e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cần chung tay đưa hàng triệu người lao động trở lại nhà máy

14:04 | 17/01/2022 Print
Khoảng 2,2 triệu người trở về quê do ảnh hưởng của đại dịch lần thứ 4 và nhiều người chưa muốn trở lại làm việc, một phần do dịch, một phần do Tết sắp đến. Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê chia sẻ và cho rằng, Chính phủ và các doanh nghiệp cần chung tay, tìm giải pháp sớm đưa người lao động trở lại nhà máy.

Thu nhập người lao động năm 2021 giảm không đáng kể

Rất nhiều người băn khoăn trước thực tế năm 2021 hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn chưa từng thấy, nhưng thu nhập bình quân của người lao động vẫn đạt 6,6 triệu đồng/tháng, chỉ giảm không đáng kể (45 ngàn đồng) so với năm 2020, thưa ông?

Cần chung tay đưa hàng triệu người lao động trở lại nhà máy
Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê

Trong năm 2020, quý II năm 2020 đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” (6,3 triệu đồng) trên tháng do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16; thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương trong quý III là 6,5 triệu đồng; quý IV là 6,597 triệu đồng/tháng.

Năm 2021 làn sóng Covid lần thứ 4 đã thực sự làm đời sống người lao động trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là quý III/2021, với mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III là 6,0 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng.

Tuy vậy, nhờ các biện pháp ứng phó, điều hành linh hoạt của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, nên các quý I và II năm 2021 thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương đã có nhiều khởi sắc, tăng đáng kể so với cùng kỳ. Quý I là 7,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 132 nghìn đồng/người/tháng so với quý trước; quý II là 6,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 455 nghìn đồng/người/tháng so với quý trước.

Quý III năm 2021 thu nhập bình quân lao động làm công ăn lương là 6,0 triệu đồng/người/tháng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước. Quý IV năm 2021 thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương là đã được cải thiện hơn, tăng 6,1 triệu đồng, tăng 141 nghìn đồng so với quý III/2021.

Như vậy, tính chung năm 2021 thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương giảm không nhiều so với năm 2020.

Như vậy, thu nhập của người làm công hưởng lương liên tục giảm trong 02 năm qua, TCTK có bình luận gì về thực trạng này?

Diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn: sản xuất giảm sút, nhiều nhà máy, xí nghiệp thiếu lao động sản xuất do tình trạng nhiều người lao động dương tính với Covid-19. Theo đó, điều cần nhất là phải có biện pháp phục hồi sản xuất, đưa kinh tế về trạng thái bình thường mới nhưng kết hợp phòng chống dịch tốt hơn để lao động yên tâm làm việc. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ đối với lao động làm công ăn lương vì các chính sách đã và đang thực hiện chủ yếu đối tượng là lao động tự do, mất việc... Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để giảm thuế thu nhập cá nhân, vì hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ giảm 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tới tiền thuê đất… Nhưng với thuế TNCN thì chưa có hỗ trợ, mà Chính phủ mới chỉ có Nghị quyết 406/2021/NQ-CP miễn thuế cho đối tượng là hộ, cá nhân kinh doanh trong quý III và quý IV/2021.

Trên 94% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Ông dự báo như thế nào về mức thưởng mà các doanh nghiệp dành cho người lao động trong dịp Tết Nhâm Dần?

Năm nay, dịch bệnh đã tác động xấu đến sản xuất, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên việc cân đối tài chính để có lương thưởng cho người lao động có thể sẽ chậm hơn. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cố gắng lo lương, thưởng cho người lao động. Dự báo mức thưởng sẽ khó đạt được như năm 2020.

Đại dịch đã cho thấy người lao động trong khu vực doanh nghiệp hầu như không có tích lũy, cách ly khoảng một tháng đã có rất nhiều người cạn kiệt tài chính. Theo ông, đã đến lúc tính đến phương án tăng lương tối thiểu vùng vì năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của Covid-19 nên lương tối thiểu vùng 2021 đã không tăng?

Mức lương tối thiểu vùng được ấn định theo vùng, theo tháng và theo giờ. Dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu sẽ do Chính phủ quyết định và công bố. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2021 mức lương tối thiểu vùng không tăng mà vẫn được áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như năm 2020.

Thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nên việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022 là ít có khả năng. Do đó, nhiều khả năng mức lương tối thiểu vùng trong năm 2022 được dự đoán sẽ không tăng mà giữ nguyên mức ở hiện tại.

Nếu tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp trong ngắn hạn khi hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được phục hồi, rất cần sự chung tay, chia sẻ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động để duy trì và phục hồi sản xuất.

Cần chung tay đưa hàng triệu người lao động trở lại nhà máy

Cần chung tay đưa hàng triệu người lao động trở lại nhà máy
Cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về từ các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của đại dịch lần thứ 4

Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. nhiều lao động đã về quê và chưa muốn quay trở lại làm việc, dẫn đến nguồn lao động ở một số công ty sản xuất bị thiếu. Để người lao động an tâm quay lại làm việc, theo ông, cần có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích họ?

Theo nghi nhận của Tổng cục Thống kê (TCTK), đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về từ các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của đại dịch lần thứ 4. Trong số này, nữ chiếm 37,5% (tương đương 839,5 nghìn người) và người từ 15 tuổi trở lên chiếm 70,9% (tương đương gần 1,6 triệu người). Xét theo địa phương, trong số 2,2 triệu người di cư quay về có khoảng 447,1 nghìn người trở về từ thủ đô Hà Nội; 524 nghìn người về từ TP.Hồ Chí Minh, khoảng 594 nghìn người về từ các tỉnh phía Nam khác TP. Hồ Chí Minh và khoảng 676 nghìn người về từ các tỉnh, thành phố khác.

Đa phần những người di cư quay về họ đều trong tình trạng đang làm việc hoặc thất nghiệp. Đây chính là lực lượng lao động tại các tỉnh trước khi họ quay về quê. Tình trạng lao động di cư quay về quê dẫn đến việc cả nơi đi và nơi đến phải đối mặt với tình trạng nơi bị thiếu hụt lao động (nơi đi) và nơi quay về chưa sắp xếp bố trí được công ăn việc làm cho người lao động.

Để thu hút lại người lao động quay trở lại thị trường lao động cũ trong bối cảnh hiện nay là thách thức lớn đối với doanh nghiệp và Chính phủ. Người lao động sẽ khó quay lại thị trường lao động, cũng như doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động nếu dịch bệnh tại những địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.

Theo chúng tôi, trước tình hình này, Chính phủ cần có những biện pháp kịp thời như: Tiếp tục phủ vacxin mũi tăng cường toàn dân đặc biệt là những thị trường lao động năng động thu hút nhiều lao động sản xuất kinh doanh; Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát được dịch Covid, đặc biệt vẫn đang diễn ra ở các tỉnh phía Nam để tạo được tâm lý tốt cho người dân. Cùng với đó, cần có chính sách tốt đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất, tạo tâm lý làm việc yên tâm, thoải mái nhằm giữ chân người lao động. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời với những lao động đang bị ảnh hưởng bởi Covid, như lao động đang phải tạm hoãn việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hỗ trợ chi phí sinh hoạt như thuê nhà, điện nước với người lao động.

Số liệu từ TCTK một lần nữa khẳng, định nông nghiệp là bệ đỡ trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Xin ông bình luận cụ thể hơn về vấn đề này?

Năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề và có xu hướng giảm; ngược lại, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có xu hướng tăng sau nhiều năm giảm liên tục.

Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ giảm 800,8 nghìn người so với năm trước, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 37,3 nghìn người so với năm 2020.

Như vậy, có thể thấy khi các cơ hội việc làm trong khu vực phi nông nghiệp bị hạn chế, người lao động lại quay trở lại với việc làm trong khu vực nông nghiệp như một nơi trú ẩn tạm thời trong thời gian chưa tìm kiếm được việc làm mới.

Bên cạnh nỗi lo đại dịch, hàng năm, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, rất nhiều doanh nghiệp bị thiếu lao động do người lao động về quê nghỉ Tết không hoặc chưa quay trở lại. Theo ông, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở nên làm gì để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động, khi bản thân người lao động ngoại tỉnh đã và đang đóng góp cho sự phát triển của địa phương?

Bên cạnh các chính sách tôi chia sẻ như trên, điều cần làm là chính quyền và các doanh nghiệp đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu lao động, tạo cơ hội cho các chủ thể gặp nhau và kết nối lại nguồn lực lao động cho hoạt động của doanh nghiệp./.

Thiên Phúc

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư