Dự báo 5 lĩnh vực ASEAN chịu tác động do căng thẳng Nga - Ukraine

09:11 | 21/03/2022 Print
Nga chiếm 0,4% tổng thương mại của ASEAN năm 2021 và chưa đến 0,1% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN, nhưng căng thẳng Nga – Ukraine đang và sẽ ảnh hưởng đến 5 lĩnh vực chính trong khu vực kinh tế này.
Dự báo 5 lĩnh vực ASEAN chịu tác động do căng thẳng Nga - Ukraine
Cuộc xung đột làm suy giảm khả năng đi lại giữa châu Âu và châu Á, sự phục hồi của ngành du lịch ASEAN cũng có thể bị chệch hướng

TTXVN dẫn báo cáo của Fitch Ratings nhận định, sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á sẽ vững chắc vào năm 2022, nhưng giá hàng hóa lại tăng do căng thẳng Nga-Ukraine đã trở thành một nguy cơ ngày càng lớn.

Theo bài viết trên báo The Business Times ngày 15/3, mặc dù hầu hết các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không liên quan trực tiếp đến Nga, nhưng các thị trường ở khu vực này có khả năng phải đối mặt với khó khăn từ những cú sốc về nguồn cung của các ngành sản xuất then chốt và nhập khẩu nông sản, cũng như giá năng lượng cao hơn.

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến Mỹ và các đồng minh áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhà xuất khẩu lớn về kim loại, lương thực và năng lượng. Báo cáo của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á sẽ vững chắc vào năm 2022, nhưng giá hàng hóa lại tăng do căng thẳng Nga-Ukraine đã trở thành một nguy cơ ngày càng lớn, bất chấp những liên kết tương đối nhỏ về thương mại và đầu tư giữa Nga và ASEAN.

Nga chỉ chiếm 0,4% tổng thương mại của ASEAN năm 2021 và chưa đến 0,1% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN.

Công ty Maybank Securities Singapore (MSSG) dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro suy giảm tương đối nhiều hơn so với các nước xuất khẩu hàng hóa là Malaysia và Indonesia. Mức độ điều chỉnh GDP sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc xung đột, quy mô và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt cũng như sự khó khăn về hàng hóa và mức độ tăng giá.

Dưới đây là một số khía cạnh mà các nền kinh tế khu vực sẽ bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau:

* Về sản xuất

Nga và Ukraine là những nhà sản xuất lớn các nguyên vật liệu công nghiệp như nickel, palladium và khí neon. Theo một báo cáo của Moody's Investors Services, những nguyên vật liệu này có thể sẽ bị thiếu hụt trong một thời gian, khiến giá cả tăng và dẫn đến những sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành sản xuất ô tô và chất bán dẫn…

Theo DBS Group Research, việc căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài hơn từ 3 đến 6 tháng có thể trì hoãn sự phục hồi của chuỗi cung ứng sang đến năm 2023, so với dự kiến ban đầu là quý II năm nay.

Kim loại quý và khí neon được sử dụng rộng rãi trong các công đoạn khác nhau của quá trình sản xuất chip bán dẫn. Từ đó, sự thiếu hụt các thành phần có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của DBS lạc quan rằng, các công ty ở đây hiện đã quen với việc điều chỉnh trong môi trường đầy thách thức sau đại dịch COVID-19. Họ đã và đang duy trì mức dự trữ cao và đa dạng hóa các nguồn hàng để đáp ứng đơn đặt hàng của khách.

DBS cho biết dựa trên kết quả tài chính của các công ty sản xuất công nghệ Singapore năm 2021, có tính đến tác động cả năm của đại dịch COVID-19, các công ty ở đây cũng đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường chi phí cao hơn. Hầu hết các công ty đã có thể giảm nhẹ tác động thông qua việc nâng cao năng suất và tính hiệu quả.

* Về du lịch

Theo MSSG, Thái Lan có thể bị ảnh hưởng nhiều vì Nga chiếm khoảng 5,4% doanh thu du lịch nước này – Nga đứng thứ ba sau Trung Quốc (28%) và Malaysia (5,6%). MSSG cho biết: “Du khách Nga đã hủy các chuyến du lịch đến Thái Lan do đồng ruble lao dốc, các chuyến bay bị hủy và khó khăn trong việc chuyển tiền”.

Với việc cuộc xung đột làm suy giảm khả năng đi lại giữa châu Âu và châu Á, sự phục hồi của ngành du lịch ASEAN cũng có thể bị chệch hướng. Người châu Âu chiếm tỷ lệ đáng kể du khách ở Thái Lan (17%), Indonesia (13%) và Singapore (11%).

* Về hàng hóa

Theo MSSG, giá hàng hóa tăng sẽ có ảnh hưởng không đồng đều đến khu vực ASEAN, với rủi ro suy giảm đối với Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cao hơn so với các nước xuất khẩu hàng hóa như Malaysia (dầu mỏ, khí đốt, dầu cọ) và Indonesia (than đá, khí đốt, dầu cọ và nickel).

Trong khi đó, giá năng lượng cao hơn có thể làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các nước như Indonesia và Thái Lan, vốn trợ cấp giá nhiên liệu, từ đó có thể dẫn đến các cú sốc về lạm phát và kéo theo chính sách lãi suất tăng.

Theo hãng tư vấn về công nghiệp FGE, giá dầu tăng cao cũng có thể khiến giá nhựa đắt hơn vì nhựa được sản xuất từ các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu như naphtha, ethylene và propylene. Khoảng 15% nhập khẩu naphtha của châu Á là từ Nga, Biển Đen và khu vực Baltic.

DBS cho biết nhựa thường được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng, và toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ, đặc biệt là các nhà sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có thể bị ảnh hưởng.

* Về lương thực

Mặc dù ảnh hưởng đối với giá lương thực địa phương là ít hơn so với giá dầu, nhưng chi phí gia tăng của các sản phẩm như dầu ăn và lúa mỳ phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga và Ukraine có thể làm suy giảm sức mua. Ví dụ, giá các mặt hàng nông nghiệp như lúa mỳ, dầu hướng dương và ngô đã tăng lên.

Công ty dịch vụ tài chính Nomura cho hay giá phân bón cao hơn cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất lương thực địa phương, gạo và thịt của Philippines cũng như thực phẩm nhập khẩu của Singapore sẽ bị ảnh hưởng.

* Về thương mại

Theo MSSG, thương mại của ASEAN với Nga về đồ điện tử và trang thiết bị quân sự có thể phải tạm ngừng. Điều này là do các lệnh trừng phạt cấm một số ngân hàng của Nga tham gia mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, từ đó có thể làm gián đoạn việc thanh toán và chuyển tiền./.

HL (lược dẫn từ TTX)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư