e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Nghiên cứu - Trao đổi

Ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam

07:37 | 13/02/2022 Print
Công nghệ tài chính (Fintech) là thuật ngữ không còn xa lạ hiện nay. Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội phát triển, ứng dụng Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đánh giá thực trạng ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển lĩnh vực này.

THẾ NÀO LÀ FINTECH?

Trong giai đoạn đầu phát triển, Fintech, một thuật ngữ được ghép từ hai thuật ngữ riêng biệt “Financial” và “Technology”, thường được dùng để mô tả quá trình ứng dụng các công nghệ mới nhằm tự động hóa việc cung ứng và sử dụng dịch vụ tài chính.

Ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam

Khi đó, các định chế tài chính tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra các phần mềm chuyên dụng để nâng cao hiệu quả của các giao dịch tài chính. Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ mới dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hàm ý của thuật ngữ Fintech đã có sự mở rộng theo hướng tiếp cận đến khách hàng nhiều hơn. Cụ thể, đó là việc ứng dụng các phát minh về công nghệ mới nhằm gia tăng số lượng khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính, như: gọi vốn trực tuyến, cho vay ngang hàng, thanh toán và chuyển tiền tự động, quản lý tài chính cá nhân, quản trị đầu tư, bảo hiểm, quản trị rủi ro… (Gregor Dorfleitner và cộng sự, 2017).

Các công ty Fintech được chia thành 2 nhóm: (i) Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện phương thức các cá nhân vay tiền, thấu chi, quản lý tài chính cá nhân, tài trợ vốn cho các startup; (ii) Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính, tập trung là các ngân hàng. Phạm vi nghiên cứu của bài viết này chỉ tập trung thảo luận về các ứng dụng của Fintech trong việc tạo ra các dịch vụ hỗ trợ ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.

ỨNG DỤNG FINTECH TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM

Những kết quả đạt được

Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, ngày 12/08/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) cho hoạt động Fintech, nghiên cứu cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng... Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Trong quá trình thử nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi chặt chẽ đối với tất cả rủi ro phát sinh, đánh giá rủi ro, tác động của nó cũng như khả năng thất bại và thành công của giải pháp. Từ đó, cơ quan quản lý triển khai phương án phù hợp, bao gồm: chấm dứt ngay hoạt động thử nghiệm, điều chỉnh hoặc không cho triển khai sau thời gian thử nghiệm. Sau quá trình thử nghiệm, sẽ có đánh giá giải pháp hiệu quả, có tác động tích cực đến sự đổi mới sáng tạo và phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng, kiểm soát tốt rủi ro…, từ đó xem xét cho triển khai chính thức.

Về phía Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tiếp cận với Fintech thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Fintech vào tháng 3/2017 với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái Fintech (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã và đang trong quá trình thực hiện những hành động để cụ thể hóa nhiệm vụ này, như: nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech để có giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech; phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức cuộc thi Fintech Challenge Vietnam năm 2018 và năm 2019 nhằm tạo sân chơi cho các công ty Fintech trong và ngoài nước giới thiệu các giải pháp, qua đó phát hiện và nuôi dưỡng các doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của thị trường; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động lĩnh vực Fintech trong lĩnh vực thanh toán (như: QR Code, thẻ chip...); nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (open API), cho vay ngang hàng...

Các ngân hàng và tổ chức tín dụng Việt Nam cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội từ Fintech và đang chủ động tích cực triển khai theo chiến lược kinh doanh, theo nguồn lực tài chính, cũng như theo khả năng ứng dụng của mình. Cụ thể, các ngân hàng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại để cho ra đời các sản phẩm dịch vụ gắn với chiến lược kinh doanh, rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên. Đồng thời, liên tục cập nhật, ứng dụng các công nghệ mới để cải tiến và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới từ các sản phẩm và tính năng trên các kênh điện tử, như: ngân hàng điện tử, ATM, sản phẩm trên điện thoại di động; triển khai mô hình ngân hàng không chi nhánh và chi nhánh ngân hàng điện tử; ứng dụng thanh toán không dùng thẻ… nhằm gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng trong hoạt động thanh toán.

Vì vậy, dù mới ra đời vài năm gần đây, nhưng hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có đến 72% công ty Fintech đã liên kết với ngân hàng tại Việt Nam; trong đó, 14% phát triển dịch vụ mới và chỉ có 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng. Hiện có 39 công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, trong đó, 5 ví điện tử lớn nhất là: MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và Vietel Pay. Với hơn 4 triệu người tiêu dùng, toàn hệ thống xử lý lên tới 214,6 triệu món giao dịch với số tiền trên 91.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending) có hơn 40 công ty Fintech hoạt động cung cấp sản phẩm cho vay nhanh (Ánh Tuyết, 2021).

Khó khăn, hạn chế

Dù đạt được nhiều kết quả, song ứng dụng Fintech vào lĩnh vực ngân hàng còn nhiều hạn chế, có thể kể đến như sau:

Một là, thiếu hành lang pháp lý đồng bộ từ các cơ quan quản lý cho hoạt động ngân hàng số; thiếu quy định về việc quản lý, trao đổi, chia sẻ dữ liệu khách hàng hỗ trợ cho việc ứng dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây… vào hoạt động của các ngân hàng.

Hơn nữa, quy định bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính cung ứng bởi Fintech vẫn đang bỏ ngỏ. Lợi dụng kẽ hở này, gần đây nhiều công ty Fintech đã huy động tiền gửi của khách hàng theo mô hình đa cấp với mục đích lừa đảo. Một loạt công ty Fintech vỡ nợ và không có khả năng chi trả cho người gửi tiền cho thấy sự thiếu vắng các quy định chi tiết không những về bảo đảm an toàn mà còn về bảo đảm quyền của người tiêu dùng lĩnh vực tài chính đặc thù này.

Ngoài ra, thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ. Còn tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, đặc biệt là về hoạt động của ví điện tử, Mobile Money.

Hai là, ngành ngân hàng hiện nay đang phải đối mặt với xu hướng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực chuyên sâu gắn với ngân hàng và công nghệ. Việc chuyển đổi số ngân hàng đòi hỏi lực lượng nhân sự nắm vững về các công nghệ mới nổi của Cách mạng công nghiệp 4.0, như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain... Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo trong nước chưa đáp ứng được khi các chương trình đào tạo đại học còn thay đổi chậm so với xu thế.

Ba là, Fintech cũng gây rủi ro mất dữ liệu, thông tin của người tiêu dùng. Mặt khác, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro đối với hệ thống thanh toán của Việt Nam, như: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và đặc biệt là rủi ro tấn công công nghệ.

Điều này xuất phát từ nhận thức của các ngân hàng trong việc ứng dụng Fintech còn ở mức độ hạn chế. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đều cho rằng, hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của mình đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Song trên thực tế, hạ tầng an ninh bảo mật và hệ thống quản trị, giám sát được đánh giá đáp ứng ở mức độ thấp so với các yêu cầu của tương lai. Điều này phản ánh hiện trạng của việc các ngân hàng vẫn chủ yếu phát triển hạ tầng mạng để phục vụ việc vận hành và phát triển sản phẩm nhiều hơn là việc đầu tư vào việc bảo đảm an toàn bảo mật và giám sát hoạt động ngân hàng.

MỘT VÀI ĐỀ XUẤT

Để đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp lý về Fintech. Hiện tại, cơ sở pháp lý cho Fintech mới chỉ là những quy định đơn giản, ban đầu. Chính vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này. Một số vấn đề trọng tâm của Fintech cần có chính sách quản lý phù hợp trong thời gian sớm nhất, bao gồm: công nghệ blockchain và ứng dụng của nó trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; huy động và cho vay hàng ngang; giao diện chương trình ứng dụng (API); hệ thống định danh khách hàng điện tử (e-ID) phục vụ cho việc nhận biết khách hàng (KYC).

Các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái và đề xuất phương thức quản lý lĩnh vực Fintech tại Việt Nam là rất quan trọng, cần bảo đảm nguyên tắc nhất quán, hiệu quả và sự đồng thuận cao. Do đó, việc giao đơn vị đầu mối triển khai nghiên cứu các nội dung cụ thể của Fintech cần được phân công thông qua đầu mối tham mưu thống nhất cho Ban Chỉ đạo Fintech là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, Cơ quan thường trực cũng là đầu mối tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các thành viên trong cộng đồng Fintech Việt Nam và phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế - Ngân hàng Nhà nước đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về Fintech trong bối cảnh hoạt động Fintech tại Việt Nam đang hội nhập với khu vực và thế giới.

Mặt khác, cần xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và nền kinh tế. Tiếp tục ban hành các chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn; tạo môi trường cho đầu tư Fintech, hợp tác với các ngân hàng.

Thứ hai, cải thiện cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ chung, cũng như xây dựng, hình thành hệ sinh thái cần thiết cho công nghệ số phát triển, tạo sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu thuận lợi giữa các hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp nói chung, các ngân hàng nói riêng. Việc này có ý nghĩa tổng thể, căn bản, lâu dài, đồng thời giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí của xã hội. Điều này đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của không chỉ của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng mà còn từ phía Chính phủ. Trong đó, Chính phủ cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ quốc gia, ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính. Phát triển các hạ tầng nền tảng, bao gồm cơ sở hạ tầng về viễn thông, kỹ thuật số và tài chính (như: internet băng thông rộng, các dịch vụ dữ liệu di động, kho dữ liệu, các dịch vụ thanh toán, quyết toán...) tạo điều kiện cho việc thu thập, xử lý và truyền dữ liệu hiệu quả với chi phí thấp; xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ định danh điện tử tập trung (e-KYC/e-ID), do một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cấp phát, quản lý, lưu trữ. Cơ sở dữ liệu này cần cung cấp một cổng truy xuất công cộng, cho phép tất cả các tổ chức xã hội khi cần có thể truy xuất dữ liệu qua một tiêu chuẩn kết nối đã được quy định để thực hiện xác thực nhận dạng điện tử cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính bất kỳ và nghiên cứu xu hướng ngân hàng mở (open banking), tiếp cận mở tới thông tin tài khoản khách hàng.

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ứng dụng, quản lý và phát triển Fintech. Việc đào tạo về Fintech là vô cùng cần thiết để đáp ứng cả kiến thức về công nghệ và nghiệp vụ tài chính ngân hàng. Do đó, các trường cần bổ sung đào tạo cho sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng những kiến thức chuyên sâu về công nghệ, như: dữ liệu lớn, mạng ngang hàng, ngân hàng số, bảo mật, an ninh thông tin, hệ thống thông tin tài chính... Triển khai đào tạo chương trình cử nhân Fintech cùng với một số ngành khác, như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, kinh doanh số... Đặc biệt, ngôn ngữ được sử dụng rất nhiều trong Fintech là tiếng Anh, nếu không thạo tiếng Anh thì không làm được việc. Vì vậy, các trường cũng cần chú ý đến kỹ năng này cho sinh viên.

Mặt khác, các trường cần kết nối với các ngân hàng, công ty Fintech thường xuyên tổ chức thực tập và trao đổi, tạo điều kiện cho người học tiếp cận thực tiễn và nghiên cứu các giải pháp sáng tạo về công nghệ, mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ...

Phía các ngân hàng cần có chính sách đào tạo lực lượng lao động tại chỗ sao cho họ không chỉ giỏi kiến thức chuyên ngành mà phải am hiểu về các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ trong dịch vụ tài chính để tham gia vào hoạt động Fintech, hạn chế tối đa việc sa thải nhân viên không phù hợp yêu cầu của thời đại mới. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế, như: ADB, WB... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong quản lý các doanh nghiệp Fintech.

Thứ tư, tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin. Cần có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán quan trọng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên chủ động theo dõi, cập nhật tình hình an ninh mạng trong nước và quốc tế để cảnh báo cũng như chỉ đạo các đơn vị kịp thời phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật công nghệ thông tin.

Để nền kinh tế có thể chịu được cú sốc rủi ro tài chính tốt hơn khi Fintech cung cấp các dịch vụ tài chính, Chính phủ cũng cần đối chiếu với các quy định bảo đảm an toàn của ngân hàng để áp dụng. Ví dụ, quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, quy định mua bảo hiểm tiền gửi bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu… Cũng như vậy, khi Fintech kết hợp với ngân hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ Fintech qua ngân hàng, thì các hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính cần thực hiện theo quy định của hệ thống ngân hàng.

Bản thân các ngân hàng phải cập nhật các tiêu chuẩn an toàn thông tin để tiếp cận dần với các chuẩn mực an toàn thông tin của thế giới. Phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trên không gian mạng, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gian lận, lừa đảo trong giao dịch thương mại điện tử, từ đó tạo dựng niềm tin cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ trong hệ sinh thái số.

Thứ năm, công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức tài chính trong xã hội về kinh tế số, tài chính số cần được quan tâm đẩy mạnh, giúp cho khách hàng sử dụng đúng cách và biết tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể gây ra từ Fintech. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn... để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ mới, phổ cập kiến thức về Fintech./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

2. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngày 12/08/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

3. Ngân hàng Nhà nước (2017). Quyết định số 328/QĐ-NHNN, ngày 16/3/2017 về việc thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính

4. Học viện Ngân hàng (2021). Tài liệu Hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech”, ngày 04/10/2021

5. Nguyễn Thị Hiền, Phạm Thu Hương (2019). Ứng dụng Fintech trong kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Thương mại, số 130/2019

6. Lê Thị Khương (2020). Tác động của Fintech đối với hệ thống ngân hàng - Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam, Chuyên đề Tin học ngân hàng số 2/2020

7. Vũ Thị Ánh Tuyết, Vũ Thị Thanh Thủy (2021). Ứng dụng và phát triển Fintech tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 6/2021

8. Ánh Tuyết (2021). Ai đang cản đường Fintech?, truy cập từ https://vneconomy.vn/ai-dang-can-duong-Fintech.htm

9. European Parliament (2017). Report on Fintech: The influence of Fintech on the future of the financial sector, Committee on Economic and Monetary Affairs

10. Frost, Sullivan (2016), The Fintech in Australia - Trends, Forecasts and Analysis 2015-2020, State Government of Australia

11. Gregor Dorfleitner, Lars Hornuf, Matthias Schmitt, Martina Weber (2017). Definition of Fintech and Description of the Fintech Industry, Springer

TS. Lê Thanh Huyền

Trường Đại học Hòa Bình

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư