e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Nghiên cứu - Trao đổi

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19

17:05 | 18/03/2022 Print
Đại dịch Covid-19 gây ra những tác động lớn tới doanh nghiệp và người lao động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Bài viết phân tích trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cho thấy, TNXH của doanh nghiệp đối với người lao động là đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao TNXH đối với người lao động để vượt qua khó khăn trong thời kỳ này.

MỘT SỐ NỘI DUNG TNXH CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

TNXH của doanh nghiệp là một khái niệm khá quen thuộc. Khái niệm về TNXH của doanh nghiệp được đưa ra bàn luận từ những năm cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX. Trong mô hình hệ thống cấp bậc TNXH của doanh nghiệp của Achie Caroll (1999), TNXH của doanh nghiệp bao hàm các hoạt động kinh tế, pháp lí, đạo đức và từ thiện có ảnh hướng đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Một phần quan trọng trong trách nhiệm cơ bản của một doanh nghiệp là tuân thủ các yêu cầu pháp lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ các quy định này, tức là họ đã vi phạm luật pháp hay nói cách khác, doanh nghiệp đã thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Vì vậy, tôn trọng pháp luật là một vấn đề quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, tuân thủ pháp luật mới chỉ là một điều kiện tối thiểu của TNXH của doanh nghiệp. Thay vì tập trung vào nghĩa vụ pháp lý bắt buộc đối với doanh nghiệp, TNXH của doanh nghiệp sẽ có tính chiến lược nếu tập trung nhiều hơn vào các vấn đề liên quan đến đạo đức và từ thiện.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của doanh nghiệp và nó có thể mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh bền vững. Ảnh: Internet.

Theo Tạp chí The Economist, TNXH của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của doanh nghiệp và nó có thể mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh bền vững. Tuy nhiên, TNXH của doanh nghiệp được thực hiện không đúng hoặc tệ hơn nữa là bị bỏ qua, có thể ảnh hưởng đến những lợi thế so sánh mà công ty đang nắm giữ trong ngành... (Nguyễn Ngọc Thắng, 2015). Nhiều quan điểm cho rằng, doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh tế trong xã hội, họ đã sử dụng các nguồn lực của xã hội, khai thác các nguồn lực tự nhiên… Vì vậy, ngoài việc đóng các loại thuế, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm đối với môi trường, cộng đồng, người lao động.

Theo Euro Commerce (2011), TNXH của doanh nghiệp là “trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tác động của họ đối với xã hội”.

Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 26000:2013 về hướng dẫn về TNXH, trách nhiệm của tổ chức đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đến xã hội và môi trường thông qua sự minh bạch và hành vi đạo đức nhằm: Đóng góp cho sự phát triển bền vững, bao gồm cả sự lành mạnh và thịnh vượng của xã hội; Tính đến những mong muốn của các bên liên quan; Phù hợp với luật pháp và nhất quán với chuẩn mực ứng xử quốc tế; Tích hợp trong toàn bộ tổ chức và thực thi trong các mối quan hệ của tổ chức.

Các bên quan tâm (các bên liên quan) được hiểu là những người hoặc nhóm người quan tâm đến các hoạt động của tổ chức, ảnh hưởng đến các quyết định của tổ chức và bản thân họ cũng chịu ảnh hưởng của các quyết định này. Theo lý thuyết các bên liên quan của R. E. Freeman (1984), quản lý lợi ích, nhu cầu và mong đợi của các bên liên quan chính là nhiệm vụ chính của tổ chức liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Các mối quan hệ tin cậy, ổn định, lâu dài được hình thành giữa tổ chức và các bên liên quan, không chỉ quan trọng trong bối cảnh xã hội mà còn có lợi ích về mặt kinh tế.

Các tổ chức xác định một cách độc lập các bên liên quan chính của họ. Trong nghiên cứu của Podsypanina và Popenkova (2018), đối với một doanh nghiệp, các bên liên quan có thể là người lao động, chủ sở hữu, nhà đầu tư, người mua, nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức công cộng. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của Vittenberg, (2012); Komissarova, Mayorova (2017) cho rằng, tất cả các bên liên quan trên đều quan trọng, người lao động của công ty nên được coi là một nhóm các bên liên quan cần được ưu tiên và trách nhiệm đối với người lao động là thành phần chính của TNXH của doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp tăng cường TNXH đối với người lao động thì sẽ: Nâng cao ý thức của người lao động, sự trung thành, động lực làm việc đối với người sử dụng lao động; Nâng cao trình độ của người lao động; Nâng cao năng suất lao động; Giảm chi phí tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Theo Bộ tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững GRI hợp nhất 2016 của GRI và GSSB, TNXH của một tổ chức đối với nhân viên liên quan đến việc làm, mối quan hệ giữa nhân viên và quản lý, sức khỏe và an toàn của nhân viên trong nơi làm việc, đào tạo và giáo dục, cơ hội bình đẳng, không phân biệt đối xử, tự do lập hội và thương lượng tập thể, cũng như chống lại lao động trẻ em và lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức.

Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 26000:2013 hướng dẫn về TNXH xác định 5 vấn đề trong lĩnh vực thực hành lao động, bao gồm: (i) Việc làm và mối quan hệ việc làm; (ii) Điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội; (iii) Đối thoại xã hội; (iv) Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc; (v) Phát triển con người và đào tạo tại nơi làm việc.

Theo các tiêu chuẩn ở trên, cùng với các công trình khoa học khác, các thành phần sau đây của TNXH của các doanh nghiệp đối với người lao động có thể có liên quan: Cung cấp việc làm; Thù lao hợp lý; Đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, sức khỏe và an toàn lao động; Không phân biệt đối xử và đảm bảo các cơ hội bình đẳng; Phòng chống tham nhũng; Minh bạch về thông tin của tổ chức; Phát triển và đào tạo nhân viên; Tạo điều kiện làm việc và nghỉ ngơi thoải mái; Tuân thủ và phát triển văn hóa doanh nghiệp; Cung cấp cho nhân viên các chính sách an sinh xã hội bắt buộc và bổ sung; Hỗ trợ nhân viên gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; Có sự tham gia của người lao động vào các dự án từ thiện và tình nguyện.

THỰC TRẠNG TNXH CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Ở VIỆT NAM

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam năm 2020 là 2,48%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2020, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động được đánh giá là kịp thời và chưa có tiền lệ, như: Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, thị trường lao động lại rơi vào trạng thái biến động. Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2021, cả nước có 557 nghìn lao động bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Chính phủ một lần nữa ban hành thêm các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch qua Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nhiều tới thị trường lao động và các doanh nghiệp.

Theo Báo cáo nhanh tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp và người lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đa số các doanh nghiệp (67,2%) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã áp dụng các biện pháp giảm chi phí lao động, trong khi chỉ có 25,9% tìm kiếm các nguồn doanh thu thay thế hoặc tìm các thị trường, khách hàng mới hay tìm cách tạo ra các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, chung tay cùng với Chính phủ và người lao động vượt qua khó khăn hoặc hỗ trợ người lao động thông qua các quỹ hỗ trợ, công đoàn công ty, như: J&T Express xây dựng “Quỹ hỗ trợ J&T care” nhằm giúp đỡ nhân viên và gia đình trong giai đoạn khó khăn này (Báo Tin tức, 2021). SeABank cũng thành lập quỹ phòng chống Covid, đây là quỹ đóng góp từ cả ngân hàng đối tác và cán bộ nhân viên, hỗ trợ gần 100 tỷ đồng cho cộng đồng và nhân viên 2 tỷ đồng (Châu Cao, 2021).

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến công việc, mà còn ảnh hưởng cả đến điều kiện làm việc của người lao động. Nhân viên văn phòng phải làm việc từ xa, các nhân viên kinh doanh, giao hàng phải làm việc trong những điều kiện khó khăn và nguy hiểm do phải tiếp xúc xã hội. Nhân viên của các trung tâm thương mại phải nghỉ việc do cửa hàng đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Chính vì vậy, TNXH của các doanh nghiệp đối với người lao động càng được chú trọng và nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gia tăng, cũng có không ít doanh nghiệp đã lợi dụng sức mua tăng đột biến để tự ý nâng giá, bán giá cao hơn giá niêm yết.

Trên thực tế, trong thời điểm đại dịch Covid-19, để đảm bảo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cắt giảm những quyền lợi của nhân viên, cũng không ít doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, chưa bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động khi họ buộc phải nghỉ việc do giảm quy mô sản xuất. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp phủ nhận lợi ích lâu dài của việc thực hiện TNXH dành cho chính những người trực tiếp gắn bó với mình.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

TNXH đối với người lao động không chỉ là sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề chung do đại dịch Covid-19 gây ra, mà còn là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của doanh nghiệp trong bối cảnh này. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, không phải tất cả các biện pháp thông thường của TNXH đều tiếp tục có hiệu quả. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của người lao động, TNXH, vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nâng cao và triển khai các chính sách mới, các biện pháp khắc phục mới để thực hiện hiệu quả nhằm mục đích đáp ứng được mong đợi và nhu cầu của người lao động. Có rất nhiều giải pháp để thể hiện TNXH của doanh nghiệp đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong phạm vi bài viết, tác giả khuyến nghị một số giải pháp sau đối với các doanh nghiệp:

Một là, đảm bảo sự an toàn của người lao động. Để đảm bảo sự an toàn của người lao động khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp cần phân công các nhân viên văn phòng chuyển sang hình thức làm việc từ xa; còn đối với nhân viên bán hàng và an ninh là những người phải tiếp xúc với nhiều người cần phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, lắp đặt các tấm chắn bảo vệ gần máy tính tiền, khử trùng khu vực bán hàng, theo dõi nhiệt độ cơ thể và sức khỏe, tự động hóa các quy trình bán hàng, bao gồm: thông qua máy tính tiền tự phục vụ và máy bán hàng tự động, làm việc theo ca… Ngoài ra, doanh nghiệp cần khuyến cáo người lao động cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Hai là, đào tạo các hình thức tổ chức làm việc từ xa cho nhân viên. Trong bối cảnh các nhân viên chuyển sang làm việc từ xa hoặc phân bổ thời gian làm việc tại nhà và tại văn phòng cho hợp lý (làm luân phiên, làm theo ca…) để hạn chế các tiếp xúc xã hội nhằm đảm bảo an toàn, thì người lao động sẽ gặp khó khăn với các nền tảng công nghệ phục vụ cho công việc. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiến hành đào tạo nhân viên, trong đó, đặc biệt chú trọng về công nghệ để làm việc theo một phương thức mới phù hợp với hoàn cảnh.

Ba là, hỗ trợ về mặt tinh thần và tâm lý. Đại dịch Covid-19 đã làm cho người lao động lo lắng về sức khỏe và những người thân của họ, lo lắng về mất việc làm và thu nhập, thay đổi cách sống của con người. Vì vậy, doanh nghiệp cần thấu hiểu và giải quyết sự lo lắng và bất an của họ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cần duy trì các kênh trao đổi hai chiều để nắm bắt ý kiến của người lao động. Trong bối cảnh này, TNXH của các doanh nghiệp thể hiện ở việc hỗ trợ tinh thần và tâm lý của người lao động.

Bốn là, minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp có TNXH cần thông báo cho nhân viên các thông tin về diễn biến dịch Covid-19, các triệu chứng trong trường hợp bị lây nhiễm, cách giảm nguy cơ mắc bệnh và những gì đang xảy ra trong doanh nghiệp…

Năm là, tổ chức thời gian giải trí cho nhân viên. Các hoạt động giải trí là cần thiết để giúp nhân viên giải tỏa căng thẳng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và để củng cố tinh thần của họ. Theo đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội cần chia sẻ nội dung giải trí với nhân viên, tổ chức các cuộc thi, buổi hòa nhạc và các sự kiện khác ở định dạng trực tuyến.

Sáu là, khuyến khích sự tham gia của nhân viên vào các hoạt động từ thiện và tình nguyện. Từ thiện và tình nguyện ngày càng trở thành phổ biến hơn trong TNXH của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trọng tâm chính của các hoạt động từ thiện và tình nguyện là giúp đỡ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tức là những người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính. Theo đó, nhân viên của các doanh nghiệp có thể cung cấp thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác hỗ trợ cho đồng nghiệp và hàng xóm của họ, những người bị cách ly.../.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

2. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

4. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

5. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2020). Báo cáo Đánh giá nhanh tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp và người lao động trong một số ngành kinh tế chính: Ứng phó, điều chỉnh và khả năng phục hồi

6. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020

7. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam, ngày 6/7/2021

8. Bộ Khoa học và Công nghệ (2013). TCVN ISO 26000:2013, ISO 26000:2010

9. Nguyễn Ngọc Thắng (2015). TNXH của doanh nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

10. Báo Tin tức (2021). J&T Express xây dựng quỹ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, truy cập từ https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-san-pham-dich-vu/jt-express-xay-dung-quy-ho-tro-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-boi-dich-covid19-20210804203454378.htm

11. Châu Cao (2021). CEO SeABank: Chúng tôi đặt tạm KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn, truy cập từ https://doanhnghieptiepthi.vn/ceo-seabank-chung-toi-dat-tam-kpi-sang-mot-ben-de-giu-cong-viec-cho-can-bo-nhan-vien-giup-ho-vuot-qua-kho-khan-161211908181214288.htm

12. GRI, GSSB (2016). Bộ Tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững GRI hợp nhất, truy cập từ https://www.globalreporting.org/standards/media/1566/vietnamese-consolidated-set-of-gri-sustainability-reporting-standards-2016.pdf

13. Carroll Archie (1999). Corporate Social Responsibility - evonlusion of a definitinal construct, Business & Society, 38, 268-295

14. Euro Commerce (2011). A renewed EU strategy 2011-14 for Corporate Social Responsibility, Communication from the commission to the European Parliament, the Council, the European economic and social committee and the committee of the regions

15. Freeman R.E. (1984). Strategic management: A stakeholder approach, A Stakeholder Theory of Modern Corporations A Stakeholder, Theory of Modern Corporations, 56-65

16. Komissarova I. P., Mayorova A.N. (2017). Problems and prospects of corporate social responsibility development, Journal of Economy and Entrepreneurship, 81(85), 903-906

17. Podsypanina T. D., Popenko, D.K. (2018). Identification of some areas of development of small trade formats based on the analysis of stakeholders, Tomsk State University Journal of Economics, 43, 256-278

18. Vittenberg E.Ya. (2012). Russian business: responsibility to employees, Russia and modern world, 2, 134-149

ThS. Bùi Minh Thủy

Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư