Những thách thức an ninh lương thực đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

10:50 | 15/03/2022 Print
Theo tính toán của Liên hợp quốc, hiện nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chiếm 1/2 số lượng những người thiếu lương thực trên toàn thế giới. Các yếu tố bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đi kèm với hệ thống sản xuất lương thực chịu nhiều rủi ro nhất do tác động của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh đến việc đảm bảo an ninh lương thực của khu vực này trong dài hạn.
Các lệnh trừng phạt Nga sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm lúa mì
Các lệnh trừng phạt Nga sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm lúa mì

Dự báo biến động trong sản xuất lương thực

Trên toàn cầu, các loại thực phẩm phổ biến bao gồm: ngô, lúa mỳ và gạo đang có xu hướng ngày càng bị thu hẹp diện tích trồng. Đến năm 2035, sản xuất nông nghiệp toàn cầu sẽ tiếp tục theo quỹ đạo này, khiến hệ thống lương thực toàn cầu dễ bị gián đoạn ở các trung tâm sản xuất lớn và phụ thuộc nhiều vào thương mại để phân phối sản phẩm.

Theo Báo cáo biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, vào năm 2035, dự báo gió mùa cận nhiệt đới Nam Á sẽ gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Trong khi đó, ở Bangladesh, gần 1/4 lãnh thổ của đất nước bị ngập lụt mỗi năm do mưa, lốc xoáy và mực nước biển dâng. Có những thời điểm hơn một nửa đất nước bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, mùa màng và đất nông nghiệp bị phá hủy. Theo nghiên cứu của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, sản lượng lúa ở nước này có thể giảm tới 20% vào những năm 2030, làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực gần 88%.

Mô hình sản xuất lượng thực với hệ thống tưới tiêu bằng nước mưa chiếm ưu thế trong sản xuất lương thực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi những thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ và các hiện tượng cực đoan liên quan đến khí hậu. Theo dự báo khí hậu, nhiệt độ trung bình tăng 10C ở khu vực Nam Á sẽ dẫn đến mất 4-5 triệu tấn lúa mỳ.

Tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, mực nước biển dâng lên ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng cảng của các nước xuất khẩu và nhập khẩu lương thực lớn. Hầu hết lương thực vào năm 2035 vẫn được vận chuyển bằng thuyền và do đó dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn thương mại hàng hải. Đến năm 2035, sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu và mực nước biển dâng làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong thương mại lương thực toàn cầu, đóng cửa các cảng bị ngập lụt và hư hỏng trong thời gian dài. Việc tiếp cận thực phẩm của người dân sẽ gặp khó khăn khi giá cả tăng và thiếu hàng hóa.

Hệ thống lương thực toàn cầu rất phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau, xu thế này tiếp tục tiếp diễn và thậm chí tăng thêm vào năm 2035. Các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sẽ phải đối diện với rủi ro leo thang của giá lương thực, khi xảy ra bất kể cú sốc sản xuất ở một nơi trên thế giới. Có thể lấy cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu 2007-2008 là một ví dụ điển hình, khi giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng đột ngột trong một thời gian ngắn do các cú sốc sản xuất liên quan đến khí hậu và chủ nghĩa bảo hộ thương mại - cuộc khủng hoảng dẫn đến tình trạng bất ổn ở gần 40 quốc gia.

Khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực

Trong lịch sử, cuộc khủng hoảng sản xuất tại các vùng trồng lúa mỳ lớn ở Trung Quốc, Nga và Argentina là tác nhân gây ra sự bất ổn trên khắp Trung Đông và Bắc Phi trong Mùa Xuân Arập năm 2011. Theo một báo cáo của tổ chức UNDP, năm 2020, cứ ba người thì có một người không đủ khả năng chi trả một chế độ ăn uống lành mạnh và hơn 2 tỷ người phải chịu đựng cái gọi là nạn đói tiềm ẩn, thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn của họ. Gần 2/3 số người không được tiếp cận với một chế độ ăn uống lành mạnh sống ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hệ thống lương thực toàn cầu đã tạo ra một thế giới phải đối mặt với gánh nặng kép của tình trạng thiếu dinh dưỡng và béo phì. Biến đổi khí hậu có thể sẽ làm giảm dinh dưỡng của các loại thực phẩm. Các đảo ở Thái Bình Dương đã có tỷ lệ béo phì cao nhất trên thế giới, với tỷ lệ trên 50% đối với người lớn ở Samoa và Tonga. Bên cạnh đó, khu vực này dựa vào nghề cá để đáp ứng nhu cầu protein và tự cung lương thực nhưng vào năm 2035, các vấn đề biến đổi khí hậu, biến đổi sinh thái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể tác động đến môi trường đánh bắt cá và đe dọa sinh kế và an ninh lương thực trong khu vực.

Biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức lớn đối với việc đạt được an ninh lương thực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với những tác động liên tục trên toàn khu vực. Các dự báo cho rằng, sẽ có thêm 77 triệu người bị mất an ninh lương thực trên toàn cầu vào năm 2050 nếu không có sự đầu tư cần thiết cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Như vậy, nếu không có sự thay đổi ở cấp độ hệ thống, mang tính chuyển đổi để giải quyết những thách thức đối với sản xuất và cung ứng lương thực, thì khả năng cao khủng hoảng an ninh lương thực sẽ xảy ra kiến giá lương thực của các loại cây lương thực chính, đặc biệt là lúa, tăng vọt và nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trải qua vòng lặp lại luẩn quẩn giữa mất an ninh lương thực và xung đột. Nhu cầu hỗ trợ lương thực nhân đạo sẽ tiếp tục tăng vào năm 2035 ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu các quốc gia trong khu vực không đầu tư cần thiết vào việc chuyển đổi hệ thống lương thực và áp dụng các biện pháp sáng tạo./.

Linh Thanh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư