e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Dòng tiền nào đột biến đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?

16:27 | 11/01/2022 Print
Thanh khoản đang ở mức 18 triệu, 20 triệu, cao nhất cũng chỉ khoảng 40 triệu cổ phiếu/phiên, FLC bất ngờ được giao dịch đến 134,9 triệu cổ phiếu trong ngày 10/1/2022. Việc Chủ tịch FLC bán chui 78,4 triệu cổ phiếu là một bất thường, nhưng bất thường không kém là dòng tiền nào đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?
Dòng tiền nào đột biến đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?
Bên cạnh bất thường về việc Chủ tịch FLC bán không công bố thông tin, việc dòng tiền lớn đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu trong 1 phiên cũng là một bất thường
Dòng tiền nào đột biến đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?
1 năm qua, cổ phiếu FLC tăng từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, tăng lên trên 21.000 đồng/cổ phiếu

1 năm qua, cổ phiếu FLC có diễn biến tăng giá đẹp hơn nhiều so với VN-Index khi từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, tăng lên trên 21.000 đồng/cổ phiếu. Hỗ trợ cho đà tăng giá FLC là thanh khoản liên tục ở mức cao nhất sàn HOSE, với khoảng 25-30 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi ngày. Theo đó, FLC luôn nằm trong TOP 5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn HOSE, với dữ liệu cụ thể trong 3 tháng gần nhất như sau: tháng 12/2021 là 553,576 triệu cổ phiếu; tháng 11/2021 là 643,1 triệu cổ phiếu; tháng 10/2021 là 396 triệu cổ phiếu (xem bảng). Như vậy, nếu bên bán có sự đột biến do Chủ tịch FLC bán ra 78,4 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 10/1/2022, thì không thể không đặt dấu hỏi: Dòng tiền nào đột biến đổ vào bên mua, để mua đến 134,9 triệu cổ phiếu FLC trong 1 phiên, tức là gấp 5-6 lần mức thanh khoản thông thường?

Dòng tiền nào đột biến đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?
Tháng 10, mã FLC được chuyển nhượng tổng cộng 396,2 triệu cổ phiếu trên HOSE
Dòng tiền nào đột biến đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?
Tháng 11, FLC được chuyển nhượng 643,1 triệu cổ phiếu trên HOSE
Dòng tiền nào đột biến đổ vào mua 134,9 triệu cổ phiếu FLC?
Tháng 12/2021, FLC được chuyển nhượng 553,5 triệu cổ phiếu trên HOSE

Theo các quan sát từ thị trường, một số giả thiết được đưa ra như sau. Thứ nhất, hiện tượng giao dịch quá bất thường về số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng có thể do bên mua và bên bán đã có sự thỏa thuận từ trước, hay nói cách khác, bản chất giao dịch cổ phiếu không xuất phát thuần túy từ quy luật cung - cầu trên thị trường. Thứ hai, một phương án mang tính lý thuyết là, dòng tiền đột biến đổ vào mua cổ phiếu FLC có thể đã canh mua cổ phiếu này từ lâu, nên khi Chủ tịch FLC tung ra lệnh bán lớn, dù là bán chui, không công bố đúng quy định, nhưng dòng tiền chực chờ vẫn mua trọn, nhằm đạt được mục tiêu sở hữu lớn tại doanh nghiệp.

Việc phân tích, nhận diện dòng tiền đột biến đổ vào mua 134 triệu cổ phiếu FLC trong phiên ngày 10/1/2022 là cần thiết, để có cái nhìn minh bạch và công bằng, minh định một hiện tượng giao dịch bất thường quá lớn, đang được hàng triệu nhà đầu tư quan tâm.

FLC có vốn điều lệ 7.099 tỷ đồng tương đương với 707,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Trong số đó, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 30,34% (215,4 triệu cổ phiếu, trước khi xuất hiện giao dịch bất thường trên). Một số cổ đông khác, như CTCP Đào tạo Golf VPGA (sở hữu 62,5 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Vietexco (sở hữu 52,1 triệu cổ phiếu); Quỹ ETF Market Vectors Vietnam (sở hữu 42,7 triệu cổ phiếu); CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản Magnus Capital (sở hữu 37,2 triệu cổ phiếu). Từ tháng 8/2018, tại FLC không xuất hiện cổ đông lớn (sở hữu trên 5% cổ phiếu), các giao dịch tạo nên thanh khoản hàng phiên là hoạt động mua đi - bán lại của các cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư.

Liên quan đến việc bán không công bố thông tin của Chủ tịch FLC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, chiều ngày 10/01/2022 (17 giờ 45 phút), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. UBCKNN hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Theo Khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC, người nội bộ của công ty đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán khi giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá.

Trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định. Thời hạn thực hiện giao dịch không được quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký thực hiện giao dịch. Người nội bộ và người có liên quan phải thực hiện theo thời gian, khối lượng, giá trị do Sở giao dịch chứng khoán đã công bố thông tin và chỉ được thực hiện giao dịch đầu tiên vào ngày giao dịch liền sau ngày có thông tin công bố từ Sở Giao dịch chứng khoán... Quy định này giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ, cổ đông nhỏ lẻ biết trước được giao dịch của người nội bộ từ đó đưa ra quyết định đầu tư.

Trong trường hợp cổ đông lớn, cổ đông sáng lập giao dịch, bán cổ phiếu không đăng ký sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định số 128 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 vừa qua.

Điểm h Khoản 5 Điều 33 Nghị định 128 quy định, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên không báo cáo về việc dự kiến giao dịch sẽ bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá. Mức phạt tiền từ 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên (tính theo mệnh giá).

Bên cạnh việc nhà quản lý đang phối hợp xử lý việc chào bán không báo cáo, không công bố thông tin của Chủ tịch FLC, việc phân tích, nhận diện dòng tiền đột biến đổ vào mua 134 triệu cổ phiếu FLC trong phiên ngày 10/1/2022 là rất cần thiết để có cái nhìn minh bạch và công bằng, minh định một hiện tượng giao dịch bất thường quá lớn, đang được hàng triệu nhà đầu tư quan tâm./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư