Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Chương Mỹ, TP. Hà Nội

10:56 | 31/07/2022 Print
Kho bạc Nhà nước (KBNN) Chương Mỹ là tổ chức trực thuộc KBNN Hà Nội, có chức năng thực hiện nhiệm vụ KBNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Những năm qua, thông qua công tác kiểm soát chi, KBNN Chương Mỹ đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí và đem lại hiệu quả kinh tế trong sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn Huyện. Mặc dù vậy, hoạt động kiểm soát chi thường xuyên qua KBNN Chương Mỹ vẫn đang còn một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Về hoạt động kiểm soát các khoản thanh toán cá nhân

Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Chương Mỹ, TP. Hà Nội

Theo số liệu báo cáo KBNN Chương Mỹ, đến hết năm 2020, 100% các đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn huyện Chương Mỹ đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các khoản thanh toán cá nhân trong 3 năm (2018-2020) đều có xu thế tăng lên, trong đó có thanh toán học bổng học sinh, tiền thưởng và các khoản thanh toán khác có tốc dộ phát triển bình quân từ 118,78% đến 128,63%. Các khoản chi tiền lương và phụ cấp chiếm tỷ trọng cao nhất và cũng có tốc độ phát triển tăng lên hàng năm từ hơn 4% đến hơn 8% (Bảng 1). Các khoản còn lại đều chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng tốc độ phát triển tăng lên hàng năm khá cao. Thông qua công tác kiểm soát chi, KBNN Chương Mỹ đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí và đem lại hiệu quả kinh tế trong sử dụng NSNN.

Về tình hình chi nghiệp vụ chuyên môn

Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Chương Mỹ, TP. Hà Nội

Kết quả kiểm soát chi nghiệp vụ chuyên môn (Bảng 2) cho thấy, ngoài 2 khoản chi có tốc độ phát triển bình quân giảm là chi cho hội nghị và công tác phí đều dưới 100%, còn lại các khoản chi cho nghiệp vụ chuyên môn tăng dần qua các năm. Điều này chứng tỏ các đơn vị sử dụng NSNN đã chú trọng đầu tư tài chính vào các hoạt động chuyên môn, nhằm tăng chất lượng cung cấp dịch vụ công và chất lượng phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Trong 3 năm (2018-2020), tình hình các khoản chi nghiệp vụ tăng giảm không đều, trừ năm 2019, một số khoản chi có xu hướng giảm, còn lại hầu hết các khoản chi năm sau cao hơn năm trước, có biến động liên tục khá rõ, đặc biệt năm 2020, việc mua tài sản dùng vào công tác chuyên môn tăng lên.

Về tình hình các khoản chi mua sắm, sửa chữa

Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Chương Mỹ, TP. Hà Nội

Kết quả Bảng 3 cho thấy, trong 3 năm qua, các khoản chi cho mua sắm và sửa chữa lớn đều tăng lên mạnh với tốc độ phát triển bình quân đạt từ 130,56% đến 230,24%. Đặc biệt, khoản tài sản vô hình năm 2019 so với năm 2018 tăng lên hơn 400%; đây là khoản tăng đột biến, nhưng số tiền không nhiều, chỉ có 490 triệu đồng. Nhìn chung, công tác kiểm soát mua sắm, sửa chữa lớn qua KBNN Chương Mỹ thực hiện khá chặt chẽ.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn tồn tại một số bộ hồ sơ thanh toán chưa lôgic về mặt thời gian, còn thiếu các yếu tố trên hợp đồng hay còn thiếu hồ sơ thủ tục, do sơ xuất trong quá trình thực hiện thanh toán cho các đơn vị sử dụng NSNN (Bảng 4).

Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Chương Mỹ, TP. Hà Nội

MỘT SỐ HẠN CHẾ

Thứ nhất, việc kiểm soát chi những khoản xây dựng nhỏ và sửa chữa tài sản cố định từ kinh phí thường xuyên còn nhiều bất cập. Trên thực tế, chưa có văn bản nào quy định rõ thế nào là sửa chữa lớn hay sửa chữa thường xuyên để có chế độ kiểm soát phù hợp.

Thứ hai, trong thanh toán tiếp khách, dù có định mức chi cho từng đối tượng, nhưng không có quy định số lượng người tiếp và đơn vị phải cung cấp danh sách khách được tiếp, nên KBNN không có sơ sở để áp dụng định mức chi trong kiểm soát.

Thứ ba, trong mua sắm tài sản, trang thiết bị, dù có định mức chi cho từng đối tượng, nhưng mức chi không phù hợp với thực tế, nên đơn vị sử dụng ngân sách đã chế biến chứng từ. Hồ sơ đơn vị sử dụng ngân sách mang đến gửi KBNN đề nghị thanh toán nếu không có danh mục mua sắm cụ thể trong dự toán được duyệt, hồ sơ pháp lý, thì chưa đảm bảo, không đúng thẩm quyền phê duyệt. Điều này gây khó khăn cho KBNN trong quá trình kiểm soát.

Hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Chương Mỹ, TP. Hà Nội

Thứ tư, phối hợp giữa các ban ngành chính quyền địa phương phối hợp chưa được nhịp nhàng trong các nhiệm vụ nói chung và tổ chức kiểm soát chi thường xuyên nói riêng dẫn đến chế độ, chính sách đơn vị không nắm bắt kịp thời. Nhiều đơn vị sử dụng ngân sách chưa nhận thức hết được trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát chi NSNN, mà cho rằng đây là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía KBNN.

Thứ năm, số lượng công chức làm công tác kiểm soát chi hiện nay còn thiếu về số lượng so với nhiệm vụ kiểm soát chi ngày càng nặng nề. Tại KBNN Chương Mỹ, tổ Kế toán có 12 công chức, trong đó: 1 công chức lãnh đạo, còn lại 11 công chức trực tiếp làm công tác nội bộ và kiểm soát chi. Trình độ chuyên môn của công chức làm công tác kiểm soát chi còn chưa cao, mặc dù đã được sự quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lãnh đạo cơ quan, nhưng thực chất là kinh nghiệm chuyên môn chưa có nhiều (nhiều công chức mới làm công tác kiểm soát chi được 1-2 năm), nên chưa có kiến thức chuyên sâu.

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT CHI THƯỜNG XUYÊN QUA KBNN CHƯƠNG MỸ

Một là, tổ chức triển khai quy trình kiểm soát chi thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế

Phân công nhiệm vụ kiểm soát chi phù hợp với trình độ, năng lực của công chức làm công tác kiểm soát chi. Việc phân công công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi cần thực hiện theo đơn vị sử dụng ngân sách, theo nhóm đơn vị thuộc cùng cấp ngân sách, cùng ngành, lĩnh vực và theo tính chất chi của nội dung chi NSNN. Có như vậy, công tác kiểm soát chi thường xuyên mới có tính chuyên sâu, phát huy được hiệu quả.

Các quy định về kiểm soát chi NSNN, như: quy trình kiểm soát thanh toán, hồ sơ, thủ tục, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, phải được hiểu và thống nhất chỉ đạo thực hiện. Tránh tình trạng có sai biệt theo từng địa bàn dễ gây ra sự hiểu lầm dẫn đến việc không chấp hành các quy định của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt là những quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc những quy định có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.

Hai là, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên

Qua khảo sát thực tế, đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên tại KBNN Chương Mỹ tuy đều có trình độ đại học, nhưng kiến thức và năng lực tổng hợp, kỹ năng làm việc còn thiếu và yếu, nhất là kiến thức kinh tế ngành. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chi thường xuyên, KBNN Chương Mỹ cần nghiên cứu tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ công chức làm công tác này.

Trên cơ sở tiêu chuẩn hóa để làm căn cứ bố trí, sắp xếp công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên. Đồng thời, thực hiện chuyên môn hóa công chức làm công tác kiểm soát chi theo nhóm ngành kinh tế và theo lĩnh vực chi. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng cập nhật kiến thức kinh tế - tài chính, quản lý đầu tư... tạo điều kiện, môi trường làm việc để công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn giũa kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục đi đôi với kiểm tra, giám sát công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Định kỳ, thực hiện luân phiên công việc theo hướng thay đổi đối tượng quản lý, không để một người làm việc quá lâu ở một vị trí có thể dẫn đến tiêu cực hoặc làm việc trì trệ. Thường xuyên, đột xuất kiểm tra cán bộ để thông qua đó đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ, phát hiện sớm các sai phạm, lệch lạc để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời...

Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật công bằng và nghiêm minh. Khen thưởng, động viên kịp thời dưới nhiều hình thức nhằm tạo ra động lực kích thích mọi công chức hăng say làm việc, phát huy tối đa trình độ, năng lực của mỗi người. Bên cạnh đó, cần xử phạt một cách nghiêm minh đối với những công chức làm sai chế độ chính sách, sai quy trình nghiệp vụ gây thất thoát vốn KBNN.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi thường xuyên

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát chi thường xuyên, một mặt KBNN cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ kế toán, hệ thống thông tin báo cáo, các quy định về kiểm soát chi thường xuyên theo hướng giảm bớt các chỉ tiêu trùng lắp, các mẫu biểu không cần thiết, nhưng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; hoàn thiện và hiện đại hóa các quy trình kiểm soát chi thường xuyên, nhằm tạo thuận lợi hơn cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng và triển khai ứng dụng kiểm soát chi thường xuyên trong toàn hệ thống, có khả năng kết nối, chia sẽ dữ liệu với các hệ thống có tính xương sống khác; đồng thời, hỗ trợ tối đa công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên trong việc quản lý hồ sơ, theo dõi tạm ứng và thanh toán tạm ứng, cũng như việc quản lý và tra cứu nhanh chóng hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN đang được áp dụng cho các đối tượng sử dụng NSNN.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo lộ trình của Chính phủ, Bộ Tài chính và KBNN, mà trước mắt là thực hiện tốt việc duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Mô hình khung áp dụng cho hệ thống KBNN theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 đã được triển khai tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Triển khai việc thực hiện công khai các quy trình, thủ tục, hồ sơ, tài liệu kiểm soát chi thường xuyên tại trụ sở cơ quan và trên mạng internet thông qua trang thông tin điện tử của KBNN Chương Mỹ. Thường xuyên cập nhật các cơ chế, chính sách, chế độ, tiêu chuẩn mới có liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN để công chức và các đơn vị sử dụng NSNN thuận lợi trong việc tra cứu và triển khai thực hiện./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2016). Thông tư số 39/2016/TT-BTC, ngày 01/03/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC, ngày 02/10/2012 quy định Chế độ kiểm soát thanh toán khoản chi NSNN qua KBNN

2. KBNN Chương Mỹ (2018-2020). Báo cáo công tác kiểm soát chi NSNN của Kho bạc năm 2018, 2019 và 2020

PGS, TS. Trần Hữu Dào

Trường Đại học Thành Đô

Nguyễn Ngọc Trình

Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư