e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

10:05 | 24/03/2022 Print
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn…

“Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng, dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về thuế...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022, tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH diễn ra ngày 23/3, theo Văn phòng Quốc hội.

Cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng, dầu, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ảnh: QH

Theo đó, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn theo phương án: Xăng giảm 2.000 đồng/lít từ mức 4.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít từ mức 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg từ mức 2.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít từ mức 1.000 đồng/lít. Để đảm bảo tính kịp thời của chính sách, Chính phủ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, người dân, doanh nghiệp rất mong đợi quyết định về giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng, dầu trong thời điểm hiện tại.

Báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến cơ bản thống nhất việc trình UBTVQH xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay, để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng, dầu khan hiếm; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét quyết định nội dung này là phù hợp với Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường về thẩm quyền của UBTVQH xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn… Về dài hạn cần nghiên cứu sử dụng các công cụ thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các bộ trong thời gian tới cần quan tâm điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu một cách linh hoạt, công khai, minh bạch; xem xét cơ cấu giá cơ sở giá xăng, dầu; giảm tiêu hao…

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường lần này là giải pháp tình thế. Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến giảm thu ngân sác nhà nước, nên cần phấn đấu thực hiện tăng thu ở các lĩnh vực khác, chống thất thu để vẫn bảo đảm thu ngân sách năm.

Cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Chính phủ. Ảnh: QH

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo thủ tục rút gọn tại một phiên họp. Trong điều kiện giá xăng, dầu thế giới tăng cao, UBTVQH thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý, điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, nhưng có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng, dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân, kiểm soát lạm phát; nâng cao năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bình ổn giá thị trường và các giải pháp khác về kinh tế và an sinh xã hội.../.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư