Phát triển khu đô thị công nghiệp: Nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc

18:46 | 31/03/2022 Print
Nhằm vượt qua những thách thức của phát triển đô thị công nghiệp trên chính lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã chọn Singapore làm hình mẫu để tham khảo học tập. Mục đích của bài viết này nhằm nghiên cứu tầm nhìn và mô hình phát triển đô thị công nghiệp mà Trung Quốc đang theo đuổi, đó là: Khu đô thị công nghiệp Tô Châu (SIP) và TP. Thiên Tân. Việc kết hợp mô hình Singapore vào xây dựng hai thành phố này cho thấy, mô hình đã mang lại một phương thức hiệu quả để liên kết phát triển kinh tế với phát triển đô thị và cho phép xây dựng các thành phố trật tự với các tiêu chuẩn môi trường. Từ đó, bài viết cũng đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam trong quá trình lựa chọn mô hình phát triển đô thị công nghiệp hiện nay.


BỐI CẢNH CỦA TRUNG QUỐC VÀ SỰ LỰA CHỌN MÔ HÌNH SINGAPORE

Trong suốt những năm đầu 1990, Trung Quốc trải qua quá trình phát triển kinh tế và đô thị nhanh chóng, với tốc độ phát triển hai con số và đô thị hóa quy mô lớn nhanh chóng. Song điều này cũng gây ra những thiệt hại nặng nề cho môi trường, như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, sử dụng quá mức và ô nhiễm đất đai…

Trong bối cảnh này, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi mô hình Liên Xô sau năm 1949 (Rémi Curien, 2014), từ những năm 1990 trở đi, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thử nghiệm các mô hình quy hoạch đô thị mới. Từ năm 2006, Trung Quốc đã chính thức tham gia vào một cuộc “thay đổi môi trường” với tham vọng là chuyển sang một con đường phát triển đòi hỏi ít sử dụng tài nguyên hơn và thể hiện mối quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Mặc dù Trung Quốc đã theo đuổi mục tiêu này bằng cách kêu gọi hỗ trợ chuyên môn từ nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là từ phương Tây (Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thụy Điển…), nhưng quốc gia được ưu tiên hợp tác song phương là Singapore, mà Bắc Kinh coi là một mô hình phát triển đô thị bền vững. Hai đô thị chính được coi là ưu tiên hàng đầu của quá trình đổi mới quốc gia là các dự án hợp tác của Chính phủ Trung Quốc - Singapore, đó là: SIP được khởi động vào năm 1994 và Thành phố sinh thái Thiên Tân được khởi động vào năm 2007.

Phát triển khu đô thị công nghiệp: Nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc
Khu đô thị công nghiệp Tô Châu, Trung Quốc.

Sở dĩ Trung Quốc lựa chọn mô hình Singapore là do, đây là một đất nước có môi trường xanh, sạch, đô thị được quy hoạch bài bản và khoa học. InterNations công bố 82 thành phố tốt nhất để sống, làm việc và kết bạn vào năm 2020, trong đó, Singapore xếp vị trí thứ 4. Bên cạnh đó, năm 2020, Công ty ECA International nhận định, Singapore tiếp tục duy trì vị trí thành phố đáng sống nhất đối với người nước ngoài ở châu Á trong 15 năm liên tiếp (Nguyễn Thúy, 2020). Hơn nữa, gần gũi về mặt văn hóa (dân số Singapore có hơn 70% là người gốc Hoa) và chính trị - xã hội với Trung Quốc (chế độ một đảng duy nhất). Vì vậy, đối với Trung Quốc, Singapore là một hình mẫu của đô thị hiện đại và uy tín, phù hợp tương thích với hệ thống ở Trung Quốc. Singapore cũng là quốc gia nước ngoài có xu hướng đầu tư số tiền lớn nhất vào các dự án đô thị của Trung Quốc. Vì vậy Singapore và Trung Quốc gặp nhau về lợi ích chung.

TRUNG QUỐC LỰA CHỌN MÔ HÌNH SINGAPORE ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CÔNG NGHIỆP

Các dự án hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực đô thị của Trung Quốc và Singapore được khởi xướng vào đầu những năm 1990. Năm 1992, một chương trình liên chính phủ để đào tạo các nhà lãnh đạo và quản lý địa phương của Trung Quốc đã được bắt đầu. Từ năm 1994 trở đi, các dự án đã bắt đầu được khởi động ở Trung Quốc. Cụ thể như sau:

Khu đô thị công nghiệp Tô Châu (SIP)

Được khởi xướng vào năm 1994, SIP đã trở thành một đô thị phức hợp với KCN khổng lồ, với 800.000 dân và có diện tích 288 km2. Dự án này đòi hỏi quá trình hợp tác rất chặt chẽ giữa Trung Quốc - Singapore và vốn đầu tư khổng lồ. SIP nằm ở giữa đồng bằng sông Dương Tử thịnh vượng, trên trục nối Tô Châu với Thượng Hải và được hưởng lợi từ vị trí chiến lược tiếp giáp với TP. cổ Tô Châu và gần Thượng Hải.

Cơ chế chỉ đạo thể chế Trung Quốc - Singapore đặc biệt và cấp cao

SIP được kiểm soát bởi mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các chính quyền Trung Quốc và Singapore, do đại diện của hai bên cử ra. Cơ quan chính trị và tài chính của SIP phần lớn được định hình bởi phía Singapore. Cụ thể, Ban Quản lý Khu đô thị công nghiệp Tô Châu (SIPAC) được thành lập bởi Quốc vụ viện Trung Quốc và cơ quan chính quyền của SIP chịu trách nhiệm lập kế hoạch và điều tiết việc sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên, xây dựng công trình và bảo vệ môi trường. Mục tiêu chính đằng sau nỗ lực chung của Trung Quốc và Singapore trong SIP là thu hút FDI tối đa để gia tăng tốc độ tăng trưởng của địa phương và quốc gia Trung Quốc, đồng thời tạo ra lợi nhuận trực tiếp cho SIP.

Một KCN - thành phố tích hợp rộng lớn

Cũng như ở Singapore, SIP đã khởi xướng phát triển khu đô thị và KCN tổng hợp. Giai đoạn đầu tiên được quy hoạch vào năm 1994 với diện tích 70 km2. Năm 2001, khi người Hoa trở nên đa số, khu vực hành chính được mở rộng lên 288 km2. Kể từ đầu những năm 2000, SIP đã có những bước phát triển đáng kể với gần 10.000 doanh nghiệp, trong đó có 4.000 doanh nghiệp nước ngoài, sản xuất công nghiệp chủ yếu là điện tử, máy móc, dược phẩm, đây là những ngành công nghiệp nhẹ và ít ô nhiễm hơn so với các ngành công nghiệp lớn khác trong nước (Lye, 2015). Cho đến cuối năm 2019, Công viên phức hợp của SIP đã có 1,19 triệu người và đạt GDP 274,3 tỷ NDT (42 tỷ USD), cùng với hơn 150 công ty trong danh sách Fortune 500 đã đầu tư vào Tô Châu (Wong và Lye, 2020).

SIP có diện tích khổng lồ 288 km2, lớn gấp 3 lần TP. Paris (The Straitstimes, 2014). Đặc điểm đô thị trên cho thấy hầu như không thể di chuyển nếu không có ô tô. Hơn nữa, môi trường sống thưa thớt trước đây của con người và địa hình bằng phẳng đặc trưng cho nơi này đồng nghĩa với việc có thể thiết lập đô thị này với một cách thuận lợi về chính trị, xã hội. SIP xây dựng hình ảnh thương hiệu tinh tế của riêng mình với trung tâm hành chính ấn tượng, quảng trường hoành tráng rộng lớn và cảnh quan thành phố đáng chú ý với màn hình hiển thị phối cảnh. Những điểm hấp dẫn này được phản ánh qua giá bất động sản cao của SIP, gần bằng với giá bất động sản ở trung tâm TP. Thượng Hải. Cho dù đô thị này là một khu phức hợp cả công nghiệp và đô thị, SIP đã được dự kiến trở thành một mô hình đô thị quy hoạch và bảo vệ môi trường ở Trung Quốc.

Điểm đặc trưng về cơ sở hạ tầng và tiện ích

Trong mô hình Singapore về “cộng đồng dân cư và công nghiệp tích hợp” đã được áp dụng cho SIP, chất lượng của cơ sở hạ tầng và tiện ích đóng vai trò ưu tiên trong việc hình thành tổ hợp chức năng - thực chất là một cỗ máy sản xuất - đáp ứng mục tiêu chính của chính phủ trong việc thu hút FDI. Chính cái tên “Công viên công nghiệp Tô Châu” làm cho tư tưởng này trở nên rõ ràng. SIP trước hết là một KCN được thiết kế để thu hút FDI và thứ hai, nó là một “thành phố” kết hợp việc làm và chỗ ở, trong đó, sản xuất chiếm ưu thế hơn không gian sống.

Đảm bảo phát triển các tiện ích chất lượng cao cho các công ty và xây dựng một không gian sống dễ chịu cho người lao động và cư dân của họ là những yếu tố quan trọng trong chiến lược tạo dựng hình ảnh thương hiệu hấp dẫn. Việc quan tâm đến chất lượng môi trường thể hiện ở 2 hình thức cụ thể (ngoài việc chú trọng tạo cảnh quan): một mặt là xây dựng và duy trì các tiện ích chất lượng cao; mặt khác là một hệ thống kiểm soát ô nhiễm phức tạp và nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Trung Quốc có sự giám sát của phía Singapore.

Mô hình đô thị đảm bảo chất lượng môi trường theo mô hình của Singapore

SIP được công nhận là “khu thí điểm kinh tế tuần hoàn” vào năm 2005 và sau đó là “KCN quốc gia sinh thái” vào năm 2008. SIP đã trở thành một tham chiếu chính cho chất lượng môi trường ở Trung Quốc. Chất lượng nước được phân phối trên mức trung bình của cả nước và tỷ lệ thất thoát rất thấp với con số 7% (Rémi Curien, 2014), đây là một kết quả tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và đáng chú ý đối với Trung Quốc. Hệ thống xử lý nước thải và bùn thải cũng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Nguồn cung cấp điện và khí đốt được đảm bảo hoạt động liên tục (rất ít khi mất điện). Khí tự nhiên, là nguồn năng lượng ít ô nhiễm hơn than, chiếm tỷ trọng cao trong các năng lượng được sử dụng.

Chất lượng môi trường này dựa theo mô hình của Singapore trên các nguyên tắc đã được thử nghiệm: Thứ nhất, dự án tổng thể là kết quả của quá trình lập kế hoạch dài hạn kéo dài nhiều năm. Thứ hai, đô thị hướng tới mức độ tự chủ về lãnh thổ cao để đạt được “hiệu ứng” bằng cách phân biệt rõ ràng địa điểm với các khu vực xung quanh. Thứ ba, tất cả các mạng lưới tiện ích đã được quy hoạch ngay lập tức và đồng thời trên cùng một quy mô để hoạt động trong thời gian tối thiểu là 40 năm. Các mạng lưới khác nhau sau đó được xây dựng một cách có kiểm soát và phối hợp tuân theo các quy tắc quy hoạch đô thị ập. Thứ , các quy tắc quy hoạch đô thị được tôn trọng và duy trì sự ổn định của chúng. Sự kiểm soát như vậy từ lập kế hoạch đến thực hiện là một đặc điểm chính trái ngược với các hoạt động đô thị thông thường ở Trung Quốc. Kết quả này đặc biệt là do sự hợp tác của hai bên Trung Quốc và Singapore, cũng như áp lực của phía Singapore đặt ra đối với phía Trung Quốc để đảm bảo tôn trọng các kế hoạch và quyền kiểm soát đối với các công trình xây dựng.

Thành phố sinh thái Thiên Tân: Thành phố xanh tập trung vào công nghệ và cơ sở hạ tầng

Năm 2007, 13 năm sau khi ra mắt SIP và vào thời điểm SIP đang thu hút ngày càng nhiều cư dân và doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc và Singapore đã quyết định khởi động dự án thứ hai đó là Thành phố sinh thái Thiên Tân Trung Quốc - Singapore (SSTEC). So với SIP, thì SSTEC định hướng rõ ràng hơn về mặt sinh thái: nó được lập kế hoạch trực tiếp nhằm theo đuổi mục tiêu tái sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường, đặc biệt là thông qua việc cung cấp các hệ thống kỹ thuật để tái sử dụng các nguồn tài nguyên dưới sự hỗ trợ giám sát của Singapore. Bằng cách này, Chính phủ Trung Quốc dự định đây sẽ là một mô hình đô thị mẫu mực về môi trường, có thể được nhân rộng ra khắp Trung Quốc trong thời gian tới.

Thành phố sinh thái Thiên Tân có cơ quan quản lý đặc biệt tương tự như của SIP. Khi bắt đầu dự án, chính quyền trung ương đã thành lập một cơ quan hành chính đặc biệt là Ủy ban Hành chính Thành phố Sinh thái Thiên Tân Trung Quốc - Singapore (SSTEC - AC), để giám sát việc khởi động và quản lý hành chính của thành phố sinh thái này. SSTEC - AC được kiểm soát bởi Hội đồng chỉ đạo dưới sự điều hành chung của Phó Thủ tướng Trung Quốc và Singapore để quyết định các mục tiêu chiến lược của mình và Ủy ban Công tác thuộc Bộ Phát triển Đô thị Trung Quốc, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, đồng thời bao gồm các các cơ quan chính phủ giám sát việc thực hiện dự án.

Trong SSTEC, phía Trung Quốc phụ trách thu hồi đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông và các công trình công cộng. Một liên doanh công tư khổng lồ Trung Quốc - Singapore đã được thành lập, với 50% cổ phần của công ty này nằm dưới sự kiểm soát của Tianjin TEDA Investment Holding và 50% của Keppel Group. Liên doanh này phụ trách phát triển đất đai, mua bán bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong dài hạn, ít nhất 30 tỷ NDT được đầu tư vào hoạt động tổng thể.

Những thành công của việc áp dụng mô hình Singapore vào các thành phố của Trung Quốc

Việc kết hợp mô hình của Singapore vào hai dự án tiên tiến này ở Trung Quốc cho thấy, đây là phương thức cung cấp một cách hiệu quả để liên kết phát triển kinh tế với quy hoạch đô thị và cho phép xây dựng một đô thị chất lượng có trật tự và thân thiện với môi trường hơn so với đô thị thông thường nhìn thấy ở các thành phố mới ở Trung Quốc. Chất lượng cơ sở hạ tầng và các tiện ích được cải thiện, xử lý ô nhiễm và năng lượng hiệu quả, sự quan tâm đến chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị. Tất cả đều là đặc trưng của SIP và SSTEC nhờ hợp tác với Singapore và đây là mô hình được Chính phủ Trung Quốc phổ biến trên toàn quốc.

Hai dự án đã phần nào thể hiện đây là những công trình hài hòa về mặt xã hội, là những thành phố thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Tại KCN Tô Châu, chính quyền luôn thúc đẩy việc làm ổn định. Những người dân mất đất ở khu vực này và những sinh viên mới ra trường thất nghiệp được ưu tiên các cơ hội việc làm tại đây.

Hai dự án đã cho thấy những thành công đạt được khi hai quốc gia hợp tác kinh tế. Các KCN đã thúc đẩy tạo việc làm, đầu tư nước ngoài tăng, sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước và việc xây dựng các thành phố công nghiệp gắn kết xã hội. Chỉ tính riêng năm 2007, tổng GDP của KCN Tô Châu đạt 83,600 tỷ NDT, tăng 73 lần so với năm đầu tiên thành lập, hàng năm đóng góp khoảng 15% vào GDP của Tô Châu; GDP bình quân đầu người là 36.000 USD, gấp 3 lần so với huyện Tô Châu và gấp 8 lần tỉnh Giang Tô và gần với mức trung bình tại Singapore trong thời điểm đó. Năm 2019, SIP thu hút và quy tụ 1,19 triệu người và đạt GDP 274,3 tỷ NDT (42 tỷ USD) (Wong và Lye, 2020).

MỘT SỐ GỢI Ý CHO VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH LỰA CHỌN MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CÔNG NGHIỆP

Mô hình Singapore kết hợp xây dựng đô thị và KCN ở Trung Quốc đem lại nhiều giá trị để Việt Nam có thể học hỏi, nhưng cần có định hướng rõ ràng để gia tăng triển vọng thành công. Những định hướng cần chú ý đó là:

Một là, đồng bộ về quy hoạch khu đô thị công nghiệp. Công tác quy hoạch cần được đặt lên hàng đầu, do vậy, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định cần xây dựng chính sách quy hoạch khu đô thị công nghiệp rất cụ thể, khoa học; áp dụng một cách khoa học các lý thuyết đô thị hóa; quy hoạch xây dựng KCN cũng như dự kiến phát triển được công khai, minh bạch cho mọi người dân được biết.

Quy hoạch phát triển khu đô thị công nghiệp phải được xây dựng có trình tự, có lộ trình, có định hướng rõ ràng, không ai có thể tùy ý thay đổi và được đảm bảo triển khai xây dựng đúng như những gì đã quy hoạch. Việc bố trí và phân khu chức năng trong KCN đảm bảo tận dụng tối ưu các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, hạn chế đến mức tối thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Quy hoạch cũng cần tính toán để lại các khu đất dự trữ cho việc mở rộng, phát triển KCN để đảm bảo sự linh hoạt của quy hoạch, khi cần không phải thay đổi quy hoạch tổng thể.

Hai là, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội - dịch vụ trong và ngoài KCN. Cơ sở hạ tầng cần được thiết lập đầy đủ với hệ thống mạng lưới giao thông, như: các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không… Các cơ sở đào tạo đại học, dạy nghề cần được hình thành trong khu vực. Đồng thời, đầu tư xây dựng các khu nhà chung cư cho người lao động làm việc trong các KCN thuê và xây dựng các khu chức năng phục vụ đời sống sinh hoạt, tinh thần cho người lao động trong các KCN. Cơ quan hải quan phục vụ tối đa cho hoạt động xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả của hệ thống kê khai hải quan điện tử; thiết lập một trung tâm dịch vụ hành chính công hoạt động 24/24 cung cấp đầy đủ các dịch vụ hành chính, tư vấn mà doanh nghiệp trong KCN yêu cầu.

Ba là, đồng bộ trong việc lựa chọn quy mô doanh nghiệp, ngành nghề đầu tư. Xác định các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, thống nhất, dành sự ưu tiên cho các ngành công nghiệp với sử dụng công nghệ cao và tạo giá trị gia tăng cao của đất thuê, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc cho thuê đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, các ngành công nghiệp bị hạn chế và kiên quyết không cho thuê đối với các ngành công nghiệp bị cấm, gây ô nhiễm. Lựa chọn quy mô doanh nghiệp cho phép đầu tư theo một tiêu chí thống nhất. Doanh nghiệp trong KCN phải sử dụng các cơ sở nhà máy đạt tiêu chuẩn được xây sẵn.

Bốn là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách thủ thủ tục hành chính. Cần tiếp tục ủy quyền, phân cấp của các bộ, ngành và quản lý theo chế độ một cửa, cải cách thủ tục hành chính triệt để, đơn giản và công khai các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư; tăng cường hiệu quả áp dụng chế độ khai báo, đăng ký thủ tục hành chính qua mạng.

Năm là, thiết lập một hệ thống quản lý môi trường theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Tăng phủ xanh diện tích, hình thành một số khu đô thị công nghiệp sinh thái cấp quốc gia và đạt tiêu chuẩn quốc tế./.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thúy (2020). Singapore giữ vị trí là thành phố đáng sống nhất ở châu Á suốt 15 năm qua, truy cập từ https://baotintuc.vn/du-lich/singapore-giu-vi-tri-la-thanh-pho-dang-song-nhat-o-chau-a-suot-15-nam-qua-20200213203420327.htm

2. Andrew C. Inkpen, and Pien Wang (2006). An Examination of Collaboration and Knowledge Transfer: China-Singapore Suzhou Industrial Park, Journal of Management Studies, 43(4)

3. John Wong, and Lye Liang Fook (2020). Introduction Singapore-Suzhou Industrial Park 20 Years On: Development and Changes, Suzhou Industrial Park 20 years on: achievement, challenges and prospects, World Scientific 2020

4. Lye Liang Fook (2015). Suzhou Industrial Park: More than Just a Commercial Undertaking, World Scientific Series on Singapore's 50 Years of Nation -BuildingSingapore - China Relations, 105-130

5. Rémi Curien (2014). Chinese Urban Planning – Environmentalising a Hyper-Functionalist Machine?, China Perspectives

6. The Straitstimes (2014). Suzhou Industrial Park: 10 things to know about the China-Singapore project, retrieved from https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/suzhou-industrial-park-10-things-to-know-about-the-china-singapore-project

TS. Cấn Thị Thu Hương

TS. Lê Thu Hạnh

Học viện Ngân hàng

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư