Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

10:29 | 08/02/2022 Print
Cơ cấu lại nền kinh tế và bối cảnh mới trong những năm tới sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Có những cơ hội đồng thời là thách thức. Trong bài này sẽ bàn về đâu là cơ hội, nhưng đồng thời là thách thức cho chính doanh nghiệp nhìn từ góc độ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 31/2021/QH15, ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 sau đây gọi là (Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế). Mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

MỤC TIÊU NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn. Mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế nhằm chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm (Hình).

Hình: Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025:  Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định một trụ cột riêng về phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với các giải pháp mạnh mẽ, như: thực hiện hiệu quả, triển khai đồng bộ Đề án chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo đó, đề ra trọng tâm cơ cấu lại bao gồm: thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, trọng tâm cải cách về thể chế và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế nước ta, nhưng kèm theo đó vừa là thách thức cho Chính phủ và doanh nghiệp để thực hiện được thành công cơ hội này.

CẢI CÁCH THỂ CHẾ: THUẬN LỢI HƠN ĐỒNG NGHĨA CẠNH TRANH GAY GẮT HƠN

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025:  Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Để thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, bên cạnh vai trò quan trọng của Chính phủ, sẽ không thể thiếu sự hợp tác và chủ động, tích cực, đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp. Sự hợp tác này đỏi cả hai phía phải tiến cùng nhau và đặc biệt, Nhà nước không thể đi sau...

Quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước đã thể hiện rất rõ ràng và mạnh mẽ trên cơ sở xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Ngoài nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thể chế trong khuôn khổ Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế như nêu trên, nhiều định hướng, chương trình cải cách thể chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành đã được ban hành và triển khai ngay từ năm đầu giai đoạn phát triển mới.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội XV. Kết luận này đã thể hiện sự chủ động, bài bản và tầm nhìn dài hạn trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định rõ quan điểm: lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Một trong ba đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã xác định nhóm nhiệm vụ quan trọng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ đã có hàng loạt chương trình cải cách thể chế, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí kinh doanh và đã được thực hiện một cách liên tục, quyết liệt từ nhiều năm qua, như: Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2021 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (Chính phủ đã ban hành và thực hiện quyết liệt trong 7 năm qua); Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định cho doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực nêu trên, cải cách thể chế còn được thúc đẩy bởi yêu cầu thực thi các cam kết thương mại, đầu tư song phương và đa phương, như: Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) … Ví dụ, theo CPTPP, nước ta phải cải cách thể chế, vừa nhằm đảm bảo sự tương thích pháp luật với các cam kết trong CPTPP, vừa nhằm tổ chức triển khai trên thực tế các cam kết đã ký. Theo một báo cáo rà soát công tác xây dựng thể chế thực thi CPTPP, trong giai đoạn 2019-2021, đã có tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình. Các văn bản này thực thi tổng cộng 63 nhóm cam kết thuộc 8 Chương (gồm: Mở cửa thị trường hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Dệt may, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, Mua sắm công, Sở hữu trí tuệ và Lao động) và 2 Thư song phương (trong lĩnh vực dệt may).

Đáng lưu ý, các định hướng, kế hoạch hay chương trình cải cách thể chế đã xác định rõ mục tiêu là: cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, rẻ hơn, ít rủi ro hơn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Rõ ràng, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển.

Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, cải cách thể chế tạo thuận lợi hơn cho gia nhập thị trường và kinh doanh sẽ dẫn đến môi trường cạnh tranh gay gắt hơn. Nói cách khác, khi môi trường kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn, thì dễ dàng hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và kinh doanh của doanh nghiệp mới cạnh tranh mạnh mẽ với chính doanh nghiệp đã và đang kinh doanh. Thách thức này rất lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp chậm đổi mới, ít sáng tạo và năng lực cạnh tranh hạn chế. Ngoài ra, như đã phân tích, thì các hiệp định thương mại tự do cũng đồng thời tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài ngay chính trên “sân nhà”. Thời gian qua ở nước ta, thống kê số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường phần nào thể hiện bức tranh cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021, cả nước có 116.800 doanh nghiệp gia nhập mới và tái gia nhập thị trường, đồng thời có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực vừa đồng thời có nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường vừa có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, như: bán buôn, bán lẻ; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Rõ ràng đây là một thách thức lớn và như vậy, doanh nghiệp buộc phải năng động, chủ động đổi mới, cạnh tranh để tồn tại và phát triển và ngược lại, có thể bị thâu tóm hoặc thay thế bởi doanh nghiệp khác.

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT ĐỂ BIẾN CƠ HỘI THÀNH HIỆN THỰC

Gần đây, nhiều chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại cơ hội phát triển ngang bằng cho các quốc gia và doanh nghiệp. Trước đây, Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng, sự phát triển các nền kinh tế sẽ trải qua 3 giai đoạn tuần tự, từ nền kinh tế đơn giản (sản xuất dựa trên tổng hợp giản đơn các yếu tố đầu vào – factor driven economy) đến nền kinh tế dựa trên năng suất (investment driven economy) và tiến đến nền kinh tế dựa trên sáng tạo (innovation driven economy). Tuy nhiên, từ năm 2018, họ đã thay đổi quan điểm và nhìn nhận tại Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 4.0 rằng, trong bối cảnh CMCN 4.0, các nước đều có cơ hội như nhau để cạnh tranh, phát triển; đồng thời, năng lực cạnh tranh quốc gia được đánh giá đồng đều (không chia theo giai đoạn phát triển như trước đó) dựa trên 4 trụ cột: môi trường thể chế thuận lợi, nguồn nhân lực, sự phát triển thị trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (World Economic Forum, 2018).

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta đã xác định, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng để đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thông qua tăng năng suất lao động và tăng năng suất trong các ngành công nghiệp. Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được nhìn nhận đang có cơ hội rất lớn để vươn lên chiếm thị phần lớn trên thế giới về sản xuất công nghiệp và bản thân doanh nghiệp cũng rất lạc quan về cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh từ CMCN 4.0 (Singapore Digital Capacity Center, 2018).

Báo cáo tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045 nhận định, những công nghệ số - Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật và các nền tảng, ứng dụng dựa trên điện toán đám mây – sẽ mang lại tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hoạt động với hiệu quả vượt trội của châu Á, đồng thời mang lại mức sống cao hơn cho tất cả người dân Việt Nam trong những thập kỷ tới. Một nửa số hộ nông dân cho rằng, CMCN 4.0 có ích cho hoạt động kinh doanh của họ. Các ngành sản xuất nguyên vật liệu và các ngành sản xuất, chế tạo khác cũng có tỷ lệ tương tự.

Hiện thực hóa cơ hội trên, Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy và hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp. Các hiệp định tự do thương mại cũng là một áp lực và cơ hội cho thúc đẩy chuyển đổi số; Hiệp định EVFTA sẽ góp phần cải thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về chuyển đổi số theo cách “thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử giữa EU và Việt Nam” (Lê Duy Bình, Trần Thị Phương, 2020).

Như vậy, có thể nói CMCN 4.0 và chuyển đổi số được nhìn nhận mang lại cơ hội rất lớn cho Việt Nam và các doanh nghiệp trong kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để tận dụng thành công cơ hội này lại là một thách thức rất lớn. Theo Báo cáo EVFTA và nền kinh tế số ở Việt Nam, thách thức trong quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp là thiếu sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ban, ngành nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia về kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số diễn ra không đồng đều, đặc biệt trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; chậm chuyển đổi số ở một phía sẽ trở thành điểm nghẽn. Thiếu hụt lao động có kỹ năng cho chuyển đổi số cũng là thách thức chính đối với chuyển đổi số trong hiện tại và tương lai. Báo cáo tương lai nền kinh tế số Việt Nam cũng chỉ ra rằng, thiếu nguồn vốn, chi phí đầu tư cao và thiếu thông tin là các rào cản chính đối với đối với tiến trình số hóa ở các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo và nông nghiệp của Việt Nam, trong khi bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ có trình độ đổi mới và công nghệ thấp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, chuyển đổi số trong nội bộ doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức trong các khâu phối hợp phòng ban, chuyển đổi lao động…

Như vậy, cơ hội đã có và nhận thức được cơ hội của CMCN 4.0 và chuyển đổi số là đã rõ, nhưng thách thức là không ít, đặc biệt về nguồn nhân lực, vốn. Khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng lớn và thách thức này đến từ nhiều phía. Điều quan trọng hơn, chuyển đổi số là quá trình tất yếu, không thể không làm. Do đó, để tận dụng thành công chuyển đổi số sẽ đòi hỏi hành động quyết liệt, sự hợp tác của nhiều bên; Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng cần chủ động trong quá trình này, trước hết vì sự tồn tại, lợi ích và phát triển của chính mình. Nhiều chuyên gia khuyên rằng, cần hành động ngay, bắt đầu bằng tự tìm hiểu, hoạch định một kế hoạch và thực thi.

NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP CÙNG HỢP LỰC

Như vậy, để thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, bên cạnh vai trò quan trọng của Chính phủ, sẽ không thể thiếu sự hợp tác và chủ động, tích cực, đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp. Sự hợp tác này đỏi cả hai phía phải tiến cùng nhau và đặc biệt, Nhà nước không thể đi sau bởi nếu không, sẽ trở thành điểm nghẽn, lực cản. Về phía doanh nghiệp, có một số hạn chế nội tại mà chính họ phải nỗ lực vượt qua để nâng cao năng lực cạnh tranh, như: trình độ quản trị doanh nghiệp, kỹ năng kinh doanh, trách nhiệm xã hội, phương thức kinh doanh bền vững… Do đó, doanh nghiệp cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt lưu ý là phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ chữ tín trong kinh doanh. Chủ động và hành động quyết liệt nâng cao quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số; thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh hướng tới bền vững mới có thể vượt qua thách thức, biến cơ hội thành thành công./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) (2021). Báo cáo tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045

2. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018). Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn kinh tế thế giới

3. Lê Duy Bình, Trần Thị Phương (2020). Báo cáo kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam, Tài liệu chuẩn bị cho Chuỗi Hội nghị bàn tròn về EVFTA, EVIPA và Hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid -19 tại Việt Nam

4. World Economic Forum (2018). Global Competitiveness Report, GCI 4.0

5. Singapore Digital Capacity Center (2018). Report Industry 4.0: Reinvirogating ASEAN manufacturing for furutue

Phan Đức Hiếu

Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2 năm 2022)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư