Phấn đấu khởi công cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc trong tháng 10/2022

10:15 | 03/01/2022 Print
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 01/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc về Dự án xây dựng đường bộ Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.

Tại văn bản, Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng, trong bối cảnh ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nhưng đã rất chủ động, chung tay, góp sức cùng Trung ương triển khai đầu tư đường cao tốc tại địa phương, nhằm sớm hoàn thành hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc-Liên Khương với tổng chiều dài 140 km.

Phấn đấu khởi công cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc trong tháng 10/2022
Đồng chí Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì buổi làm việc về Dự án Đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương, ngày 28/12

Để sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đoạn Dầu Giây-Tân Phú và đoạn Tân Phú-Bảo Lộc, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 10/01/2022. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01/2022.

Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thẩm định chuyển mục đích sử dụng rừng của các dự án.

Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn Tân Phú-Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây-Tân Phú đồng bộ với đoạn Tân Phú-Bảo Lộc.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan hỗ trợ tối đa UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện đầy đủ, nhanh chóng các thủ tục quy định pháp luật trong quá triển khai thực hiện các Dự án nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc là một trong 3 dự án thành phần của Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú – Bảo Lộc - Liên Khương trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 61 km, với tổng vốn đầu tư 7.369 tỷ đồng; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc tổng chiều dài 66 km, với tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng, có địa hình đồi núi dốc, hiểm trở (ở dự án thành phần này, vốn ngân sách nhà nước là 6.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.460 tỷ đồng và vốn huy động khác 8.260 tỷ đồng); đoạn Bảo Lộc - Liên Khương chiều dài 74 km, với tổng mức đầu tư 11.311 tỷ đồng. Toàn bộ nền đường Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương rộng 22 m, với quy mô 4 làn xe ô tô và làn dừng xe khẩn cấp.

Từ tháng 10/2020, Tập đoàn Đèo Cả, đại diện liên doanh nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu và báo cáo phương án đầu tư theo phương thức PPP với UBND tỉnh Lâm Đồng. Tháng 1/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư và đề xuất giao UBND tỉnh Lâm đồng làm cơ quan có thẩm quyền. Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao Lâm Đồng làm cơ quan có thẩm quyền để triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư.

Ngày 15/6/2021, Hội đồng thẩm định liên ngành có báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ngày 21/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Từ tháng 7/2021 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đủ điều kiện phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư đã chủ động lập quy hoạch các mỏ vật liệu, bãi đổ thải… để kiểm soát, tiết giảm đầu tư. Cùng với đó liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư có quyền lợi, lợi ích liên quan như Hưng Thịnh, Phương Trang… để huy động vốn, không phụ thuộc vào vốn tín dụng. Các nhà đầu tư đã cam kết góp vốn với tỉnh Lâm Đồng dự án thành phần 3 (Tân Phú – Bảo Lộc).

Bên cạnh những thuận lợi, hiện tại, các địa phương và bộ, ngành liên quan đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị triển khai Dự án. Đặc biệt là bất cập trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dự án theo tuyến, đi qua nhiều tỉnh, thành phố nên quá trình lập, hoàn thiện hồ sơ khó khăn. Mặt khác, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chủ yếu được lập trên bản đồ số tỷ lệ 1/25.000 và tỷ lệ 1/10.000 nên việc lập bản đồ hiện trạng rừng theo tỷ lệ 1/2.000 (tương đương yêu cầu khảo sát bước nghiên cứu khả thi) ở bước này là chưa hợp lý. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội làm kéo dài thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… đã đồng ý tương tự cơ chế mà Chính phủ kiến nghị Quốc hội. Hiện tại, Văn phòng Chính phủ đang yêu cầu tỉnh Lâm Đồng thực hiện hồ sơ chủ trương chuyển đổi rừng. Đây là lý do đến nay chủ trương đầu tư của Dự án thành phần 3 (Tân Phú – Bảo Lộc) chưa được phê duyệt./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư