Hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số

18:36 | 30/03/2022 Print
Trong khuôn khổ Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 30/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về “Vấn đề lao động trong chuyển đổi số: Thách thức và giải pháp”.

Báo cáo tập trung vào 3 nội dung chính: Làm rõ một số vấn đề lý luận về nguồn nhân lực trong chuyển đổi số; Phân tích và làm rõ thực trạng vấn đề lao động trong chuyển đổi số tại Việt Nam (tập trung vào 4 lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics); Đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề lao động thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số

Hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số
Theo TS. Đặng Đức Anh, chuyển đổi số vừa làm mất việc làm nhưng cũng tạo ra việc làm mới.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030 là hướng vào đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi sốa quốc gia, phát triển kinh tế số để tạo sự bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, mỗi nền kinh tế đều đòi hỏi một lực lượng sản xuất tương ứng và đồng bộ về trình độ, đặc biệt là về lao động. Kinh tế số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Trong quá trình chuyển đổi đó nhiều thách thức về lao động đang nổi lên đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp và kịp thời.

Theo TS. Đặng Đức Anh, chuyển đổi số vừa làm mất việc làm nhưng cũng tạo ra việc làm mới. Việc làm mất đi tại các ngành mà công nghệ có thể thay thế con người, nhưng lại có những việc làm mới được tạo ra trong những ngành cần sự bổ trợ tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề. Điều này tạo ảnh hưởng và làm thay đổi lớn về cơ cấu lao động và thị trường lao động. Trong quá trình chuyển đổi số, các hệ thống tự động hóa sẽ dần thay thế cho lao động thủ công, nhưng việc tiếp cận các việc làm mới được tạo ra nhiều hay ít lại bị hạn chế do lực lượng lao động trong nước không được trang bị đủ kỹ năng cần thiết. Các kỹ năng mới cần có thời gian và nguồn lực để đào tạo nên việc tiếp cận được việc làm mới cần có thời gian, trong khi đó việc làm bị mất đi có thể xảy ra ngay lập tức.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) cho biết, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện khá dồi dào, đứng thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, quy mô dân số cả nước đạt 97,6 triệu người. Lực lượng người lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng gần 55,5 triệu người (chiếm tỷ lệ gần 57,7% so với tổng dân số). Tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của lực lượng lao động khoảng 76,2%. Một điểm đáng lưu ý là mặc dù có số lượng lớn, nhưng nguồn nhân lực Việt đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017 và thuộc nhóm các nước có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới (khoảng 17-20 năm).

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập thể hiện tỷ lệ người lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách kinh tế nói chung và chuyển đổi số nói riêng. Tỷ lệ người lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên tăng rất chậm, năm 2015 là 20,3% tăng lên 26% vào năm 2020 (tăng 5 điểm phần trăm trong 5 năm).

So với yêu cầu, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là về trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ lao động có trình độ chỉ chiếm hơn 26% lực lượng lao động và năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Với trình độ hiện tại, thì nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số.

Báo cáo của Diễn đang Kinh tế Thế giới (WEF) cũng cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thư tư, hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều đang ở mức thứ hạng thấp. Về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp thứ 70/100, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam xếp sau Siangpore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia. Về chỉ số lao động có chuyên môn cao, Việt Nam thuộc nhóm cuối bảng với thứ hạng 81/100, đây là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số. Chỉ số về chất lượng đào tạo nghề cũng ở mức thấp (80/100) và trong ASEAN cũng chỉ đứng trước vị trí 92 của Campuchia

Một số chỉ số khác về nguồn nhân lực của Việt Nam đều ở mức thấp và không ổn định; cũng theo WEF, chỉ số vốn nhân lực Việt Nam năm 2018 chỉ đạt 0.67 điểm, xếp thứ 48 trên 157 nước tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh tài năng (TCI) của Việt Nam mới đạt 33.41 điểm, xếp thứ 92/125, tuy cao hơn so với điểm trung bình của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng thấp nhất trong số 8 nước Đông Nam Á tham gia xếp hạng, sau cả Lào (xếp thứ 91/125 với điểm số 33.36). Trong 5 năm, TCI của Việt Nam bị tụt hạng 10 bậc, từ vị trí thứ 82/103 vào năm 2013 xuống vị trí 92/125 vào năm 2018.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều thách thức. Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 cả nước có 96,2 nghìn bác sỹ, tăng 22,4 ngàn người so với năm 2015. Tuy vậy đây vẫn là con số khiêm tốn trong bối cảnh nhu cầu cho chăm sóc y tế ngày càng tăng ở Việt Nam. Không chỉ số lượng nhân sự ngành y tế còn thấp mà việc phân bổ nguồn nhân lực y tế mất cân đối, bất hợp lý theo vùng, miền và theo lĩnh vực.

Tình trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ ở tuyến y tế cơ sở cũng như nhân lực y tế dự phòng đang trở thành vấn đề đáng lo ngại và khiến cho quá trình chuyển đổi số ngành y diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, lĩnh vực. Bên cạnh đó, về chất lượng nguồn nhân lực còn chênh lệch giữa tuyến trung ương và địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hay trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sự phát triển của FinTech, của ngân hàng số là minh chứng rõ ràng nhất cho tốc độ chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Sự chuyển đổi này kéo theo sự gia tăng về nhu cầu lao động số trong lĩnh vực này.

Cơ hội và thách thức về vấn đề lao động trong chuyển đổi số

Theo ông Lưu Đức Khải, chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và thách thức đối với tổ chức, doanh nghiệp và người lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đều đã triển khai ứng dụng số hóa ở các mức độ khác nhau, nhưng phần nhiều mới đang ở mức số hóa dữ liệu, số hóa quy trình (chiếm tới trên dưới 90%). Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội và được hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá hướng tích cực (90-95% ở mức trung bình và ở mức cao) trên cả 5 tiêu chí: Về tiết kiệm thời gian; Mang lại hiệu suất cao hơn cho toàn bộ quy trình; Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Quản lý nguồn nhân lực tốt hơn, cần ít nhân lực hơn nhưng vẫn xử lý công việc tốt hơn; Giúp người lao động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao. Đặc biệt, chuyển đổi số giúp mang lại hiệu suất và chất lượng cao hơn (với gần 60% số trả lời ở mức cao). Đồng thời, chuyển đổi số mang lại cơ hội cho tổ chức/doanh nghiệp trong quản lý nguồn nhân lực tốt hơn.

Hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số
Ông Lưu Đức Khải cho rằng, chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và thách thức đối với tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, 22,9% cho rằng nhận được nhiều cơ hội việc làm hơn; 30,2% cho rằng được làm công việc thú vị hơn và 22,9% cho rằng, sẽ làm được nhiều việc hơn, nhưng vẫn có 19,8% cho rằng công việc sẽ không có gì thay đổi.

Cùng với đó, có đến 92,2% người lao động có cái nhìn lạc quan về chuyển đổi số, trong đó khoảng trên 1/5 số người lao động rất lạc quan về lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chỉ có khoảng 6,3% tỏ ra lo lắng và không có ai sợ hãi với chuyển đổi số.

Mặc dù vậy, bên cạnh các cơ hội và lợi ích mang lại cho tổ chức, doanh nghiệp, chuyển đổi số cũng tạo ra các rủi ro đối với sản xuất kinh doanh. Khoảng 11% tổ chức, doanh nghiệp nhận định có chịu ảnh hưởng tiêu cực rủi ro kết quả công việc do chuyển đổi số, trong đó, cao nhất là lĩnh vực y tế với 18% và thấp nhất là lĩnh vực giáo dục, chiếm khoảng trên 6%.

Đồng thời, có khá nhiều khó khăn, cản trở tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, trong số các khó khăn có mức độ lớn, khó khăn lớn nhất thuộc về chưa tìm được bộ công cụ quản trị nhân lực phù hợp và thiếu lao động có kỹ năng; Tiếp theo là giải quyết vấn đề tâm lý khi có tới trên 1/5 số người lao động chưa vượt qua được rào cản tâm lý ngại thay đổi, bằng lòng với hiện tại; Bộ máy và công nghệ chưa phù hợp với chuyển đổi số; Trình độ của người lao động chưa theo kịp và khó khăn trong xử lý lao động dôi dư…

Nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp về chuyển đổi số

Đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề lao động thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Lưu Đức Khải cho biết, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ từ tập trung nguồn lực cho phát triển đội ngũ người lao động có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề nghiệp cho chuyển đổi số, các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần nâng cao về chất lượng.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển, nâng cao khả năng ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp về chuyển đổi số; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở cơ sở về chuyển đổi số.

Thị trường lao động cần linh hoạt hơn để người lao động dễ dàng di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác; Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân để tạo khung khổ thể chế và thúc đẩy hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư