e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững

Nhiều thách thức trong hiện thực hóa cam kết tại COP 26

15:47 | 07/04/2022 Print
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đánh giá, việc thực hiện những cam kết tại COP 26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu.

Sáng ngày 7/4, Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề: “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí”.

CAM KẾT MẠNH MẼ…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo và nhiều sáng kiến toàn cầu khác.

Cam kết của Việt Nam tại COP 26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện cam kết.

Nhiều thách thức trong hiện thực hóa cam kết tại COP 26
Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2

Ngay sau Hội nghị COP 26, với tinh thần hợp tác hành động, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và tích cực triển khai các kết quả và cam kết, trong đó có việc thành lập ngay Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để đề xuất các cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác.

…ĐI KÈM THÁCH THỨC LỚN

Tính đến hết ngày 31/12/2021, dự nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế) tăng 32,5% so với năm 2020. Đặc biệt, dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 47% dự nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống.

Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đánh giá, việc thực hiện những cam kết tại COP 26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu.

Cụ thể, về công tác quy hoạch, quá trình thực hiện Luật Quy hoạch vẫn gặp một số vướng mắc. Hơn nữa, tính đồng bộ giữa quy hoạch điện lực với quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng khác chưa cao. Một số dự án điện đã có trong quy hoạch phát triển điện lực, nhưng chưa được địa phương cập nhật kịp thời vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt là các dự án lưới điện.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, các quy định hiện hành chưa thống nhất, đôi khi còn chồng chéo, gây nhiều khó khăn và dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Quá trình đàm phán bộ hợp đồng BOT và cấp giấy phép đầu tư cũng bị kéo dài do liên quan đến nhiều bộ, ngành; quá trình đầu tư xây dựng phải thực hiện qua nhiều bước và nhiều cấp thẩm tra, phê duyệt, trong khi còn thiếu sự kết nối liên thông giữa công tác đầu tư xây dựng với các quy định pháp luật về đất đai, môi trường…

Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện hầu hết các dự án điện đều gặp khó khăn về vấn đề này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công công trình. Khó khăn này xuất phát từ chính sách bồi thường đất hỗ trợ, khi đơn giá đất thường thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế; một số quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn thiếu, dẫn đến không có căn cứ áp dụng… Hơn nữa, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến công tác xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài…

Ngoài ra, việc thu xếp vốn cho các dự án hiện nay cũng có một số vướng mắc do chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án hạ tầng năng lượng; các nước OECD và nhiều tổ chức tín dụng quốc tế khác hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt than. Các nguồn vốn ưu đãi nước ngoài để đầu tư dự án điện cũng khá hạn chế. Trong khi đó, việc thu xếp nguồn vốn trong nước không thuận lợi, do tại hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Làm rõ thêm khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng của các dự án năng lượng tái tạo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các dự án đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn đầu tư dài, trong khi đó nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại đối với các dự án này là nguồn vốn thông thường và phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Về thẩm định dự án và quản lý vốn cho vay, các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn (trong khoảng 2 năm) nên các nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án, cũng như lập kế hoạch trả nợ cho ngân hàng.

Bản thân khách hàng là chủ đầu tư cũng gặp khó khăn trong thực hiện hợp đồng mẫu mua bán điện, thiếu đồng bộ về hệ thống truyền tải, ảnh hưởng đến năng lực giải tỏa công suất theo dự kiến, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu, khả năng trả nợ vay của khách hàng.

Ngoài ra, năng lực quản lý của chủ đầu tư cũng ảnh hưởng nhiều đến việc cấp tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo. Nhiều doanh nghiệp triển khai dự án là doanh nghiệp mới được thành lập tại các địa phương, nên các tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai của khách hàng. Đó là chưa kể, các dự án trong giai đoạn vừa qua đều được các chủ đầu tư thi công gấp rút trong thời gian ngắn để hưởng cơ chế ưu đãi giá, nên không loại trừ khả năng có thể phát sinh rủi ro vận hành do thực hiện chưa đầy đủ các yêu cầu trong quá trình thi công, lắp đặt.

CẦN SỰ NỖ LỰC TỪ NHIỀU BÊN

Để góp phần đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện Đề án Quy hoạch Điện VIII, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự báo công suất cực đại năm 2025 đặt khoảng 59.300-61.400 MW; năm 2030 khoảng 86.500-93.300 MW; năm 2045 khoảng 155.000-189.900 MW.

“Đây là con số rất lớn và việc lựa chọn phương án, cùng với triển khai thực hiện phương án sau khi được phê duyệt để có thể thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP 26 là hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, sự tham vấn của các nhà khoa học và sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nâng lương”, ông Hoàng Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng đưa ra kiến nghị, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành Quỹ năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn...

Cần cho phép và khuyến khích sự tham gia từ nhiều bên (các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế) trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Chính phủ cần tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các doanh nghiệp cùng tham gia.

“Bên cạnh đó, ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích như áp dụng biểu giá FIT, các khoản miễn thuế, ưu đãi cho vay… để tạo thuận lợi cho việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này”, bà Phạm Thị Thanh Tùng đề xuất./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư