Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia

09:42 | 07/04/2022 Print
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vấn đề này trong phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến về “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới, các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức vào chiều 6/4.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia.

Chương trình nghị sự 2030 của LHQ bao trùm mọi lĩnh vực, như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia; bên cạnh đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt làm gia tăng thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, đối với Việt Nam, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để tạo nguồn lực phục vụ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội đã xem xét, phê duyệt phân bổ ngân sách đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn 2016-2021 và 2021-2025 trong đó lồng ghép thực hiện yêu cầu phát triển bền vững.

Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về phát triển khoa học công nghệ, việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tham gia chủ động và tích cực tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương và khu vực nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; đóng góp các đề xuất tăng cường hành động của Quốc hội các nước trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Vai trò của Quốc hội còn được thể hiện qua việc đại diện cho người dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, tuyên truyền thông tin để người dân nâng cao hiểu biết về các lợi ích của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, qua đó huy động nguồn lực xã hội và sự tham gia của người dân, giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Đánh giá cập nhật tổng quan tình hình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, trong đó nhận diện những thuận lợi, thách thức đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Trao đổi các giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội về chức năng lập pháp, giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu này vào hoạt động của Quốc hội.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; huy động nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực ngoài nước, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đại biểu dân cử, các tổ chức trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

(Theo Nguyễn Hoàng)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư