Thẩm tra phương án dùng 1 luật sửa 9 luật để gỡ khó cho kinh doanh

09:30 | 31/12/2021 Print
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra phương án dùng 1 luật để sửa 9 luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp bất thường tới đây, Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật); chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; xem xét thông qua Nghị quyết về một số giải pháp tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Thẩm tra phương án dùng 1 luật sửa 9 luật để gỡ khó cho kinh doanh
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường sắp tới của Quốc hội, phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật; thẩm tra đề nghị của Chính phủ về đưa dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022...

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, ông Tùng cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Dự án luật này nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý…

Tờ trình của Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: có quyền sử dụng đất hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Pháp luật thống nhất cho rằng cần sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng nhà ở thương mại. Các đại biểu đề nghị, trong quá trình hướng dẫn, quy định chi tiết Luật Nhà ở và các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… cần bảo đảm sự kết nối các trình tự thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong đề xuất, triển khai và thực hiện dự án, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cần bảo đảm tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Cần bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư