Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức trong bối cảnh hiện nay

08:00 | 12/03/2022 Print
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một bộ phận cấu thành hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Phát triển BHXH tự nguyện đối với lao động đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội. Trên cơ sở phân tích các chính sách về BHXH tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BHXH TỰ NGUYỆN ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG Ở KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC

Kết quả đạt được

Khu vực kinh tế phi chính thức (gọi tắt là khu vực phi chính thức) được hiểu một cách chung nhất, là tập hợp các đơn vị sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ với mục tiêu chủ yếu nhằm tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động nhưng thường hoạt động với tổ chức quy mô nhỏ, quan hệ lao động chủ yếu dựa trên lao động không thường xuyên, quan hệ họ hàng hoặc quan hệ cá nhân hơn là những quan hệ qua hợp đồng với những đảm bảo chính thức.

Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức trong bối cảnh hiện nay
Phát triển BHXH tự nguyện đối với lao động góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có khu vực phi chính thức rất lớn, với quy mô khoảng 30% GDP. Số lao động có việc làm phi chính thức tính chung cả năm 2020 khoảng 20,3 triệu người, chiếm tỷ lệ 56,2% số lao động có việc làm, cao hơn 0,2 điểm phần trăm của năm 2019. Của cải xã hội do người lao động ở khu vực phi chính thức tạo ra đóng góp tích cực vào GDP của quốc gia. Tuy vậy, người lao động khu vực phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, không được hưởng BHXH và không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội, không có trình độ chuyên môn, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài. Người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức thường là những người yếu thế, dễ bị tổn thương. Để đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực này, Chính phủ đã nhiều chính sách xã hội đối với người lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là các chính sách về BHXH.

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau hơn 10 năm qua, việc thực hiện BHXH tự nguyện được thực hiện theo 2 giai đoạn: (1) Thực hiện BHXH tự nguyện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; (2) Thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Thời gian đầu khi mới bắt đầu triển khai chính sách BHXH tự nguyện số lượng người tham gia loại hình này là khá thấp (khoảng 6.000 người), nhưng đến nửa cuối năm 2018 đến nay, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng rất nhanh. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1.128.000 người tăng 554.000 người, gần gấp đôi so năm 2019 với tốc độ tăng 96,5% (Bảng). Trong đó, có khoảng 3,7% lao động phi chính thức và nông dân tham gia BHXH tự nguyện, độ bao phủ đạt gần 2,1% lực lượng lao động (chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1%, nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao), tăng gấp gần 05 lần so với năm 2015. Qua đó cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện đã dần được hoàn thiện, đặc biệt chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH cho người lao động đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động tham gia BHXH...

Bảng: Số người tham gia BHXH tự nguyên giai đoạn 2017-2020

Chỉ tiêu

2017

2018

2019

2020

Số người tham gia

227.506

277.000

574.000

1.128.000

Số người tham gia tăng/giảm qua các năm

+49.494

+297.000

+554.000

Tốc độ tăng số người tham gia năm sau so với năm trước (%)

+21,7

+107,2

+96,5

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của BHXH Việt Nam

Một số hạn chế trong chính sách BHXH tự nguyện đối với đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức

Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở ra cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện, nhưng những nhóm đối tượng cần tập trung quan tâm, như: lao động trẻ, lao động khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động lại rất hạn chế về khả năng tài chính để tham gia BHXH tự nguyện, nếu không có sự hỗ trợ họ trong đóng góp. Qua nghiên cứu và phân tích, nhóm tác giả khái quát một số vấn đề liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện đối với đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức như sau:

Thứ nhất, mặc dù chính sách BHXH tự nguyện có vai trò rất quan trọng đối với người lao động, nhưng nhiều người lao động chưa biết hoặc hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa, nội dung chính sách BHXH, thậm chí nhầm lẫn với bảo hiểm thương mại khác, do thiếu thông tin. Công tác tuyên truyền vận động thời gian qua chưa thực sự phù hợp với loại lao động phi chính thức dẫn đến họ khó khăn tiếp cận thông tin. Bản thân những người lao động ở khu vực phi chính thức còn hạn chế về kiến thức, mà thủ tục đóng - hưởng lại rất phức tạp, nhiều giấy tờ nên họ ngại. Mặt khác, chi phí thù lao khai thác đối tượng tham gia còn thấp, chưa linh hoạt như các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác. Điều này chưa tạo ra động lực để khuyến khích đại lý vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ hai, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Số lao động nhận BHXH một lần ở mức cao, mỗi năm có hàng trăm nghìn người hưởng BHXH một lần. Nếu so sánh giữa số lao động giải quyết hưởng BHXH một lần với số lao động tham gia BHXH tăng mới, thì tỷ lệ này tương đối cao (từ 2016-2019, mỗi năm xấp xỉ 45%, năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 73,3%). Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng.

Thứ ba, thủ tục tham gia đối với người tham gia nếu đã có mã số BHXH chỉ cần kê khai mã số mà không cần giấy tờ chứng minh khác và có thể đăng ký tham gia tại cơ quan BHXH hoặc đại lý thu (UBND xã, bưu điện…), thời gian giao dịch cũng được rút ngắn… Tuy nhiên, hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm người tham gia vẫn phải đến đại lý thu để nộp tiền tùy theo phương thức đóng đã đăng ký, chưa thể nộp ở mọi lúc, mọi nơi như ngân hàng.

Thứ tư, sự khác biệt lớn trong thụ hưởng các chế độ giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong khi các rủi ro trước mắt về mất thu nhập, như: ốm đau, thai sản, nuôi con nhỏ có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân thì lại không được bảo hiểm, việc phải đóng góp và chờ đợi quá lâu để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất đã khiến người lao động không mặn mà với BHXH tự nguyện.

Thứ năm, chính sách chăm sóc khách hàng đối với những người tham gia BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn. Người lao động có xu hướng so sánh sự chăm sóc sau khi tham gia BHXH tự nguyện với các loại hình bảo hiểm thương mại khác, bởi các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại có các dịch vụ chăm sóc khách hàng khá hấp dẫn, như: tặng quà sinh nhật, tặng quà vào ngày lễ tết, thưởng tiền vào hợp đồng nhân ngày kỉ niệm hợp đồng…

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để bao phủ BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đối với khu vực phi chính thức cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện theo hướng: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí cho phù hợp với đặc điểm của người lao động khu vực phi chính thức, rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (thời gian đóng tối thiểu theo quy định hiện nay là 20 năm quá dài so với độ tuổi trung bình tham gia BHXH tự nguyện của người lao động là 35 tuổi), quy định điều kiện hưởng BHXH một lần chặt chẽ hơn; Điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bằng nhiều phương thức khác nhau, như: Tăng mức hỗ trợ đóng BHXH (Mức hỗ trợ đóng cao nhất hiện nay cho người nghèo là 30%, với thu nhập thấp nhất đăng ký tham gia BHXH bằng chuẩn hộ nghèo thì hàng tháng người lao động phải bỏ ra hơn 100 nghìn đồng/tháng để đóng BHXH cũng là gánh nặng đối với người nghèo); Tăng mức hỗ trợ hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (hiện nay, chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưởng một lần mà không có chế độ hưởng hàng tháng); Đồng thời, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện (Hiện nay, BHXH tự nguyện mới chỉ thực hiện hai chế độ BHXH dài hạn, cần triển khai thêm các chế độ BHXH ngắn hạn như: ốm đau, thai sản...); Tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, mở rộng một số đối tượng khu vực phi chính thức (người lao động có việc làm được trả công, có tiền lương…) được tham gia vào BHXH bắt buộc.

Hai là, tăng tính liên thông cho hai loại hình BHXH hiện nay. Nên cho phép đối tượng của BHXH tự nguyện tham gia có điều kiện vào loại hình BHXH bắt buộc, tức là khi người lao động có đủ điều kiện cần thiết (thu nhập, ngành nghề, nơi làm việc,..), thì có thể tự nguyện tham gia đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc để hưởng các quyền lợi, như: những người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay. Ngược lại nên mở ra cơ hội cho đối tượng của BHXH bắt buộc cũng được tham gia đóng góp vào loại hình BHXH tự nguyện nhằm tăng mức hưởng lương hưu sau này cho người lao động.

Ba là, bổ sung một số chế độ bảo hiểm ngắn hạn cho BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn và thu hút thêm người lao động tham gia, như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Các quy định về chế độ hưởng BHXH tự nguyện thiết kế cần đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức và trình độ của người lao động khu vực phi chính thức.

Bốn là, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí nhằm tạo điều kiện cho nhiều người lao động có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Ngoài ra, nghiên cứu quy định hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng giảm mức hưởng 1 lần và khuyến khích người hưởng trợ cấp hàng tháng.

Năm là, tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước, nhất là thời gian đầu tham gia để thu hút, tạo thói quen tiết kiệm của người dân, có thể triển khai đến năm 2030 khi đạt độ phủ của BHXH theo chủ trương của Đảng. Ngoài ra, quy định ngân sách địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân, góp phần cải thiện kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sáu là, đổi mới chính sách tuyên truyền BHXH tự nguyện, đặc biệt lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức. Cần xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng xã, phường, đại lý thu. Rà soát, phân loại và có số liệu chi tiết đối với các nhóm tiềm năng (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập...) để tập trung tuyên truyền vận động có hiệu quả. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào tuyên truyền trực tiếp với nhóm lao động ở khu vực phi chính thức. Có thể sử dụng biện pháp kết hợp tư vấn và chăm sóc khách hàng thường xuyên để nâng cao thái độ của người lao động đối với BHXH. Quan tâm tới những người đã tham gia BHXH, chăm sóc như dịch vụ sau bán hàng. Khi các đối tượng này nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng mực của BHXH, họ sẽ phát sinh ý niệm giới thiệu cho người thân bạn bè biết và cùng tham gia./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH

2. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (2021). Báo cáo Tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 (giai đoạn 2016-2020)

3. Hoàng Thị Bích Hồng (2021). Thực trạng và giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, Tạp chí Tài chính kỳ 1+2, tháng 02/2021

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2021). Bảo hiểm xã hội tự nguyện: 13 năm một chặng đường là “của để dành” cho người dân, truy cập từ https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=16190

ThS. Phạm Lan Hương, TS. Phạm Thái Thủy

ThS. Trần Hoàng Thành Vinh

ThS. Lê Quang Khải

Trường Đại học Hùng Vương

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư