e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Nghiên cứu - Trao đổi

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng - Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

16:40 | 16/02/2022 Print
Bài viết tập trung làm rõ nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đây là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Trên cơ sở đánh giá khái quát thực trạng, tác giả đề xuất một số biện pháp chính nhằm tiếp tục giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIỮ GÌN SỰ ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, coi đó là một nhiệm vụ vừa cấp bách và lâu dài, vừa tất yếu và thường xuyên để Đảng hoàn thành vai trò là người chiến sĩ tiên phong. Theo Người, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng và thành công, đồng thời, là truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[1]. Về bản chất, thống nhất là cơ bản, các hình thức đấu tranh nội bộ mang tính chất xây dựng, góp phần quan trọng củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên 3 nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, đoàn kết, thống nhất trong Đảng là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng, là nền tảng cho mọi thành công. Ngay từ khi mới thành lập cũng như trong các thời kỳ cách mạng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở để thống nhất giai cấp, là điều kiện để thống nhất dân tộc, là một nguyên tắc hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, bởi có như vậy, Đảng mới được xây dựng vững mạnh, làm hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết”[2]. Đoàn kết, thống nhất là một yêu cầu cơ bản, một nguyên tắc tổ chức và hoạt động quan trọng hàng đầu, quyết định sức mạnh của Đảng, bảo đảm cho cách mạng giành thắng lợi. Đoàn kết, thống nhất thực sự là động lực chủ yếu cho sự phát triển của Đảng: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”[3]. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất, thực sự là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc: “Kinh nghiệm của ta, cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi là do lực lượng đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng”[4]. Vấn đề quan trọng nhất mà Người quan tâm trước hết phải đoàn kết, nhất trí trong Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”[5].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng - Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ hai, để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết, thống nhất vững chắc phải trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi, đảng viên phải nêu cao ý thức kỷ luật tự giác, nghiêm minh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ,… phải đoàn kết chặt chẽ”[6]. Sự đoàn kết, thống nhất phải được xây dựng trên cơ sở mục tiêu, lý tưởng của Đảng - điểm tương đồng, mẫu số chung quy tụ, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[7]. Người coi tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[8]. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đảng viên: “Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa”[9]. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong công tác, sinh hoạt hằng ngày ở mọi cấp bộ đảng và mọi đảng viên: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”[10]. Bởi theo Người: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình… mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”[11]. Tự phê bình và phê bình không chỉ là vũ khí sắc bén mà còn là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ... Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”[12].

Thứ ba, đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải mở rộng đoàn kết các lực lượng ngoài Đảng để tạo thành một khối thống nhất làm nên mọi thắng lợi. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo cách mạng của Đảng, là nhân tố để phát huy cao độ trí tuệ và khả năng sáng tạo của những chiến sĩ tiên phong: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[13]. Theo Người, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất không chỉ là cốt lõi trong nội bộ Đảng mà còn là của cả dân tộc và mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội: “Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi”[14]. Sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc muốn thành công thì phải xây dựng khối đoàn kết thống nhất giữa Đảng và Nhà nước, các tổ chức và quần chúng nhân dân: “Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước... Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”[15]. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và xây dựng tình đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và tình đoàn kết quốc tế. Người còn rất quan tâm chăm lo, bảo vệ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất với các đảng, các nước anh em; trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế: “Chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí - trong Đảng và trong nhân dân ta cũng như giữa các đảng và giữa các nước anh em - như giữ gìn con ngươi của mình”[16]. Bên cạnh đó, đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải dựa trên tình thương yêu đồng chí, lòng nhân ái, sự đồng cảm, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau: “Đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ”[17].

TIẾP TỤC GIỮ VỮNG VÀ TĂNG CƯỜNG SỰ ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CỦA TÌNH HÌNH MỚI

Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học và sáng tạo, với đội ngũ đảng viên kiên trung đã lãnh đạo nhân dân ta tạo nên những kỳ tích vẻ vang làm rạng danh non sông, đất nước. Đặc biệt, thời gian qua, “Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”[18]. Tuy nhiên, “việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên,…; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ…; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”[19]. Để tiếp tục giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội. Chú trọng thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về bổn phận và trách nhiệm, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ.

Ngoài ra, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt nhất trong nhân dân, làm gương để nhân dân noi theo: “Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hoá... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”[20]. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái. Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Hai là, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng. Quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Các tổ chức đảng và đảng viên gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát huy dân chủ đi đôi với đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức cách mạng, đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Xác định đúng những nội dung cốt lõi đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ trong Đảng; hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng.

Chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình trong đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tư tưởng “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức..; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng… Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ”[21].

Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đủ uy tín và khả năng quy tụ đội ngũ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, bảo đảm khách quan, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất và kiểm tra dấu hiệu vi phạm; coi trọng tự kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, coi trọng giám sát theo chuyên đề. Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia

2. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

3. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia

4. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia

5. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia

6. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia

7. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia

8. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”

9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

10. Nguyễn Phú Trọng (2021). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, truy cập từ https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/

11. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về “Những điều đảng viên không được làm”


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.622.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.368.

3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.622.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.35.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.17.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.368.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.402.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.622.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.590.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.279.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.33.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.272.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.621-622.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.278.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.278.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.33.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.151.

[18] Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, Hà Nội, 2021.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.178-179.

[20] Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân dân Điện tử, ngày 16-5-2021.

[21] Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, Hà Nội, 2021.

Thiếu tá Nguyễn Quang Bình

Phó Chủ nhiệm bộ môn Nguyên lý Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư