e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Giá xăng dầu tăng góp phần đẩy CPI tháng 2/2022 tăng 1%

14:29 | 28/02/2022 Print
Ngoài ra là các yếu tố giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1% so với tháng trước.

So với tháng trước, CPI tháng 02/2022 tăng 1% (khu vực thành thị tăng 0,99%; khu vực nông thôn tăng 1,02%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá.

Giá xăng dầu tăng góp phần đẩy CPI tháng 2/2022 tăng 1%
Nguồn: Tổng cục Thống kê

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 02/2022 tăng 1,42%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2021, CPI tháng Hai tăng 1,2%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,08%.

Chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo phân tích của cơ quan thống kê, các yếu tố làm tăng CPI trong 2 tháng đầu năm 2022 đó là giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít. Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 2 tháng đầu năm tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,68%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Trả lời trên Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho biết, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Vì vậy, theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cơ quan quản lý nhà nước cần quyết định giá bán phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư