc dù môi trường kinh doanh ở nước ta đã được cải thiện nhiều trong những năm qua, song vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTN phát triển mạnh.

Thứ hai, các DN tư nhân còn bị đối xử chưa công bằng so với các đối tượng DN khác. Một số chính sách quy định chỉ đề cập đến DN nhà nước mà chưa đề cập đến DN tư nhân…

Thứ ba, NSLĐ của khu vực KTTN còn thấp. Mặc dù có sự tham gia của đông đảo các lực lượng lao động, nhưng thành phần tham gia trong khu vực kinh tế này chủ yếu lại là các DN nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, sử dụng nhiều lao động, nên NSLĐ không cao, năng lực sản xuất còn hạn chế, thiếu nguồn vốn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất...

Thứ tư, năng lực cạnh tranh của khu vực KTTN còn hạn chế. Do quy mô nhỏ nên rất nhiều DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, năng lực quản trị và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của khu vực KTTN.

Thứ năm, thiếu thị trường, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh là trở ngại lớn nhất đối với các DN tư nhân. Việc giải quyết những rào cản về thủ tục hành chính là bắt buộc, nhưng để DN có thể phát triển, thì vấn đề thị trường, đầu ra và hình thành nơi trao đổi buôn bán, hình thành trục liên kết... giúp các DN phát triển đột phá là rất quan trọng.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIÊN TRONG THỜI GIAN TỚI

Để KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế như khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, năng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong phát triển kinh tế đất nước. Cần có sự thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy định về các chương trình, chính sách đối với khu vực KTTN.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng hơn cho KTTN phát triển. Theo đó, Nhà nước cần tăng cường nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho KTTN phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của KTTN nhằm bảo vệ các DN làm ăn chân chính, bảo đảm cho tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế được tự do kinh doanh hợp pháp. Tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển KTTN.

Ba là, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ. Nhà nước cần tăng cường khuyến khích, hỗ trợ KTTN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển; chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Tăng cường các chính sách tài chính hỗ trợ KTTN ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích các cơ sở khoa học, các nhà quản lý, các nhà khoa học liên kết với DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các DN và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho DN.

Bốn là, tăng cường đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, đô thị, cấp thoát nước, thuỷ lợi, xử lý chất thải bảo vệ môi trường... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của tất cả DN thuộc các thành phần kinh tế. Nhà nước cần có cơ chế để thu hút tư nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng nhằm góp phần bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư cho xã hội và giảm bớt gánh nặng về vốn cho Nhà nước. Tạo mọi khả năng để các DN tư nhân dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực phát triển, như: tài chính, đất đai, công nghệ, nhân lực…

Năm là, các DN tư nhân cần chủ động xây dựng chiến lược quy hoạch hợp lý trên cơ sở hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, đẩy mạnh hoạt động marketing, thực hành các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh cùng nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khác. Để chiến lược kinh doanh mang tính khả thi cao, các DN tư nhân cần nghiên cứu kỹ mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, nghề; đồng thời, nắm bắt khả năng của mình để xây dựng chiến lược cho tương lai. Mỗi DN cần xây dựng chiến lược riêng, phù hợp với khả năng về vốn, năng lực nhân sự, mục tiêu phát triển, ngành hàng tham gia kinh doanh.../.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản (2017). Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

2. Tổng cục Thống kê (2011-2021). Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2010 đến 2020, Nxb Thống kê

3. Tô Hà (2020). Cải thiện năng suất lao động qua kinh tế số, truy cập từ https://nhandan.vn/nhan-dinh/cai-thien-nang-suat-lao-dong-qua-kinh-te-so-455525/

4. Thanh Hoa (2020). Năng suất lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước thấp nhất, truy cập từ https://vnbusiness.vn/viet-nam/nang-suat-lao-dong-khu-vuc-kinh-te-ngoai-nha-nuoc-thap-nhat-1067200.html

TS. Lại Tiến Dĩnh - Trường Đại học Sài Gòn

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư