e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cần làm rõ quy mô gói hỗ trợ chính sách cho phục hồi kinh tế

10:44 | 07/01/2022 Print
Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hôm nay (ngày 7/1), Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hôm nay (ngày 7/1), Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Cần làm rõ quy mô gói hỗ trợ chính sách cho phục hồi kinh tế
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào những nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và một số nội dung trọng tâm gồm:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về 11 kiến nghị của Chính phủ (đã có phân tích cụ thể của cơ quan thẩm tra).

Thứ nhất, các nhóm giải pháp về tài khóa tiền tệ đã đảm bảo mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và có đánh giá tác động đầy đủ hay chưa?

Thứ hai, quy mô gói hỗ trợ chính sách tài khóa, mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân, quy mô; mức độ các chính sách thuế đề nghị miễn, giảm hoãn; các nội dung chi đã đảm bảo trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo khả năng hấp thụ và triển khai chủ yếu trong năm 2022 – 2023 hay không?

Thứ ba, về quy mô, mức độ gói hỗ trợ chính sách tiền tệ đã rõ ràng, đủ lớn, đã được đánh giá tác động đầy đủ hay chưa; các giải pháp đã cụ thể, có đảm bảo chỉ dẫn để thực thi, gắn kết đồng bộ với chính sách tài khóa tiền tệ hay không?

Thứ tư, phương án huy động đã bao quát hết nguồn lực, đảm bảo tiết kiệm, khả thi, đảm bảo các cân đối vĩ mô hay chưa?

Cần làm rõ quy mô gói hỗ trợ chính sách cho phục hồi kinh tế
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. Ảnh: Quốc hội
Chính phủ đề xuất sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp.

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo Nghị quyết, Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 là: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 nghìn tỷ đồng); (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến phương án huy động nguồn lực, Chính phủ đề xuất sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử; thu hồi kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.../.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư