Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

10:59 | 30/03/2022 Print
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng lại là năm kinh doanh thành công đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, khi hàng loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2019. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng về quy mô tài sản, lợi nhuận, thì hiệu quả kinh doanh của hệ thống NHTM vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NHTM NĂM 2020

Tổng tài sản

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 13 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm 2019. Trong đó, chỉ tính riêng 4 NHTM nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm NHTM nhà nước với gần 1,6 triệu tỷ đồng. NHTM Cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đầu nhóm NHTM cổ phần tư nhân, với tổng tài sản đạt 634.000 tỷ đồng (Hình 1).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Huy động vốn

Đến ngày 31/12/2020, huy động động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng 13,49% so với cuối năm 2019, đạt 10,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, 4 NHTM nhà nước chiếm 46% thị phần huy động toàn hệ thống. Agribank dẫn đầu về số dư huy động, với hơn 1,5 triệu tỷ đồng. SCB có quy mô huy động vốn khách hàng lớn nhất trong khối NHTM cổ phần tư nhân với 468.000 tỷ đồng (Hình 2).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Dư nợ cho vay

Đến ngày 31/12/2020, dư nợ cho vay của toàn hệ thống TCTD tăng 12,13% so với cuối năm 2019, đạt 9,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, 4 NHTM nhà nước chiếm 47% tổng dư nợ của toàn hệ thống TCTD. SCB có quy mô dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất trong khối NHTM cổ phần tư nhân với 351.000 tỷ đồng (Hình 3).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Lợi nhuận

Năm 2020, NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất toàn hệ thống, đạt 23.045 tỷ đồng. NHTM Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có lợi nhuận trước thuế đứng thứ 3 toàn hệ thống và đứng đầu nhóm NHTM cổ phần tư nhân, với lợi nhuận trước thuế đạt 15.800 tỷ đồng. Trong khi mảng tín dụng của nhiều ngân hàng có dấu hiệu bị co hẹp lại ít nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì lợi nhuận của nhiều ngân hàng lại được bù đắp bởi các hoạt động kinh doanh phi tín dụng, trong đó nổi bật là kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư (Hình 4).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Tỷ lệ an toàn vốn

Năm 2020, Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư số 41/2016/NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đạt 11,65%; nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, ngày 15/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đạt 10,59%.

Cách đây 5 năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống NHTM và lựa chọn 10 ngân hàng để thí điểm áp dụng. Theo quy định của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, từ năm 2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng và tuân thủ quy định về CAR theo tiêu chuẩn của Basel II.

Chất lượng tài sản

Tỷ lệ nợ xấu

Nợ xấu của các ngân hàng giảm mạnh trong 3 tháng cuối cùng của năm 2020, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 giảm xuống mức thấp hơn cả cuối năm 2019, dù năm qua chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong khi một số ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh, thì có thêm nhiều ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1%. Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank ở mức 0,47%, thấp nhất hệ thống (Hình 5).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, để cho phép các TCTD có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây được xem là chính sách hỗ trợ cho cả nền kinh tế lẫn ngành Ngân hàng. Việc giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khoản nợ đáng lẽ đã phải nhảy từ 1 đến 2 nhóm nợ, đã phần nào làm cho bức tranh nợ xấu và chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2020 bị lệch và có phần không chính xác.

Tỷ lệ lãi, phí phải thu

Kết thúc năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung ngành Ngân hàng vẫn có một năm kinh doanh khá khả quan, khi phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước. Tuy nhiên, với việc lãi, phí phải thu của nhiều thành viên có xu hướng tăng mạnh trong năm qua, thì chất lượng lợi nhuận đến đâu vẫn là một điều đáng quan tâm. 4 NHTM cổ phần nhà nước có tỷ lệ lãi, phí phải thu trên tổng tài sản thấp nhất, trung bình là 0,71%. SCB là một trong những ngân hàng có khoản lãi, phí phải thu cao nhất năm qua, chiếm tới 11,6% tổng tài sản (Hình 6).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ này của một số ngân hàng dù giảm, nhưng vẫn còn khá cao cho thấy, chất lượng tài sản giữa các ngân hàng có sự phân hóa lớn và tính minh bạch còn hạn chế. Khoản “lãi, phí phải thu” lớn cho thấy, chất lượng tài sản ngân hàng thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro và các ngân hàng có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chưa hạch toán vào nợ xấu và tài sản xấu. Khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài, thì dễ trở thành dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn, cũng như chất lượng lợi nhuận của ngân hàng.

Trích lập dự phòng rủi ro

Năm 2020, nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng, nên tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao. Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn nhất hệ thống, lên tới 368%. Các ngân hàng cổ phần vốn nhà nước thường có tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trên nợ xấu cao, bình quân năm 2020 là 175% (Hình 7).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu thể hiện khả năng phòng vệ của ngân hàng trước rủi ro phát sinh nợ xấu. Ngoài ra, đây còn là “của để dành” của ngân hàng, khi nợ xấu được thu hồi thì ngân hàng có thể ghi nhận hoàn nhập dự phòng.

Khả năng quản lý

Năm 2020, có 10 ngân hàng trong nhóm nghiên cứu có tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) dưới 40%. 4 NHTM có vốn nhà nước kiểm soát CIR tốt nhất, với mức bình quân là 36,3%. NHTM Cổ phần Phương Đông (OCB), NHTM Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là những ngân hàng kiểm soát CIR tốt nhất, khi tỷ lệ này dưới 30% (Hình 8).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Về cơ bản, CIR càng thấp, thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu. Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng mang tính thời điểm, chẳng hạn như trường hợp ngân hàng trong giai đoạn đầu tư, thì sẽ khiến CIR gia tăng, còn nhìn về dài hạn, việc đầu tư này sẽ giúp ngân hàng giảm bớt chi phí vận hành, từ đó kéo CIR xuống thấp trong tương lai. Bên cạnh đó, cấu phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí hoạt động chính là quỹ lương. Ngân hàng sở hữu một quỹ lương thưởng lớn không hẳn là một điều không tốt, bởi nó có thể tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của nhân viên.

Khả năng sinh lời

Bên cạnh khả năng kiểm soát chi phí, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng còn được thể hiện qua một số chỉ số khác bao gồm: tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA). Mức tốt của ROA khoảng trên 1%, còn ROE là khoảng trên 20%.

Trong năm 2020, xét về ROA, 4 ngân hàng có vốn nhà nước vẫn là những thành viên có tổng tài sản lớn nhất, khi tổng tài sản của mỗi ngân hàng đều đã vượt mức 1 triệu tỷ đồng, nhưng hiệu quả khai thác tài sản của nhóm này chỉ ở mức trung bình thấp, với Vietcombank đạt 1,45%, NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đạt 1,06%, NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 0,49%. Nhóm NHTM cổ phần tư nhân mặc dù tổng tài sản khiêm tốn hơn nhiều, nhưng lại là nhóm đang chiếm lợi thế trong việc khai thác tài nguyên. Trong đó, Techcombank đang là ngân hàng sở hữu chỉ số ROA cao nhất nhóm khảo sát, với 3,06% cho cả năm 2020, nghĩa là với mỗi 100 đồng tài sản, cổ đông ngân hàng được nhận 3,06 đồng lợi nhuận. VPBank là ngân hàng có ROA cao thứ hai với 2,62%, nhưng con số này đã sụt giảm khá mạnh so với mức 4,04% đạt được trong năm 2019.

Trong khi đó, xét về ROE, OCB là ngân hàng có suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất, với ROE năm 2020 đạt 30,72%, nghĩa là Ngân hàng này đã kiếm lời được 30,72 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh. NHTM Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đứng thứ hai, với ROE đạt 29,57% (Hình 9).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

Thanh khoản

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản được thể hiện qua một số chỉ tiêu, như: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (tài sản có tính thanh khoản/tổng nợ phải trả ≤ 10%); Tỷ lệ cho vay so với tiền gửi (≤ 85%)... Các ngân hàng đều phải đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ này. Tỷ lệ tài sản thanh khoản trong tổng tài sản năm 2020 của các ngân hàng đạt trung bình 21,7%, trong khi ngưỡng an toàn của tỷ lệ này ở mức tối thiểu là 20% (Asean Reasearch, 2018) (Hình 10).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị

NHỮNG HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

Qua phân tích kết quả hoạt động của hệ thống NHTM trong năm 2020, cho thấy một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, chất lượng tài sản dù được cải thiện, nhưng rủi ro vẫn còn ở mức cao

Chất lượng tài sản thể hiện chủ yếu qua tỷ lệ nợ xấu đã được kiểm soát ở mức trung bình dưới 3%. Tuy nhiên, nếu tính cả trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản), thì số nợ xấu tại một số ngân hàng còn lớn hơn. Tỷ lệ lãi dự thu cao ở một số ngân hàng cho thấy tiềm ẩn nợ xấu. Ngoài những nguyên nhân khách quan như: dịch bệnh, bất ổn của nền kinh tế, thiên tai..., thì một số nguyên nhân chính dẫn tới nợ xấu, như: (i) Về phía khách hàng, do khách hàng có tình hình tài chính không tốt, quản trị doanh nghiệp yếu; (ii) Về phía ngân hàng, nợ xấu do chất lượng thẩm định không tốt, rủi ro đạo đức cán bộ. Ngoài ra, trong thời gian dài, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng nóng và đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro nhưng tình hình quản trị chưa tốt, dẫn tới những khoản nợ chưa đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, vốn là nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoản nợ xấu lớn ở một số NHTM cổ phần trước đây, hiện vẫn còn là gánh nặng tài chính của nhiều ngân hàng nhỏ.

Thứ hai, khả năng sinh lời cải thiện, nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng của các ngân hàng

Lợi nhuận tăng vượt bậc trong những năm gần đây giúp khả năng sinh lời của các ngân hàng cải thiện. Tuy nhiên, mức sinh lời vẫn chưa tương xứng với quy mô vốn và tài sản ngày càng tăng của nhiều ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu do: (i) Về cơ cấu thu nhập, các ngân hàng hầu hết phụ thuộc vào thu nhập lãi, mà chưa thực sự chú trọng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng trên nền tảng công nghệ cao, có tiềm năng lớn; (ii) Về cơ cấu chi phí, các ngân hàng có xu hướng mở rộng hệ thống, tăng chi phí hoạt động, trong đó chi phí nhân sự chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Qua đánh giá về một số tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động của các NHTM, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, đối với các NHTM

(i) Cần tăng cường quản trị rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu

- Các ngân hàng cần cơ cấu danh mục tín dụng vào những ngành nghề ít rủi ro, có tiềm năng phát triển; tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn; đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đây cũng là những đối tượng được khuyến khích phát triển tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, qua đó giảm thiểu rủi ro và tạo nền tảng khách hàng vững chắc cho ngân hàng.

- Xây dựng nền tảng khách hàng chiến lược, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các khách hàng có năng lực tài chính tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tín nhiệm với ngân hàng.

- Bên cạnh việc bán nợ cho các công ty mua bán nợ, như: VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), sử dụng dự phòng, các ngân hàng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như: tư vấn tài chính, tham gia tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, hỗ trợ về tìm kiếm khách hàng tiêu thụ sản phẩm và hợp tác kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp...

(ii) Đa dạng hóa thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đồng thời kiểm soát chi phí nhằm cải thiện lợi nhuận, khả năng sinh lời

- Đa dạng hóa các kênh đầu tư nhằm tăng doanh thu cho ngân hàng.

- Phát triển mô hình sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số tại các ngân hàng gắn với nhiệm vụ về gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và cung ứng sản phẩm theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nghiệp vụ; tăng cường quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng…

- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các chi phí hoạt động của ngân hàng nhằm giảm tỷ lệ chi phí hoạt động so với thu nhập hoạt động thuần. Trong đó, xây dựng định biên nhân sự phù hợp nhằm kiểm soát chi phí nhân viên trong tổng chi phí hoạt động xuống dưới 40% tổng chi phí hoạt động.

Thứ hai, đối với Ngân hàng Nhà nước

- Giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm củng cố hơn nữa lòng tin của người gửi tiền và tránh rủi ro hệ thống.

- Tiếp tục tạo lập hành lang pháp lý và chế tài loại bỏ hoàn toàn sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, vốn là nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoản nợ xấu lớn ở một số NHTM cổ phần trước đây, nhưng hiện vẫn là gánh nặng tài chính của nhiều ngân hàng nhỏ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngân hàng Nhà nước (2016). Thông tư số 41/2016/NHNN, ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  2. Ngân hàng Nhà nước (2019). Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  3. Ngân hàng Nhà nước (2020). Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19
  4. Asean Securities (2018). Báo cáo phân tích, truy cập từ www.aseansc.com.vn
  5. Các ngân hàng thương mại ở Việt Nam (2020, 2021). Báo cáo tài chính hợp nhất của các NHTM năm 2019, 2020

TS. Tạ Thị Kim Dung

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư