Bức tranh kinh tế thế giới năm 2021 và triển vọng năm 2022

16:25 | 08/02/2022 Print
Năm 2021, kinh tế thế giới đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, lấy lại đà tăng trưởng bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, như: tăng trưởng ấn tượng của thương mại toàn cầu và sự phục hồi mạnh của dòng FDI, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như: các biến thể mới của Covid-19; phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia; xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng; áp lực lạm phát; sự tắc nghẽn trong cung ứng hàng hóa; giá năng lượng và biến động trong cạnh tranh địa chính trị. Sang năm 2022, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chủ yếu liên quan đến diễn biến của đại dịch.

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2021 và triển vọng năm 2022

Năm 2021, bên cạnh các kết quả tích cực, như: tăng trưởng ấn tượng của thương mại toàn cầu và sự phục hồi mạnh của dòng FDI, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức

NHÌN LẠI BỨC TRANH KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2021

Tăng trưởng hồi phục tốt và không đồng đều

Nhìn chung, kinh tế thế giới dần hồi phục sau thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong năm 2020 và đạt mức tăng trưởng cao vào quý II/2021 (EU 13,8%, Mỹ 12,2%, Trung Quốc 7,9%, Nhật Bản 7,3%...). Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, tác động đến các nền kinh tế ở các mức độ khác nhau. Do việc kiểm soát dịch, cũng như do quy mô và mức độ của các gói hỗ trợ ở các quốc gia khác nhau dẫn đến việc phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập, tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ước tính tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này năm 2021 khoảng 2,9%-3%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,6%-5,9% của kinh tế toàn cầu (Bảng 1).

Bảng 1: Tăng trưởng GDP năm 2021

Đơn vị: %

2019

2020

Ước năm 2021

WB (T6/2021)

IMF (T10/2021)

NCIF (T12/2021)

Thế giới

2,5

-3,5

5,6

5,9

5,9

Các nền kinh tế phát triển

1,6

-4,7

5,4

5,2

5,5

Các thị trường mới nổi vàquốc gia đang phát triển

3,8

-1,7

6,0

6,4

6,0

Các quốc gia thu nhập thấp

4,3

0,7

2,9

3,0[1]

-

Mỹ

2,2

-3,5

6,8

6,0

6,7

EU

1,9

-5,9

4,2

5,1

4,3

Trung Quốc

6,0

2,3

8,5

8,0

8,8

[1] Các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của WB, IMF, NCIF

(1) Các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp

Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tác động của các gói kích thích kinh tế, dự kiến tăng trưởng 6% trong năm 2021, sau khi giảm sâu -3,4% trong năm 2020 (IMF, 10/2021). Tuy nhiên, Mỹ cũng phải đối mặt với mức lạm phát kỷ lục, chạm mốc 6,2% so với cùng kỳ trong tháng 10/2021 và Cơ quan Dự trữ liên bang (FED) đã thông báo sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm và thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế trước đó [2].

Tại Trung Quốc, tăng trưởng đạt mức cao dù nước này áp dụng chiến lược Zero-Covid triệt để. Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội phục hồi kinh tế toàn cầu năm 2021 để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong 11 tháng tăng 31,3% và xuất khẩu tăng 31,1%. Mặc dù tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại vào nửa cuối năm 2021, nhưng nhìn chung mức tăng trưởng cả năm đạt 8% cao hơn so với giai đoạn trước năm 2019 (bình quân ở mức 6%-7%/năm).

Kinh tế châu Âu cho thấy sự phục hồi mạnh cả về GDP và việc làm sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng vào giữa năm 2021 (ước tính trong khoảng 4,5%-5,1%) [3]. Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế EU dẫn đến thiếu hụt về nguyên vật liệu và làm gia tăng giá cả hàng hóa, khiến mức lạm phát của khu vực được điều chỉnh dự báo từ 1,8% lên 2,2%.

Với Nhật Bản, kinh tế tăng trưởng thiếu ổn định và phục hồi chậm. Nhật Bản đối mặt với tăng trưởng âm 5,1 trong quý I/2021, đã tăng trở lại trong quý II, đạt mức tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến quý III, tăng trưởng của nước này giảm 3% và là lần thứ 5 trong 8 quý gần nhất Nhật Bản có tăng trưởng quý âm.

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2021 và triển vọng năm 2022
Do việc kiểm soát dịch, cũng như do quy mô và mức độ của các gói hỗ trợ ở các quốc gia khác nhau dẫn đến việc phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các khu vực

(2) Thương mại toàn cầu tăng nhanh kèm xu hướng bảo hộ tăng

Ước tính tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới năm 2021 tăng 10,8% so với năm 2020, gần về mức tăng trưởng dài hạn, trước khi dịch bệnh xảy ra. Sự phục hồi của thương mại chủ yếu là nhờ các mặt hàng liên quan đến Đại dịch và các hàng hóa tiêu dùng lâu bền. Mặc dù các vấn đề về phía cung, như: sự khan hiếm linh kiện bán dẫn hay tắc nghẽn các cảng biển có thể gây bất lợi trong một số lĩnh vực cụ thể, WTO nhận định, các yếu tố này không có tác động lớn đến tổng cầu. Bên cạnh các yếu tố tích cực, xu hướng bảo hộ thương mại trên toàn cầu vẫn gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Xu hướng này đã bắt đầu từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tuy nhiên Covid-19 làm gia tăng bảo hộ trong thương mại với sản phẩm liên quan đến năng lực phòng chống dịch. Nhiều quốc gia đã áp đặt các rào cản đối với xuất khẩu các sản phẩm y tế và giảm thuế nhập khẩu nông sản để tối đa hóa nguồn cung hàng hóa quan trọng cho thị trường nội địa.

(3) Đầu tư toàn cầu phục hồi rõ nét

Đầu tư toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau chuỗi dài suy giảm liên tục từ năm 2016 [4], dòng vốn FDI toàn cầu có dấu hiệu cải thiện nhờ triển vọng tích cực trong phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu. Theo số liệu của OECD, quy mô vốn FDI toàn cầu ước tính đạt 870 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, cao hơn gấp đôi so với nửa cuối năm 2020 và cao hơn 43% so với mức trước Đại dịch (năm 2019) [5]. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài FDI toàn cầu đứng ở mức 939 điểm trong tháng 9 (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước) – là điểm số cao nhất kể từ tháng 11 năm 2019. Điểm cần chú ý là, năm 2021, dòng vốn FDI các nền kinh tế phát triển đã tăng trưởng trở lại, ước tính đạt 424 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020).

Vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển cũng gia tăng [6], ước đạt 427 tỷ USD; trong đó, tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông và Đông Nam Á (25% so với cùng kỳ năm 2020) [7]. Cung cấp năng lượng và khí đốt; xây dựng; thông tin và truyền thông là những lĩnh vực có nhiều dự án đầu tư mới; tài chính và bảo hiểm, dược phẩm, thực phẩm, đồ uống và thuốc chủ yếu qua hình thức M&A. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa thực sự chắc chắn do tác động của dịch bệnh và việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang diễn ra.

(4) Áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng

Sau khi giảm trong nửa đầu năm 2020, lạm phát toàn cầu đã tăng nhanh trở lại mặc dù mức dự kiến sẽ vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu ở hầu hết các quốc gia. Theo dự báo của IMF (tháng 10/2021), lạm phát thế giới năm nay ở mức 4,7% [8]. Nguyên nhân chính là do: (1) Sự gián đoạn lưu thông hàng hóa, dịch vụ trên phạm vi toàn cầu đã đẩy giá cả hàng tiêu dùng, cũng như giá cả nguyên liệu, nhiên liệu thiết yếu và phục vụ sản xuất; (2) Việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế lớn tại nhiều quốc gia cũng góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát.

Hình 1: Lạm phát giai đoạn 2019-2021

Đơn vị: %

Nguồn: IMF tháng 10/2021

Nhiều nhận định cho rằng, áp lực lạm phát tăng làm thu hẹp không gian chính sách tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các quốc gia có thu nhập thấp có khả năng chịu thêm áp lực giá lương thực và lạm phát chung gia tăng, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói, trong khi các nền kinh tế đều đang nỗ lực phục hồi sau những tác động của đại dịch.

5) Biến động chuỗi giá trị toàn cầu

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đang tạo ra những nút thắt mới trong chuỗi cung ứng tại một số điểm nút, như: Đài Loan, Trung Quốc và Malaysia trong chuỗi bán dẫn. Ví dụ ở Malaysia, sản lượng chip giảm từ 15%-40%; tương tự như vậy ở Đài Loan, dịch bệnh và hạn hán cũng làm sản xuất chip bị đình trệ. Các nhà sản xuất trong ngành điện tử cảnh báo, sự thiếu hụt chip có thể kéo dài ít nhất là giữa năm 2022, do đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù các nhà sản xuất chip cũng đang đầu tư xây dựng các nhà máy mới, nhưng thời gian để hoàn thành có thể lên tới 2 năm. Thiếu hụt nguồn cung đồng thời cũng làm cho nhiều doanh nghiệp ở cuối nguồn gia tăng dự trữ chip. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới các ngành sản xuất ô tô và điện tử, nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất và giảm nhân công. Theo nhiều phân tích, thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn và các sự cố trong lĩnh vực logistics toàn cầu có thể khiến các công ty đa quốc gia xem xét nghiêm túc hơn việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Động lực tái cấu trúc do đại dịch thậm chí được đánh giá còn lớn hơn so với từ việc tăng thuế do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị. Đối với nhiều hàng hóa, Trung Quốc là trung tâm của các chuỗi giá trị, với nhiều vai trò: (i) Nhà sản xuất chính các sản phẩm và linh kiện có giá trị cao; (ii) Khách hàng lớn tiếp nhận các hàng hóa và sản phẩm công nghiệp toàn cầu; và (iii) Thị trường tiêu dùng lớn. Các biện pháp nghiêm ngặt nhằm chống dịch Covid-19 của Trung Quốc năm 2021 làm tê liệt hàng loạt chuỗi cung ứng, từ điện tử cho tới dược phẩm. Các công ty hoạt động tại Trung Quốc không chỉ đối mặt với rủi ro về chi phí lao động tại Trung Quốc tăng và thuế của Mỹ, mà còn đối mặt với rủi ro về phụ thuộc thị trường, khiến cho xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc được đẩy mạnh. Tuy vậy, làn sóng dịch Covid-19 ở một số nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam trong năm 2021 đã khiến một số công ty đã có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc, như: Apple, Google, phải hoãn kế hoạch dịch chuyển sản xuất trước đó và tạm thời vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc.

TRIỂN VỌNG KINH TẾ THẾ GIỚI 2022

Tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng vẫn tiếp tục

Kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục phục hồi nhanh nhanh nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo tăng trong khoảng từ 4,3%-4,9% trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, như: Mỹ, EU, Trung Quốc. Triển vọng lạc quan của kinh tế thế giới phản ánh nỗ lực của các chính phủ và vai trò của các thể chế đa phương trong hỗ trợ các nền kinh tế khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

Bảng 2: Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2022

Đơn vị: %

IMF (10/2021)

NCIF (12/2021)

Thế giới

4,9

4,3

Các nền kinh tế phát triển

4,4

4,0

Các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển

5,2

4,7

Mỹ

4,9

3,7

EU

4,4

3,9

Trung Quốc

5,7

5,7

Nguồn: Tổng hợp từ IMF, WB và NCIF

Thương mại toàn cầu tiếp tục xu thế phục hồi. Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại trong năm 2022 và những năm sau đó, nhưng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng 7% trong năm 2022 (IMF, 10/2021). Trong đó, thương mại hàng hóa và dịch vụ của các nước phát triển tăng 7,1% và các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi được dự báo tăng 6,9%.

Dòng vốn đầu tư khả quan hơn trong thời gian tới

Dòng vốn FDI được dự báo tăng thêm 15%-20% trong năm 2022 với tình hình kinh tế và y tế tiếp tục được cải thiện, đạt mức 1,4 nghìn tỷ USD, về gần mức trước đại dịch. Tuy nhiên, diễn biến phục hồi FDI còn phụ thuộc rất lớn vào quy mô các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Mặc dù tổng giá trị của các gói hỗ trợ phục hồi đã đạt mức 3,5 nghìn tỷ USD, phần lớn tài chính phục hồi là của các nền kinh tế phát triển và một số thị trường mới nổi lớn. Các nước đang phát triển chỉ chiếm khoảng 10% tổng kế hoạch chi tiêu phục hồi. Điều này khiến cho áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI gia tăng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi.

  • 2: Dòng vốn FDI toàn cầu

Đơn vị: Tỷ USD

Nguồn: UNCTAD, 2021

MỘT SỐ RỦI RO CẦN LƯU Ý

Bên cạnh các yếu tố tích cực, như: các biện pháp phòng dịch hiệu quả cho phép các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, của thương mại toàn cầu và đầu tư toàn cầu cùng với các gói hỗ trợ kinh tế lớn, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, chủ yếu liên quan đến diễn biến của dịch bệnh.

Rủi ro đại dịch tiếp tục kéo dài

Với sự hình thành các biến chủng mới, dự kiến đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong năm 2022, cùng với đó là tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận và phân phối vắc xin ở quy mô toàn cầu chưa thể giải quyết dứt điểm. Tình trạng khó kiểm soát của dịch bệnh tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế toàn cầu sẽ làm thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội thế giới.

Rủi ro lạm phát chủ yếu liên quan đến việc cung ứng hàng hóa

Sự khác biệt về năng lực y tế, cũng như các biện pháp kiểm soát dịch bệnh giữa các quốc gia khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng gây thiếu hụt nguồn cung, làm đẩy giá hàng hóa, đặc biệt nhóm hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lạm phát ở nhiều quốc gia. Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho thấy, áp lực lạm phát dự báo tăng cao đến hết quý I/2022, đặc biệt là ở các nước đang phục hồi mạnh, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Theo tính toán của NCIF, mức lạm phát của Mỹ sau khi đạt đỉnh 4,6% trong quý IV/2021 sẽ giảm dần xuống 3,2% trong quý I/2022, nhưng vẫn duy trì khoảng 2% trong những quý tiếp theo. Lạm phát của Trung Quốc tăng từ 2,5% trong quý III/2021 lên 3,7% vào quý IV/2021, 3,3% vào quý I/2022, sau đó giảm xuống mức ổn định gần 2%. Tương tự, Nhật Bản cũng đối mặt với áp lực lạm phát cao hơn trong thời gian từ quý III/2021 đến quý I/2022.

Lạm phát trên thế giới có thể ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam thông qua nhập khẩu đầu vào. Việc tăng giá nguyên liệu cơ bản, như: dầu, sắt thép, thực phẩm và chip điện tử gây ảnh hưởng tới giá sản xuất của rất nhiều loại đầu vào trung gian nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước, từ đó ảnh hưởng tới giá tiêu dùng. Biến động giá dầu có thể ảnh hưởng rất lớn tới lạm phát vào giữa năm 2022 (Hình 3). Bên cạnh đó, với giá nông sản, mặc dù giá thế giới tăng có thể có những tác động tích cực, nhưng có thể khiến cho lạm phát của Việt Nam tăng thêm 0,76 điểm % trong năm 2021 và 0,33 điểm % trong năm 2022.

Kinh tế thế giới đối mặt với khả năng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu

Các dự báo đều cho rằng, việc thắt chặt các điều kiện tài chính sẽ được thể hiện rõ ràng hơn từ năm 2022. Khả năng này bắt nguồn từ các lo ngại trước nguy cơ các biện pháp kích thích tài khóa quy mô lớn và các biện pháp nới lỏng tiền tệ chưa từng có nhằm hỗ trợ phục hồi tăng tưởng kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 làm gia tăng tình trạng mất cân bằng. Kinh tế toàn cầu đã và đang bộc lộ tình trạng rủi ro cao:

(1) Lạm phát tại Mỹ tăng nhanh dẫn đến khả năng nước này sớm thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định tình hình - điều khiến lợi suất trái phiếu tăng, dù không có sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế.

(2) Sự suy giảm giá trị doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lan rộng, trong khi thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm mạnh, làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản.

(3) Gánh nặng nợ và bong bóng trên các thị trường tài sản, khi lợi suất trái phiếu tăng tại khu vực Eurozone. Báo cáo đánh giá về sự ổn định tài chính công bố ngày 19/5/2021 của Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính ở khu vực này khi thoát khỏi đại dịch với gánh nặng nợ và bong bóng đáng kể trên các thị trường khi lợi suất trái phiếu tăng. Trong trường hợp thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh 10%, các điều kiện tài chính ở Eurozone có thể bị thắt chặt đáng kể, khoảng 1/3.

Rủi ro thương mại quốc tế

Mặc dù được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, thương mại toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do sự khác biệt trong quá trình phục hồi giữa các nền kinh tế, sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu và thay đổi trong cơ cấu hàng tiêu dùng, cũng như những bất ổn về kinh tế vĩ mô và nợ công gia tăng do dịch bệnh. Đáng chú ý là tốc độ tăng xuất khẩu cũng có thể không được mạnh mẽ như năm 2021 vì nhiều lý do; trong đó, quan trọng là thu nhập giảm và phục hồi chậm làm nhu cầu hàng xuất khẩu không tăng nhanh.

Rủi ro từ việc tổ chức lại các chuỗi giá trị toàn cầu

Việc tổ chức lại các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không dễ dàng và không đồng đều giữa các ngành, nó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng và công nghệ mới, cũng như tìm kiếm các nhà cung cấp mới, đáng tin cậy. Việc từ bỏ cơ sở công nghiệp ở nhiều nước phát triển đã làm giảm sự sẵn có của nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian, có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt trong một số chuỗi.

MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, với những rủi ro như trên đã phân tích, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2021 và triển vọng năm 2022

Trên thị trường quốc tế, nhu cầu nhập khẩu dự báo sẽ bùng nổ nhanh do sức cầu bị nén từ giai đoạn trước, trong khi nguồn cung từ châu Á đang bị hạn chế do đang phải chống chịu làn sóng mới từ Covid-19. Tận dụng được thời điểm này có tác dụng rất tốt trong việc xác lập các đơn hàng mới và có khả năng trở thành các mối xuất khẩu mới.

TS. Trần Toàn Thắng

Dự kiến, trong thời gian tới, nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn, do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch.

Từ cơ hội bên ngoài, như đã phân tích, trong cả ngắn và trung hạn, cơ hội là lớn, bao gồm: sự phục hồi nhanh của các nền kinh tế phát triển với tỷ lệ tiêm vắc xin cao cho thấy khả năng phục hồi của các quốc gia này là bền vững hơn, nhất là EU và Mỹ. Chính vì vậy, nhu cầu nhập khẩu do sức cầu bị nén từ giai đoạn trước sẽ bùng nổ nhanh, trong khi nguồn cung từ châu Á đang bị hạn chế, do đang phải chống chịu làn sóng mới từ Covid-19. Tận dụng được thời điểm này có tác dụng rất tốt trong việc xác lập các đơn hàng mới và có khả năng trở thành các mối xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý một số thách thức từ thị trường bên ngoài. Tác động của các gói hỗ trợ (và khả năng phục hồi) có thể kéo dài đến năm 2024, sau đó giảm nhanh. Kết hợp với giá đầu vào và chi phí logistics có xu hướng tăng, khó đảm bảo kích thích được xuất khẩu, hoặc làm giảm hiệu quả xuất khẩu. Trong trường hợp đó, giảm chi phí xuất khẩu từ trong nước là biện pháp có thể cần phải thực hiện triệt để ngay trong thời gian tới và trong trung hạn.

Không giống như năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng đó là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực bên trong. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là mặt bằng và lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian gần. Chính phủ vừa ban hành chính sách về thu hút doanh nghiệp FDI lớn với những ưu đãi đặc biệt (Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg, ngày 06/10/2021). Văn bản này cần được quảng bá và triển khai sớm nhằm tận dụng nhanh được cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư./.


[1] Các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp

[2] Cụ thể, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn. Kế hoạch mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng theo đó sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến. Theo đó, từ tháng 1/2022, quy mô chương trình này sẽ chỉ còn 60 tỷ USD/tháng, bằng 50% so với giai đoạn trước tháng 11/2020. Sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc, FED sẽ bắt đầu tiến hành tăng lãi suất, dự kiến ở mức 0,9% vào cuối năm 2022, tương ứng với khoảng 3 lần tăng lãi suất. Mức lãi suất dự kiến cho năm 2023 và 2024 dự kiến đạt lần lượt 1,6% và 2,1%.

[3] Cụ thể, S&P Global đã nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực này từ 4,4% lên 5,1% trong năm 2021. Trong khi đó, EC dự báo nền kinh tế khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 5%, thay vì 4,8% như dự báo trước đó.

[4] Quy mô dòng vốn FDI toàn cầu năm 2017 là 1,64 nghìn tỷ USD, năm 2018 giảm còn 1,43 nghìn tỷ USD. Năm 2019, dòng vốn FDI toàn cầu phục hồi nhẹ so với năm 2018 nhờ các chính sách cải cách thuế ở các nước phát triển, nhưng ngay lập tức giảm sâu vào năm 2020 dưới tác động của đại dịch Covid-19, ước tính giảm tới 34,7% - là mức thấp nhất kể từ năm 2005 và thấp hơn gần 20% so với mức đáy năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

[5] https://www.oecd.org/investment/investment-policy/FDI-in-Figures-October-2021.pdf

[6] Năm 2020, dòng vốn FDI giảm mạnh ở các nền kinh tế phát triển (giảm 58,3% so với năm 2019) và giảm hơn 8% ở các nền kinh tế đang phát triển. Tỷ trọng vốn FDI của các nền kinh tế đang phát triển năm 2020 đã chiếm tới 66% tổng vốn FDI toàn cầu.

[7] https://unctad.org/news/global-investment-flows-rebound-first-half-2021-recovery-highly-uneven

[8] World Economic Outlook database: October 2021Giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng ảnh hưởng tích cực tới sản xuất và thu nhập do Việt Nam là nước xuất khẩu thuần (net exporter). Ví dụ, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2021 giảm 10,8% về khối lượng, nhưng vẫn tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, do giá gạo thế giới tăng. Đây cũng là mặt hàng ảnh hưởng lớn tới CPI, do thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị Thanh Bình (2021). Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam, truy cập từ http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-kinh-te-so-o-trung-quoc-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam.htm

2. Võ Giang (2021). Nền kinh tế số Indonesia có thể dẫn đầu Đông Nam Á vào năm 2025, truy cập từhttps://vov.vn/the-gioi/nen-kinh-te-so-indonesia-co-the-dan-dau-dong-nam-a-vao-nam-2025-905413.vov3. ILO (2021). ILO Monitor: COVID-19 and the world of work, Eighth edition

4. IMF (2021). World Economic Outlook database, October 2021

5. IndustryToday (2021). 85% Increase Investment in Digital Transformation, retrieved from https://industrytoday.com/85-increase-investment-in-digital-transformation/

6. UNCTAD (2021). Global investment flows rebound in first half of 2021, recovery highly uneven, retrieved from https://unctad.org/news/global-investment-flows-rebound-first-half-2021-recovery-highly-uneven

7. OECD (2021). FDI in figures, retrieved from https://www.oecd.org/investment/investment-policy/FDI-in-Figures-October-2021.pdf

8. WB (2021). Global Economic Prospect

TS. Trần Toàn Thắng

Nguyễn Thị Thùy Trang

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF)

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2 năm 2022)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư