Triển vọng cổ phiếu ngành ô tô năm 2022

10:43 | 13/01/2022 Print
Năm 2021, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành ô tô chỉ tăng trung bình 7,4% trong 2021, thấp hơn 26% so với mức tăng của VN-Index. Tuy nhiên, năm 2022, ước tính nhu cầu ô tô sẽ tăng 16%, giúp hoạt động của doanh nghiệp cũng như giá cổ phiếu ngành ô tô có triển vọng khả quan.

Báo cáo của CTCK SSI cho biết, trong ngành ô tô, năm 2021, HAX đứng đầu, với giá cổ phiếu tăng 105%. Mặc dù lợi nhuận ròng năm 2021 của Công ty ước tính giảm 24% do giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong quý II và quý III/2021, nhưng kết quả kinh doanh có sự phục hồi ấn tượng trong quý IV, với ước tính doanh thu cả năm vẫn có thể tương đương so với năm ngoái.

Triển vọng cổ phiếu ngành ô tô năm 2022
Trong ngành ô tô, năm 2021, HAX đứng đầu, với giá cổ phiếu tăng 105%

Một cổ phiếu khác là SVC, có giá cổ phiếu tăng 93% trong năm 2021. SVC cũng chịu ảnh hưởng từ đợt giãn cách xã hội trong quý III/2021 nhưng đã thực hiện cắt giảm nhiều chi phí hoạt động nên ước tính có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 13% trong 2021. Mặc dù giá cổ phiếu HAX và SVC đều tăng mạnh, cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn nhất trong ngành là VEA chỉ tăng giá 2% do doanh số bán ô tô và xe máy đều sụt giảm, trong khi vướng mắc nhiều vấn đề về hoạt động kinh doanh chưa được giải quyết triệt để.

Trong bức tranh chung toàn ngành, năm 2021, doanh số ô tô ảm đạm do ảnh hưởng của làn sóng bùng phát Covid thứ 3 và thứ 4 tại Việt Nam, nhưng hồi phục trong các tháng cuối năm. Doanh số cả năm 2021 ước đạt 354.000 chiếc (+5% YoY). Sự phục hồi được hỗ trợ bởi Thông tư 103 /2021/ND-CP gần đây của Chính phủ, giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 1/12/2021.

Một diễn biến đáng chú ý khác là xe nhập khẩu tràn vào thị trường với cạnh tranh gia tăng từ các hãng Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng cung ô tô tại Việt Nam tăng 6%, trong đó ô tô nhập khẩu tăng 26% so với cùng kỳ, chiếm 38% tổng doanh số bán xe ở Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu xe Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Các hãng xe lớn mất thị phần do cạnh tranh khốc liệt từ Vinfast và xe Trung Quốc. Cụ thể, TOP 3 hãng xe lớn bao gồm Huyndai, Toyota và Thaco mất 5% tổng thị phần trong năm 2021, trong khi Vinfast giành thêm nhiều thị phần nhất (+4% thị phần trong 2021) và thị phần hãng xe Trung Quốc nhập khẩu tăng 2% thị phần do các thương hiệu mới và nhỏ như Vinfast, MG, BAIC giảm giá mạnh, đặc biệt trong đợt bùng phát làn sóng Covid thứ 4.

Năm 2022, SSI nhận định, bỏ qua những bất ổn trong ngắn hạn, triển vọng 2022 có thể tươi sáng hơn với khả năng phục hồi tương đối chắc chắn. Hiện tại, triển vọng ngắn hạn của các công ty ô tô vẫn còn chưa ổn định do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vaccine mũi 2 tính đến cuối năm 2021, và các biến thể Covid mới có khả năng sẽ ít gây rủi ro tới sức khỏe hơn. SSI ước tính nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% trong năm 2022.

Triển vọng cổ phiếu ngành ô tô năm 2022
Dự báo doanh số bán xe tại Việt Nam trong các năm tới

SSI cho rằng, với mức nền so sánh thấp trong 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện mới tại Việt Nam dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của Vinfast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022.

SSI chia sẻ một số cổ phiếu ưa thích trong năm 2022: Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA: UPCOM) có thể hướng đến giá mục tiêu: 55.000 đồng/cổ phiếu. Lý do, SSI ước tính doanh số ô tô của các công ty liên doanh của VEA sẽ tăng 16%. Đặc biệt, Ban lãnh đạo VEA ước tính tiếp tục trả cổ tức cao 4.500 đồng/cổ phiếu trong 2022. Mặc dù cổ tức thấp hơn trung bình các năm gần đây do được chi trả từ lợi nhuận 2020 của các công ty liên doanh (một năm tương đối khó khăn), lợi suất cổ tức trên thị giá vẫn hấp dẫn ở mức 10% theo giá hiện tại và sẽ dần quay lại mức cao hơn trong năm sau khi lợi nhuận hồi phục.

Tuy nhiên, đầu tư doanh nghiệp này có thể gặp rủi ro do hoạt động kinh doanh chính kém hiệu quả. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEA tập trung vào xe tải, phụ tùng xe máy và sản xuất động cơ nông nghiệp. Tuy nhiên, các mảng này liên tục thua lỗ do cạnh tranh gay gắt và chi phí sản xuất cao. Mặc dù khoản lỗ không đáng kể so với lợi nhuận công ty liên doanh, nhưng VEA vẫn chịu gánh nặng lỗ lũy kế ở các mảng này.

Doanh nghiệp được ưa thích khác là CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh, với giá mục tiêu: 38.000 đồng/cổ phiếu, với giả định nhu cầu xe Mercedes bùng nổ trong phân khúc xe cao cấp. Chính phủ đã giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước, và Mercedes là thương hiệu xe cao cấp duy nhất hưởng lợi từ xu hướng này, do 80% xe Mercedes hiện tại lắp ráp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này có thể gặp rủi ro từ tình trạng khan hiếm chip, có thể làm giảm doanh thu và lợi nhuận nếu diễn ra nghiêm trọng hơn. Mặc dù việc khan hiếm chip hiện tại là yếu tố hỗ trợ lợi nhuận cho các đại lý ô tô như HAX trong ngắn hạn, tình trạng này có thể trở thành rủi ro nếu tình hình thiếu chip trở nên nghiêm trọng hơn và mức giảm doanh thu có thể lớn hơn mức tăng lợi nhuận do thiếu cung ô tô.

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư