e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu về phát triển điện gió ngoài khơi

16:47 | 22/01/2022 Print
Hội thảo kỹ thuật trực tuyến “Phát triển điện gió ngoài khơi - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam" do Đại sứ quán Anh phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) Bộ Công Thương tổ chức vừa diễn ra ngày 20/1.

Hội thảo là một phần hoạt động thuộc Hợp phần Tài chính xanh của Chương trình Năng lượng Carbon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN (LCEP). Các nghiên cứu trình bày trong hội thảo do nhóm tư vấn của LCEP là Ernst & Young và Carbon Trust thực hiện.

Phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050 như tuyên bố của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu về phát triển điện gió ngoài khơi
Hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam"

Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió lớn trên thế giới và trong khu vực. Theo nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới về điện gió ngoài khơi, ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là 599 GW, với 261 GW điện gió móng cố định và 338 GW điện gió móng nổi.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) để Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt, trong đó gia tăng cơ cấu phát triển nguồn điện năng lượng, thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi với mục tiêu phù hợp.

Trước tính cấp thiết của vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi, nhóm tư vấn đã tiến hành nghiên cứu về ba chủ đề gồm: Tài chính dự án; Đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi; Cơ chế và thể chế cho thuê và cấp phép khu vực biển, đáy biển. Nội dung phân tích của Nghiên cứu bao gồm hiện trạng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, những khó khăn, thách thức đối với thị trường Việt Nam trong việc huy động vốn, quy trình đấu thầu, cũng như cho thuê và cấp phép khu vực biển đối với các dự án điện gió ngoài khơi.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm từ Vương quốc Anh, quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi, các chuyên gia đã đề xuất các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam và các khuyến nghị cho Chính phủ về đấu thầu, cấp phép cho thuê khu vực biển đối với dự án điện gió ngoài khơi cũng như thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút vốn đầu tư cho các dự án này tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, Ông David McNaught, Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Anh khẳng định “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu mới, phát triển và thu hút nguồn tài chính tư nhân mà quốc gia cần. Việc Bộ Công Thương tích cực tham gia quá trình này, đặc biệt trong công tác phát triển điện gió ngoài khơi chính là một tín hiệu tích cực, mang lại tác động tiềm năng và đáng kể cho sự cho việc hoạch định Quy hoạch điện VIII cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam”.

Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu về phát triển điện gió ngoài khơi
Các đại biểu thảo luận, chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch nói chung và điện gió nói riêng, Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: “Với vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng tốt đối với năng lượng gió ngoài khơi. Công nghệ Năng lượng mới nói chung và Năng lượng tái tạo nói riêng ngày càng phát triển, chi phí sản xuất điện từ nguồn công nghệ mới này ngày càng cạnh tranh so với nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, nguồn điện Năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững”.

Trên cơ sở nghiên cứu, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc thuộc đơn vị Tư vấn Ernst & Young Việt Nam, đại diện cho nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Điện gió ngoài khơi là một ngành mới mẻ nhưng giàu tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi một cách bền vững, cần một số giải pháp giúp nâng cao niềm tin của thị trường trong nước và quốc tế, của các nhà đầu tư và các bên cho vay vào hoạt động đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, việc tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, quy trình đấu thầu rõ ràng sau khi cơ chế FiT hết hiệu lực, đặc biệt là sự đồng bộ hóa các bước trong đấu thầu - giao khu vực biển - thương thảo PPA, cùng với cơ chế phân chia rủi ro công bằng, phù hợp giữa phía nhà nước và phía tư nhân sẽ là động lực mạnh mẽ để Việt Nam thu hút nguồn lực tư nhân trong nỗ lực thực hiện hóa mục tiêu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi mà Chính phủ đặt ra”.

Hội thảo lần này là một bước tiếp nối trong hỗ trợ của Đại sứ quán Anh cho Bộ Công Thương, nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình xem xét, đề xuất các giải pháp chính sách phát triển ngành năng lượng nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng.

Chương trình Hỗ trợ Các-bon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN (LCEP) là chương trình hỗ trợ thuộc Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh, nhằm giúp các nước ASEAN khai thác các lợi ích từ việc triển khai năng lượng Các-bon thấp thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Vương quốc Anh cho hai hợp phần về Tài chính Xanh và Sử dụng Năng lượng Hiệu quả.

Hợp phần Tài chính xanh hướng đến thúc đẩy chính sách và hỗ trợ xây dựng các khung quy định về tài chính xanh, tạo điều kiện đầu tư mạnh mẽ hơn về các công nghệ phát thải ít các-bon, bao gồm cả việc làm tăng các dòng tài chính xanh thông qua hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và tạo cầu nối cho các dự án xanh.

Các Báo cáo về chủ đề Tài chính dự án, Cơ chế và quy trình đấu thầu, Cho thuê và cấp phép khu vực biển đối với các dự án điện gió ngoài khơi được xây dựng từ tháng 6 năm 2021 do EY thực hiện, thông qua Chương trình LCEP.

Báo cáo Tài chính dự án gồm 4 phần:

1. Tổng quan về điện gió ngoài khơi;

2. Tổng quan về tài chính dự án và kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai mô hình tài chính dự án cho điện gió ngoài khơi, đặc biệt là kinh nghiệm triển khai tại Vương quốc Anh; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;

3. Đánh giá hiện trạng hoạt động tài trợ vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, trong đó tập trung phân tích về các nhóm rủi ro dự án cũng như cơ chế phân chia rủi ro giữa các bên liên quan trong suốt vòng đời của dự án điện gió ngoài khơi;

4. Đề xuất các khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Báo cáo Cơ chế và quy trình đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi gồm các phần:

1. Kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi;

2. Đánh giá quy định hiện hành liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi và các vấn đề cần giải quyết khi chuyển từ cơ chế giá FiT sang đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi;

3. Đề xuất các phương án đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Báo cáo về cho thuê và cấp phép khu vực biển, đáy biển gồm các phần:

1. Tổng quan về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam;

2. Khung đánh giá và phương pháp luận;

3. Đánh giá quá trình cấp phép và cho thuê khu vực biển để triển khai điện gió ngoài khơi;

4. Đánh giá việc cho thuê và cấp phép điện gió ngoài khơi tại một số quốc gia trên thế giới như Vương quốc Anh, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc;

5. Khuyến nghị nhằm cải thiện quy trình cho thuê và cấp phép khu vực biển cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư