Chính sách tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học: Thuận lợi và khó khăn

11:55 | 07/02/2022 Print
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Tuy nhiên, cho tới nay, các chính sách đó vẫn chưa thực sự thúc đẩy hoạt động NCKH tại các CSGDĐH. Bài viết chỉ ra những thuận lợi và khó khăn khi thực thi các chính sách tài chính cho hoạt động NCKH tại các CSGDĐH, từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

NHỮNG THUẬN LỢI TRONG THỰC THI CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG NCKH TẠI CÁC CSGDĐH

Đảng và Nhà nước luôn có định hướng, quan tâm đến đầu tư, phát triển KH&CN và đặc biệt trong các CSGDĐH. Điều này thể hiện rõ trong các nghị quyết và chiến lược phát triển của quốc gia. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu rõ: “Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH&CN đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH&CN”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. CSGDĐH với chức năng cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao và là nơi tập trung nhiều nghiên cứu, đổi mới sáng tạo được coi là một trong những lực lượng then chốt trong phát triển KH&CN đất nước.

Chính sách tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học: Thuận lợi và khó khăn
Cơ sở giáo dục đại học với chức năng cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao và là nơi tập trung nhiều nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Các chính sách phát triển hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH đã được hình thành và hoàn thiện dần qua các năm tương đối hoàn chỉnh và có hệ thống. Được định hướng bằng các nghị quyết của Đảng, hệ thống chính sách phát triển KH&CN bao gồm các bộ luật, với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 đóng vai trò trung tâm, cùng với các nghị định, quyết định, nghị quyết, thông tư, chỉ thị… Hệ thống các văn bản pháp quy về phát triển hoạt động KH&CN đã thiết lập cơ sở pháp lý căn bản cho các hoạt động KH&CN; trong đó, có đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của CSGDĐH để triển khai các hoạt động KH&CN, xác định quyền hạn, trách nhiệm CSGDĐH trong hoạt động KH&CN và thí điểm một số nội dung đột phá.

Các CSGDĐH được tăng quyền tự chủ để sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động KH&CN, trong đó có thể tự bố trí nguồn kinh phí dành cho hoạt động KH&CN. Nguồn kinh phí dành cho đề tài NCKH các cấp đã tăng đáng kể nhờ các biện pháp chủ động bố trí kinh phí được trích lại từ 5% nguồn thu hợp pháp của CSGDĐH. Khoản chi cho các hoạt động NCKH của sinh viên cũng tăng nhiều so với trước khi có Nghị định số 99/2014/NĐ-CP, ngày 25/10/2014 quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH. Kết quả là có sự gia tăng tỷ trọng các đề tài lớn trong tổng số đề tài NCKH, tạo ra các sản phẩm khoa học và sản phẩm ứng dụng có giá trị, thúc đẩy hoạt động KH&CN và tăng khoản thu từ hoạt động KH&CN.

Ý thức tự chủ đã dần hình thành trong toàn hệ thống CSGDĐH, nhất là trong những năm gần đây, sau khi thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các CSGDĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Đặc biệt là về các hoạt động chuyên môn, tất cả các trường đã tự chủ về xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cho người học. Trong đó, những vấn đề, như: tuyển sinh, học phí và việc làm của người học sau khi tốt nghiệp… đã dần trở thành vấn đề sống còn của nhà trường, được các trường đặc biệt quan tâm và tìm mọi giải pháp để thúc đẩy theo hướng cạnh tranh để mang lại chất lượng, hiệu quả tốt hơn cho người học. Cùng việc hoàn thiện hệ thống tổ chức theo quy định mới về giáo dục đại học (GDDH) và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đang được các trường chú trọng xây dựng các quy định nội bộ, như: quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở… theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đã tận dụng được quyền tự chủ trong huy động các nguồn lực của xã hội cho hoạt động chung của nhà trường, trong đó có hoạt động NCKH. Tuy nhiên, phần lớn những nguồn lực được huy động cho NCKH hiện nay của các trường dưới hình thức tài trợ cho NCKH sinh viên. Các hoạt động KH&CN của giảng viên đáp ứng nhu cầu và thu hút nguồn lực xã hội vẫn chưa thực sự rõ nét, chỉ tập trung ở một số trường có tư vấn doanh nghiệp và đóng góp phần nhỏ bé trong nguồn thu của các nhà trường. Đồng thời, các hoạt động tư vấn này vẫn chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ chứ chưa trở thành phong trào có sự tham gia đông đảo của đội ngũ các nhà khoa học.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã có những đổi mới trong cơ chế quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN. Có thể kể đến như: Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKH&CN, ngày 22/4/2012 hướng dẫn định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKH&CN-BTC, ngày 30/12/2015 quy định khóan chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN. Các thông tư này đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thủ tục tài chính cho các nhà khoa học. Một số thông tư khác mới ra đời có liên quan tới hoạt động KH&CN nói chung, như: Thông tư số 90/2017/TT-BTC, ngày 30/8/2017 quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức KH&CN công lập…

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG THỰC THI CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG NCKH TẠI CÁC CSGDĐH

Về cơ chế chính sách chung

Một cách chung nhất, có thể thấy, cho dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm tháo gỡ nút thắt cho NCKH tại các CSGDĐH nói riêng và hoạt động KH&CN nói chung, song vẫn đang có sự chưa đồng bộ và nhất quán trong chính sách, nhất là chính sách tài chính cho hoạt động NCKH hay KH&CN ở CSGDĐH hiện nay. Chẳng hạn như: Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 có quy định là thu nhập từ đề tài dự án KH&CN được miễn thuế thu nhập cá nhân, nhưng trong Luật Thuế thu nhập cá nhân lại không có quy định đó. Các nhà khoa học thực hiện các đề tại dự án KH&CN vẫn phải khấu trừ trước thuế thu nhập cá nhân; Hoặc theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, ngày 05/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, thì các nhà khoa học có thành tích đặc biệt, như: đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng quốc tế về KH&CN, chủ trì dự án quốc gia, có thể nâng lương vượt một bậc trong cùng ngạch, hoặc ưu tiên nâng ngạch không qua thi tuyển. Tuy nhiên, trong Luật Viên chức không có quy định ấy, nên mặc dù đã có thông tư liên tịch giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, nhưng cuối cùng các ưu đãi trên không thực hiện được đối với ngạch viên chức cao cấp, vì ngạch này do Bộ Nội vụ quản lý và Luật Viên chức không quy định.

Như vậy, có thể thấy, sự thiếu đồng bộ đã và đang làm cho các quy định khuyến khích, thúc đẩy hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH không có hiệu lực, mà nó còn làm nản lòng các nhà khoa học, tạo sức ép buộc các nhà khoa học phải “vận dụng”, hoặc mất nhiều thời gian và chi phí để thực thi luật pháp.

Về khuyến khích tự chủ trong KH&CN ở các CSGDĐH

Thực tế, sự chưa đồng bộ giữa các Luật Giáo dục đại học và các quy định khác liên quan đến GDĐH, như: Luật Giáo dục đã được ban hành mới năm 2019 và Luật Giáo dục đại học đã sửa đổi bổ sung năm 2018, nhưng Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật về thuế, tài chính…, cũng như các nghị định của Chính phủ và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác vẫn chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với xu thế tự chủ đại học. Cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, thậm chí còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường đại học công lập theo hướng tự chủ. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã quy định rõ quyền tự chủ của tổ chức KH&CN nói chung và của CSGDĐH nói riêng. Cụ thể hơn, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP xác nhận quyền hạn của CSGDĐH được tự chủ quyết định việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đãi ngộ ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý KH&CN, tự chủ quyết định hạng mục đầu tư trong tổng số vốn đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN được giao, nhưng vướng các điều khoản về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ trong Luật Cán bộ công chức năm 2019 và Luật Viên chức năm 2019, Bộ luật Lao động liên quan đến sử dụng lao động là người nước ngoài. Đến nay chưa có nghị định về tự chủ đại học quy định cụ thể quyền tự chủ của CSGDĐH trong hoạt động KH&CN.

Về ưu đãi đầu tư

Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định về việc có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, KH&CN tại CSGDĐH, nhưng không được hướng dẫn và chưa được quy định đồng bộ trong Luật Đầu tư, nên không thể khuyến khích để tăng cường nguồn đầu tư xã hội cho phát triển GDĐH. Đầu tư nhà nước cho giáo dục nói chung còn thấp (khoảng 17%-20% ngân sách của cả nước để chi cho hệ thống giáo dục, trong đó, chủ yếu dùng để chi thường xuyên). Đặc biệt là đầu tư cho GDĐH rất thấp và phân tán so với nhu cầu và trọng trách thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo lao động chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, hệ thống GDĐH còn thiếu trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại, thư viện số theo nhóm ngành… Cơ chế đặt hàng đào tạo đã được quy định chung trong Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10/04/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, nhưng hầu như chưa được thực hiện. Cơ chế hợp tác công tư trong GDĐH đã được Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định, nhưng chưa cụ thể để thực hiện, nên một số trường có cơ hội về đầu tư, hợp tác công tư…, mà không thể thực hiện do chưa rõ cơ chế. Kinh phí hoạt động của các trường chủ yếu phụ thuộc vào học phí và quy mô tuyển sinh hàng năm và cũng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, nên thực tế, chưa trường đại học công lập tự chủ nào và hầu hết các trường đại học tư thục (ngoại trừ Phenikaa và VinUniversity) có thể đầu tư đủ 5% nguồn thu hợp pháp cho hoạt động NCKH.

Huy động các nguồn lực cho hoạt động NCKH, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp, phân chia lợi ích giữa các bên chưa rõ ràng (không có các quy định cụ thể về phương thức huy động, chính sách khuyến khích, cơ chế phân chia lợi ích, các quy định về tác quyền và sở hữu trí tuệ…). Các doanh nghiệp không nhận thấy lợi ích rõ ràng và được đảm bảo của đầu tư vào các dự án NCKH, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa CSGDĐH và doanh nghiệp. Chưa có cơ chế chính sách sử dụng tài sản công (cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm) trong hoạt động dịch vụ KH&CN.

Về thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN

Thủ tục tài chính cho hoạt động KH&CN, tuy đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn rườm rà, chậm muộn và nặng về mặt hành chính. Thời gian để phê duyệt đề tài, kinh phí của một số nhiệm vụ KH&CN khá dài, có khi đến 18 tháng có thể gây mất tính thời sự của chủ đề nghiên cứu; đồng thời, cũng làm giảm nhiệt huyết, động lực của nhà khoa học, chưa kể đến việc có thể có các chi phí phát sinh tại bối cảnh, thời điểm mới. Thủ tục để một đề tài NCKH được phê duyệt cũng làm nản lòng không ít các nhà khoa học khi qua quá nhiều vòng, nhiều thủ tục hành chính.

Về kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, Khoản 1, mục a, Điều 6, Thông tư số 90/2017/TT-BTC, ngày 30/8/2017 quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức KH&CN công lập ghi rõ: Thực hiện theo định mức kinh tế, kỹ thuật do bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực ban hành và các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu NSNN. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chuẩn mực quy định định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động CNKH nói chung và càng khó có thể có các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động KH&CN, nhất là thật khó có thể có được định mức cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Các định mức về kinh tế kỹ thuật không phù hợp với thực tế gây khó khăn trong công tác quản lý, thanh quyết toán đề tài. Nhiều nhà khoa học cho biết, để được thanh toán, quyết toán, họ vẫn phải xây dựng định mức nội dung công việc, xác định được người tham gia, thời gian hoàn thành, các khoản chi rõ ràng. Nếu hoàn thành các nội dung công việc đó, đôi khi hồ sơ thanh toán nhiều tài liệu hơn nội dung NCKH. Mặc dù Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN quy định khoán đến sản phẩm cuối cùng, nhưng vẫn phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn, trong khi nhiều trường hợp không rõ hóa đơn nào hợp lệ hay không hợp lệ, dẫn đến khi thanh quyết toán, phải làm lại thủ tục từ đầu, khiến nhà khoa học mất nhiều thời gian.

Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN, ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN cũng bộc lộ hạn chế khi định mức kỹ thuật, ngày công lao động chưa được điều chỉnh kịp thời; không đánh giá đúng công sức của chuyên gia do định mức chi cho thù lao viết nhận xét đánh giá của hội đồng tuyển chọn, nghiệm thu thấp hơn thù lao tham gia họp hội đồng tuyển chọn, nghiệm thu. Ngoài ra, dự toán kinh phí quản lý chung nhiệm vụ KH&CN bằng 5% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN không đủ để tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý. Đơn giá kỹ thuật hầu như không thay đổi trong 10 năm trở lại đây, với mức chi cho công nhân là 80.000 đồng/ngày công, cán bộ là 120.000 đồng/ngày công, trong khi mức lương cơ bản đã tăng. Các mức chi quy định trong Thông tư số 55 khiến các cơ quan chủ quản khó thực hiện chế độ đãi ngộ nhà khoa học, vì không dám đặt ra định mức cao đối với hệ số tiền công, định mức thù lao chuyên gia tham gia hội đồng tuyển chọn và nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp cơ sở.

Quy định CSGDĐH được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển GDĐH, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục, nhưng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn quy định phải có sự phê duyệt của cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính hoặc cơ quan quản lý cấp tỉnh, nên trường đại học chưa được tự chủ về vấn đề này. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều điểm chưa phù hợp với CSGDĐH công lập tự chủ và chậm được đổi mới… Nhìn chung, các trường đại học chưa được an toàn khi sử dụng quyền tự chủ do Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định còn vướng nhiều quy định khác hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì thế, các CSGDĐH thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2018, có thể gặp rủi ro sai phạm về quy trình, quy định ở văn bản khác.

Đối với các trường đại học tự chủ 100%, việc quy định dành 5% nguồn thu hợp pháp cho hoạt động NCKH là không phù hợp do các trường tự chủ có quyền tự quyết định khoản kinh phí này. Hơn thế nữa, khái niệm “nguồn thu hợp pháp” lại không được định nghĩa cụ thể gây lúng túng cho các CSGDĐH khi xác định tổng số tiền thu từ các nguồn được gọi là “hợp pháp.” Ngoài ra, do không có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, các CSGDĐH cũng lúng túng hoặc có những cách thức khác nhau trong xác định các khoản chi cho NCKH của sinh viên, chi thưởng các bài báo công bố trên các tạp chí ISI, SCI, SCIE, chi hỗ trợ nhóm nghiên cứu xuất sắc, hỗ trợ tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế trong nước và nước ngoài.

Về việc khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc cho hoạt động KH&CN nói chung và các nhà khoa học thực hiện NCKH tại các CSGDĐH nói riêng cũng đang có nhiều vướng mắc. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào học mới chỉ quan tâm đến khen thưởng các bài báo trên tạp chí nằm trong danh mục ISI và Scopus, trong khi đó hoạt động KH&CN nói chung và NCKH nói riêng không dừng lại ở việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí, mà cần quan tâm tới cả việc làm thế nào có thể đưa kết quả của KH&CN, của NCKH vào ứng dụng trong thực tiễn. Việc động viên, khen thưởng và hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học có kết quả KH&CN có khả năng ứng dụng sẽ giúp làm gần khoảng cách giữa khoa học và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giúp việc thu hút thêm các nguồn lực đầu tư cho KH&CN dễ dàng hơn.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Về cơ chế chính sách chung: Cần có một chương trình rà soát các văn bản pháp quy về hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH, đặc biệt là văn bản nghị định quy định về hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH.

Về tự chủ trong KH&CN ở các CSGDĐH: Cần đồng bộ hóa các quy định liên quan đến thực hiện quyền tự chủ của các CSGDĐH trong một văn bản pháp quy duy nhất để các trường có thể có đường hướng áp dụng rõ ràng. Làm sao để lãnh đạo các trường cảm thấy an toàn khi sử dụng quyền tự chủ do Luật Giáo dục đại học quy định dù có những khác biệt về quy trình, quy định ở văn bản khác.

Cần cho phép các trường tự chủ có thể chủ động xác lập trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi với mức trích tùy thuộc vào khả năng của nhà trường. Tương tự như vậy với các khoản mục quy định khác.

Về đầu tư: Cần có chính sách cụ thể cho phát triển GDDH nói chung, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục và NSNN tập trung đầu tư cho các trường đại học lớn đào tạo một số ngành mang tính chất an ninh, chính trị. NSNN sẽ phân bổ cho các trường đại học có năng lực KH&CN, thực hiện các chương trình NCKH với những yêu cầu đầu ra cụ thể để đảm bảo nguồn lực đầu tư đến ngưỡng và có những sản phẩm KH&CN có tính ứng dụng cao, hoặc nâng tầm uy tín của các CSGDĐH Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, cần có những chính sách phân biệt đối với các nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau. Các chính sách đầu tư cần hợp lý, không cào bằng. Có thể chia nhóm nghiên cứu thành 3 loại là: nhóm nghiên cứu cấp trường, nhóm nghiên cứu cấp quốc gia, nhóm nghiên cứu quốc tế. Tuy nhiên, cần có các tiêu chí phân loại các nhóm nghiên cứu trên và làm rõ cơ sở khoa học, từ đó đưa ra những chính sách đầu tư và yêu cầu chuẩn đầu ra cho phù hợp với từng nhóm nghiên cứu. Việc phát triển các nhóm nghiên cứu trong các CSGDĐH cần có tính dẫn dắt, có quy hoạch và tiếp cận từ trên xuống, không nên cào bằng, triển khai theo phong trào “trăm hoa đua nở”.

Cần hoàn thiện các văn bản pháp quy về đầu tư cho các hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH, bao gồm: các chính sách thu hút đầu tư cá nhân, chính sách xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên ngành và đa ngành; chính sách xây dựng các nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong các CSGDĐH. Trong đó, các quy định cụ thể về tiêu chí phân loại phòng thí nghiệm, đánh giá hoạt động của phòng thí nghiệm và các biện pháp chế tài đối với hoạt động của phòng thí nghiệm cần sớm được ban hành. Các quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn trưởng nhóm nghiên cứu, phân loại nhóm nghiên cứu và xác định lĩnh vực nghiên cứu được ưu tiên… cũng cần được cụ thể hóa và ban hành.

Về thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN: Nên để các đơn vị tự chủ trong nghiên cứu, chuyển giao KH&CN. Cần có chính sách khoán kinh phí theo sản phẩm đầu ra, kinh phí được chi theo sản phẩm sẽ nâng cao được chất lượng nghiên cứu và nâng cao được trách nhiệm của tổ chức trong công tác quản lý. Giao quyền tự chủ trong xây dựng, phê duyệt kế hoạch kinh phí KH&CN cho các đơn vị; giao trách nhiệm quản lý, giải trình; cấp chủ quản khi phê duyệt dự toán đề tài nhiệm vụ KH&CN chỉ phê duyệt các dòng chi ngân sách cho nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao, mua sắm thiết bị, đoàn ra đoàn vào, chi khác…, sau đó trao cho đơn vị toàn quyền chủ động quyết định khoản chi trong từng dòng ngân sách; cấp trên quản lý sản phẩm của đề tài theo đúng tinh thần khoán của Thông tư số 27.

Cuối cùng, quan trọng nhất là làm sao để các tổ chức KH&CN có thể tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐCP về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN và Nghị định só 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập./.

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội (2018). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, số 34/2018/QH14, ngày 19/11/2018
  2. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ, số 29/2013/QH13, ngày 18/6/2013
  3. Chính phủ (2014). Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 về Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDDH giai đoạn 2014-2017
  4. Chính phủ (2014). Nghị định số 99/2014/NĐ-CP, ngày 25/10/2014 về Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các CSGDDH
  5. Chính phủ (2014). Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, ngày 17/10/2014 quy định về Đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN
  6. Chính phủ (2015). Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 quy định Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
  7. Chính phủ (2016). Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, ngày 14/6/2016 quy định Cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập
  8. Chính phủ (2019). Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học
  9. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011). Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT, ngày 30/5/2011 quy định về hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH
  10. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 90/2017/TT-BTC, ngày 30/8/2017 quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức KH&CN công lập
  11. Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ (2015). Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN, ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN
  12. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính (2015). Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 30/12/2015 về Quy định khóan chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN

PGS, TS. Phạm Thị Huyền

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư