e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

10 cổ phiếu triển vọng tháng 01/2022

09:28 | 10/01/2022 Print
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ vượt kế hoạch và đạt mức 6-8-7,2% do tác động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023, SSI chọn chủ đề “Nước lên thuyền lên” cho Báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2022. Theo đó, SSI nhận định, các cơ hội đầu tư xoay quanh câu chuyện tăng trưởng của nền kinh tế đang rất sôi động. Trong tháng 1, tổ chức này đánh giá triển vọng cho 10 mã cổ phiếu: CTG, STB, KSB, LHG, CTR, CTD, VHC, DGW, VCG, TCH.

Quý III/2022, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số

10 cổ phiếu triển vọng tháng 01/2022
Trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022

Tháng 1/2022 là mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021 trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường vẫn đang duy trì tích cực. Mặc dù ước tính cho tăng trưởng lợi nhuận quý IV của 89 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research (chiếm tỷ trọng khoảng 81% vốn hóa HOSE) hiện tại chỉ ở mức 13,6% so với cùng kỳ - là mức khá khiêm tốn so với 3 quý trước của năm 2021, nhưng SSI ghi nhận sự phân hóa và tăng trưởng đáng kể ở các nhóm sắt thép, đường, phân bón, hóa chất, thủy sản, cảng biển và logistics, chứng khoán và một số mã ngân hàng.

Trong năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 6%-6,5% và CPI bình quân tăng khoảng 4%. SSI cho rằng, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý III/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số). Xuất khẩu và hoạt động chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, trong khi đó tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ khác như du lịch được kỳ vọng phục hồi khi nền kinh tế được mở cửa toàn diện hơn trong năm 2022. Đầu tư công cũng là một yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng, khi kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2022 (bao gồm gói hỗ trợ kinh tế) ước tính là 630 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch 2021.

Thông tin về gói kích thích kinh tế và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023 dự kiến chính thức được thông qua vào tháng 1/2022 đang là tâm điểm thu hút sự chú ý. Các cơ hội đầu tư xoay quanh câu chuyện này vẫn rất sôi động trong đó nổi bật hai ngành đang được dòng tiền quan tâm là xây dựng và bất động sản. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế, thông qua việc miễn/ giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền mặt, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ Covid-19, hoặc hỗ trợ lãi suất, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ có thể sẽ tập trung vào các dự án hiện có, và thực hiện việc chuyển đổi các dự án PPP thành 100% vốn đầu tư công, hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để có thể giải ngân nhanh chóng. Một số dự án có thể kể đến như dự án cao tốc Bắc Nam – Giai đoạn 2 (phía Đông) hoặc một số đường vành đai tại TP.HCM hoặc Hà Nội…

VN-Index hướng đến 1.580 điểm

10 cổ phiếu triển vọng tháng 01/2022
VN-Index khả năng sẽ tiếp tục hướng tới vùng mục tiêu 1.580 điểm trong tháng 1/2022

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có động lực tăng tốt khi chính thức vượt mốc tâm lý 1.500 điểm đi kèm với đó là sự cải thiện của thanh khoản. VN-Index khả năng sẽ tiếp tục hướng tới vùng mục tiêu 1.580 điểm trong tháng 1/2022. Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận khi chỉ số tiệm cận vùng giá mục tiêu trên để hạn chế các yếu tố rủi ro khó đoán định. Vùng hỗ trợ quan trọng đối với VN-Index là khu vực quanh mốc 1.500 điểm, đây là vùng có thể cân nhắc cho các hoạt động mua mới.

Trên toàn cầu, quan sát của SSI cho thấy, dòng vốn vào thị trường cổ phiếu trong tháng 12 giảm mạnh, khi chỉ mua ròng 40,1 tỷ USD, giảm 48,3% so với tháng trước trong đó dòng vốn vào thị trường phát triển giảm 45,6% và thị trường mới nổi giảm 69,7%. Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu và quỹ tiền tệ cũng khi ghi nhận mức giảm cao, khi lần lượt giảm 62,6% và 37,6% so với tháng trước. Đặc biệt, trong tuần giao dịch giữa tháng (khi FED công bố cuộc họp chính sách tháng 12 của mình), dòng vốn vào tất cả các quỹ đầu tư tài chính toàn cầu đều ghi nhận mức rút ròng mạnh.

10 cổ phiếu triển vọng tháng 01/2022
Diễn biến dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu tại các thị trường quốc tế

Các quỹ ETF tiếp tục chiếm ưu thế ở cả 2 thị trường phát triển và mới nổi. Dòng vốn ETF cổ phiếu ghi nhận mức vào ròng 76,8 tỷ USD trong tháng 12, trong đó chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (61,4 tỷ USD). Ngược lại, các quỹ chủ động ghi nhận mức rút ròng mạnh nhất trong năm (rút ròng 36,8 tỷ USD). Thống kê từ Morningstar cho thấy hiệu quả hoạt động của các quỹ thụ động vượt trội hơn so với các quỹ chủ động trong năm 2021, khi thống kê của cho thấy chỉ 47% các quỹ chủ động toàn cầu có lợi nhuận bằng hoặc cao hơn các quỹ thụ động và trong vòng 10 năm qua, chỉ có 25% các quỹ chủ động có lợi nhuận cao hơn.

Nhìn chung, tâm lý thị trường đã được cải thiện hơn trong giai đoạn cuối tháng 12, khi sau thời gian quan sát, biến thể Omicron chưa đem lại nhiều lo ngại như trước đó. Thị trường chứng khoán toàn cầu kết thúc tháng 12 với sự tăng trưởng trên hầu hết các quốc gia, khi MSCI World Index tăng 4,3%. Tuy nhiên, diễn biến dòng vốn sẽ khó lường hơn khi rủi ro chính của thị trường, theo khảo sát của Bank of America Merill Lynch đã chuyển hướng sang việc FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất. Có tới 49% nhà quản lý quỹ dự báo có 2 lần tăng lãi suất trong năm 2022 và công cụ dự báo CME FedWatch cũng đã đặt cược việc FED sẽ tăng lãi suất ngay trong quý I.

10 cổ phiếu triển vọng tháng 01/2022

SSI đánh giá triển vọng cho 10 mã cổ phiếu: CTG, STB, KSB, LHG, CTR, CTD, VHC, DGW, VCG, TCH và chỉ rõ lý do đưa ra khuyến nghị này.

Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), SSI nhận định, tiến độ xử lý tài sản có vấn đề kỳ vọng có tiến triển trong 2022. Theo ước tính, STB có 30,6 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề tại thời điểm 30/6/2021. Những tài sản này có tài sản đảm bảo là hơn 600 triệu cổ phiếu STB cầm cố ở VAMC (giá thị trường 18,4 nghìn tỷ đồng), KCN Phong Phú (giá đấu giá trước đây là 7,6 nghìn tỷ đồng) và các bất động sản có giá trị nhỏ hơn khác.

Việc bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC, nếu thành công, sẽ giúp STB xử lý được một lượng đáng kể tài sản có vấn đề và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Gần đây, Ngân hàng cũng đã ký kết nâng tầm hợp đồng với Dai-ichi Life và bán KCN Sóng Thần. Số tiền thu được từ những thương vụ này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản có vấn đề của Ngân hàng. Hiệu quả hoạt động kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ từ 2023. Trong những năm gần đây, mỗi năm STB trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4,8 - 5,8 nghìn tỷ đồng. Theo đó, kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng sẽ có cải thiện mạnh từ 2023 khi không còn những gánh nặng về chi phí như vậy.

SSI dự báo giá mục tiêu cho STB ở mức 38.750 đồng/cổ phiếu.

Với Tổng công ty cổ phần XNK và xây dựng Việt Nam (VCG), SSI cho biết, các dự án bất động sản của VCG sẽ bắt đầu đem lại lợi nhuận từ năm 2022 trở đi. Cụ thể, Dự án Catba Amanita đang được chính thức triển khai với quy mô 172 ha tại đảo ngọc Cát Bà, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD. Đã có gần 100 căn biệt thự đã được xây xong và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào đầu 2022, giá dự kiến từ 45-50 triệu đồng/m2. Đây là dự án trọng điểm của VCG trong thời gian tới và Công ty cũng đang tiến hành tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty sở hữu dự án (VCR), lên 51% để hợp nhất.

Ngoài ra, VCG còn một số dự án bất động sản khác như tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại Láng Hạ (Hà Nội), khu đô thị đại lộ Hoà Bình kéo dài, khu dân cư đô thị tại Km3 - Km4 ở Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ năm 2022 trở đi. Trong chiến lược và kế hoạch đang triển khai, VCG dự kiến nâng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025 tại các tỉnh thành khác như ở Phú Yên - Quảng Nam. Giá trị xây lắp kỳ vọng tích cực từ các dự án đầu tư công. Cho đến nay, giá trị các hợp đồng xây lắp mà Tổng công ty ký được lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia như các gói thầu lớn của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2021: Phan Thiết - Dầu Giây; Phan Thiết Vĩnh Hảo; Mai Sơn - QL45; Nghi Sơn - QL45; dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 – Hà Nội, một số gói thầu của các dự án xây dựng sân bay Long Thành, Phú Bài, Đà Nẵng...

SSI dự báo giá mục tiêu cho VCG ở mức 65.950 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu khác, xem chi tiết tại báo cáo này.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư