Nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu!

08:53 | 04/03/2022 Print
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022.
Nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu!
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. Ảnh: VGP

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất còn 55%-60%, gây thiếu hụt nguồn cung xăng dầu

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, nguồn cung sản xuất trong nước đáp ứng được từ 70% đến 75%, thậm chí có thời gian lên tới 80% nhu cầu. Chủ yếu nguồn cung từ hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn (chiếm 35% đến 40%) và Bình Sơn (khoảng 35%).

Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 1/2022, Nhà máy Nghi Sơn đã phải giảm công suất. Đầu tiên là 90%, sau đó xuống còn 80%, hiện nay chỉ còn 55% đến 60% công suất thực hiện.

Vì vậy, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (các hợp đồng đã được ký kết) giảm so với thỏa thuận giữa 2 bên. Đặc biệt, tháng 2/2022, nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 43%, theo kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 390.000m3. Tương tự như vậy, tháng 3/2022, theo kế hoạch giao 680.000m3 nhưng thực tế giao hàng chỉ có 540.000 m3 (giao được 80%, giảm 20%).

Ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chỉ đạo cho doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt, cộng với lượng dự trữ thì trong tháng 3/2022 cơ bản đáp ứng được.

Trong khi đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đã có chỉ đạo tăng công suất (ở mức cho phép) để bù vào sự thiếu hụt của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Từ 100% lên 103%, từ ngày 7/2 lên tới 105%. Tuy nhiên, mức tăng của Nhà máy Bình Sơn là khoảng 5%, tương đương 28.000 m3, chưa đủ bù lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất. Vì vậy, nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu.

Vì hệ thống xăng dầu của chúng ta có nhiều doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo đủ, bất cứ một doanh nghiệp, một người dân đến đều mua được xăng dầu. Tuy nhiên, ở toàn miền Bắc, miền Trung là không thiếu và chỉ có vài tỉnh phía Nam gần biên giới, cá biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh thiếu hụt cục bộ.

Ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt, cộng với lượng dự trữ thì trong tháng 3/2022 cơ bản đáp ứng được.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết đầu tháng 4/2022 hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức. Bộ Công Thương đã họp và giao 10 công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn nhất nhập khẩu để đáp ứng đủ cho thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine đã ảnh hưởng đến toàn cầu và nước ta, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép và nhiều mặt hàng khác…

Mức giá dầu thô hiện nay tăng mạnh là chính xác, ngay ngày mùng 2/3 tăng 10 USD/thùng, trong ngày 3/3 đã tăng tiếp. Theo Nghị định 83/NĐ-CP, thì 15 ngày điều chỉnh giá xăng, dầu một lần, nhưng theo Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì 10 ngày điều chỉnh một lần.

"Tuy nhiên, trong trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ về nguồn vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu được nhanh nhất và thuận lợi nhất.

Nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu!
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu giảm từ 1/4, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 11.992 tỷ đồng

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trao đổi về nội dung dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho thời điểm từ nay đến hết năm 2022.

Thứ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rất khẩn trương báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ và xin sự chỉ đạo, đến ngày 3/3, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam lấy ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn, Thứ trưởng cho hay, Bộ dự kiến từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2022 như sau: Xăng Ethanol sẽ giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít; Dầu diezen, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/ lít từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng/lít từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/1kg từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/1 kg.

Thuế với nhiên liệu bay vẫn giữ vì đã được giảm theo Nghị quyết số 13/2021 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ thực hiện từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, sẽ quy về thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với giả thuyết là thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ổn định như mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022, thì tác động của biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022 dự kiến là 0,67%.

Về đánh giá tác động của dự thảo Đề án đến ngân sách Nhà nước, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 giả định tương đương với năm 2019 thì dự kiến số thu bảo vệ xăng, dầu, thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm một năm khoảng 14.524 tỷ đồng, từ đó sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng vào khoảng 15.976 tỷ đồng và như vậy thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng sẽ giảm 1.331 tỷ đồng.

"Nếu tính riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm từ ngày 1/4/2022, thì mức giảm thu ngân sách sẽ vào khoảng 11.992 tỷ đồng", Thứ trưởng nói.

Bộ Tài chính tính toán, Nghị quyết này sẽ tác động tới giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn; đối với xăng, với việc giảm thuế 1.000 đồng thì giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng là 1.110 đồng; đối với dầu diezen, mazut, dầu nhờn với mức giảm 500 đồng/lít thì giá bán lẻ tương ứng sẽ giảm 550 đồng/lít; đối với dầu hỏa, việc giảm 500 đồng/ lít thì giá bán lẻ sẽ giảm 550/lít; đối với mỡ nhờn việc giảm 500 đồng/1kg mức giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng 550 đồng/1kg.

"Về tính toán đến tác động CPI và lạm phát và tăng trưởng kinh tế, với giả thuyết là thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ổn định như mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì tác động của biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022, chúng tôi dự kiến là 0,67%", ông Nguyễn Đức Chi nói.

"Tuy nhiên, ở đây, việc giảm thuế là số tuyệt đối còn CPI là tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác", Thứ trưởng lưu ý.

Về tác động đến người dân và doanh nghiệp, chính sách góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi mà giá dầu thô tăng cao, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

"Đây chỉ mới là dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Bộ Tài chính mong các cơ quan báo chí truyền thông rộng rãi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng để Bộ tiếp tục tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định cuối cùng, làm sao để chính xác và hiệu quả nhất", Thứ trưởng mong muốn./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư