Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%

22:45 | 19/01/2022 Print
Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, tăng 2,3% về số doanh nghiệp.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương biên soạn và công bố ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế năm 2021 – Kết quả sơ bộ” với các chỉ tiêu thống kê chủ yếu phản ánh số lượng và lao động của các đơn vị điều tra, đồng thời đưa ra nhận định khái quát về những thay đổi do tác động của các chính sách kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước trong 5 năm qua.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%
Tính chung giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 1,2%/năm

Đến 31/12/2020, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp

Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh và số lao động là 14,7 triệu người, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 3,1% về số lao động so với năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 9,8%/năm; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 2,6%/năm. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 1,2%/năm.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so với năm 2019 và tăng 35,0% so với năm 2016; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2%, tăng 18,4% và tăng 58,6%; doanh nghiệp nhà nước là gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3%, giảm 5,5% và giảm 25,1%.

Về lao động, theo Tổng điều tra, khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút hơn 1 triệu người, chiếm 6,9% tổng lao động của doanh nghiệp, giảm 8,9% so với năm 2019 và giảm 21,5% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 8,6 triệu người, chiếm 58,4%, giảm 5,5% và giảm 0,01%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5,1 triệu người, chiếm 34,7%, tăng 2,6% và tăng 22,7%.

Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ được công bố trong quý I/2022 với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, những chuyên đề phân tích chuyên sâu sẽ được phổ biến dưới nhiều hình thức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin thống kê cho công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác.

Xét theo khu vực kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 465,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% tổng số doanh nghiệp, tăng 3,1% so với năm 2019 và tăng 31,4% so với năm 2016; doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng là 211,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,9%, tăng 0,9% và tăng 44,5%; doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 13,6% và tăng 45,2%.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với số lao động là 9,3 triệu người, chiếm 63,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, giảm 3,1% so với năm 2019 và tăng 2,3% so với năm 2016; lao động doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 5,1 triệu người, chiếm 34,9%, giảm 3,5% và tăng 9,7%; lao động doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 253 nghìn người, chiếm 1,7%, tăng 1,5% và tăng 0,8%.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lao động làm việc trong hợp tác xã giảm sâu

Tính đến 31/12/2020, tổng số hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước là 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 6,2% so với năm trước và tăng 17,5% so với năm 2016. Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 169,6 nghìn người, giảm 5,7% so với năm 2019 và giảm 15,6% so với năm 2016.

Xét theo khu vực kinh tế, hợp tác xã khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 7,8 nghìn hợp tác xã, chiếm 50,7%, tăng 17,2% so với năm 2016; hợp tác xã khu vực công nghiệp và xây dựng là 2,8 nghìn hợp tác xã, chiếm 18,5%, tăng 11,3%; hợp tác xã khu vực dịch vụ là 4,7 nghìn hợp tác xã, chiếm 30,8%, tăng 21,9%.

Về lao động làm việc trong hợp tác xã khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thu hút nhiều lao động nhất với 75,6 nghìn người, chiếm 44,6% tổng số lao động đang làm việc trong hợp tác xã, giảm 12,1% so với năm 2016; khu vực dịch vụ là 57,8 nghìn người, chiếm 34,1%, giảm 15,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 36,2 nghìn người, chiếm 21,3%, giảm 22,6%.

Trong giai đoạn 2016-2020, số hợp tác xã tăng ổn định, bình quân mỗi năm tăng 3,5% nhưng số lao động trong hợp tác xã giảm dần, bình quân mỗi năm giảm 4,4%. Quy mô hợp tác xã đang dần bị thu hẹp, số lao động bình quân mỗi hợp tác xã giai đoạn 2016 – 2020 là 13,2 người/hợp tác xã, giảm 21,9% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra

Tính đến năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với số lao động là 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số cơ sở (tăng 281,1 nghìn cơ sở) và tăng 3,0% (tăng 246,4 nghìn người) so với năm 2016, đây là mức tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra.

Khác với các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây, trong Tổng điều tra kỳ này, đơn vị điều tra là cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện. Trong báo cáo kết quả sơ bộ này chưa bao gồm thông tin của các cơ quan hành chính. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.

Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung nhiều cơ sở cá thể nhất cả nước, với 1,3 triệu cơ sở, chiếm 25,0%, tăng 3,4% so với năm 2016; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ hai với 1,2 triệu cơ sở, chiếm 23,1%, tăng 6,6%; Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,0 triệu cơ sở, chiếm 19,3%, tăng 1,9%; Đông Nam Bộ là 943 nghìn cơ sở, chiếm 18,2%, tăng 10,1%; Trung du và miền núi phía Bắc là 485,7 nghìn cơ sở, chiếm 9,4%, tăng 7,8%; Tây Nguyên là 260,2 nghìn cơ sở, chiếm 5,0%, tăng 10,0%.

Xét theo khu vực kinh tế, số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể khu vực dịch vụ tiếp tục dẫn đầu về số lượng và lao động với hơn 4,3 triệu cơ sở và số lao động là 6,5 triệu người, tăng 8,0% về số cơ sở và tăng 6,0% về số lao động so với năm 2016. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể khu vực công nghiệp và xây dựng là 863,3 nghìn cơ sở với số lao động là 2,0 triệu người, giảm 4,5% về số cơ sở và giảm 5,4% về số lao động so với năm 2016.

So với năm 2016, đơn vị sự nghiệp giảm cả về số lượng đơn vị và quy mô lao động

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 59 nghìn đơn vị với tổng số lao động là hơn 2,4 triệu người. Trong đó: Đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với số lao động là 2,39 triệu người; hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 37,9 nghìn người.

Xét theo lĩnh vực, đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 42,2 nghìn đơn vị với số lao động là 1,7 triệu người, giảm 8,2% về số đơn vị và giảm 5,3% về số lao động so với năm 2016; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế là 1,8 nghìn đơn vị với 435,6 nghìn người, giảm 86,8% và tăng 3,6%; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao là 1,2 nghìn đơn vị với số lao động là 37,8 nghìn người, giảm 29% và giảm 13,1%; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông là 0,8 nghìn đơn vị với số lao động là 38 nghìn người, giảm 41,8% và giảm 21,2%; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khác là 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 204,1 nghìn người, giảm 39,8% và giảm 22,7%.

Cả nước có gần 6,3 nghìn đơn vị hiệp hội đang hoạt động với số lao động là 33,3 nghìn người, giảm 2,2% về số lượng đơn vị và tăng 1,8% về số lượng lao động so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 0,6% về số đơn vị và tăng 0,4% về số lao động.

Tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam là 184 tổ chức với số lao động là 4,6 nghìn người, giảm 17,1% về số đơn vị và tăng 8,5% về số lao động so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 2,6% về số tổ chức và tăng 2,1% về số lao động.

Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phát triển khá nhanh

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra cho thấy, tính đến năm 2020, cả nước có trên 46,8 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người so với năm 2016. Mặc dù tốc độ tăng số lượng của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016 so với 2011 (19,5%) và năm 2011 so với 2006 (27,4%) nhưng quy mô lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lại tăng từ 3,3 người/1 cơ sở lên 3,6 người/1 cơ sở.

Số lượng các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử năm 2020 tăng so với năm 2016. Cả nước có 10,1 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử, chiếm 21,6% trong tổng số cơ sở, tăng 1,4 nghìn cơ sở so với năm 2016, trong đó các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 27,8% trong số các cơ sở đã được xếp hạng, tăng 234 cơ sở; các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố chiếm 72,2%, tăng 1,1 nghìn cơ sở.

Số cơ sở tôn giáo là 28,5 nghìn cơ sở, chiếm 60,9% trong tổng số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên có tới 88,2% cơ sở chưa được xếp hạng; các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử chỉ chiếm 11,8% với 3,4 nghìn cơ sở, chủ yếu là các cơ sở thuộc Phật giáo (chùa). Trong đó, các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố là 2,4 nghìn cơ sở; chiếm 72,5%; cấp Quốc gia là 925 cơ sở, chiếm 27,5% trong tổng số các cơ sở đã được xếp hạng.

Số cơ sở tín ngưỡng là 18,3 nghìn cơ sở trên cả nước, trong đó có 11,6 nghìn cơ sở chưa được xếp hạng, chiếm 63,2%; số cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích là 6,7 nghìn cơ sở, chiếm 36,8%. Trong tổng số 6,7 nghìn cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng, số cơ sở được xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố là 4,8 nghìn cơ sở, chiếm 72,0%; cấp Quốc gia đạt gần 1,9 nghìn cơ sở, chiếm 28,0%; trong tổng số các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư